Mùa nhãn chín

10:19 21/08/2018

Nằm kề cận với huyện Thanh Hà của tỉnh Hải Dương, An Lão lâu nay vốn chỉ được biết đến là vùng vải lớn nhất của Hải Phòng. Nhưng năm nay dường như gió đã đổi chiều, khi sản lượng nhãn còn “khủng” hơn, kể cả khi vụ vải vừa qua được coi là được mùa nhất từ trước đến nay.

Nhãn trúng mùa mọc tràn khắp ngõ

          Về quê vải… xem nhãn trúng mùa

Gọi là vùng vải, nhưng thực tế ở An Lão vải chủ yếu tập trung ở xã Bát Trang, nơi chỉ cách huyện Thanh Hà vài chục mét qua bến Hệ của sông Lạch Tray. Theo người dân ở đây, thì vụ năm nay vải được mùa chưa từng có, bà con làm vườn trúng lớn.

          Dư âm vui mùa vải chưa dứt, thì mùa nhãn đã bắt đầu. Nhân dịp này tôi quyết định viết thêm một bài về nhãn, sau loạt bài về vải trước đó đã đăng trên báo An ninh Hải Phòng. Một phần có lẽ cũng bởi tình yêu quê hương, phần khác muốn tuyên truyền cho một mô hình làm kinh tế mới, ở nơi tôi đã gắn bó thời thơ ấu. Thế nên thời tiết những ngày này rất nóng, nhưng thông tin về nhãn rộ mùa có lẽ còn “nóng” hơn, nên tôi quyết tâm xách máy về quê.

Bát Trang là quê ngoại tôi, nên tính theo họ thì tôi gọi ông Vũ Ngọc Thụy – (một chủ vườn) bằng cậu. Vui vẻ đón thằng cháu nhà báo, ông Thụy chia sẻ, nhãn và vải đều là hai loại quả cùng họ, khi vào xuân cũng là lúc vải nhãn theo nhau nảy lộc đâm chồi, ra hoa kết trái, lúc ấy kỵ nhất là gặp gió nồm, mưa phùn và sương muối. Nhưng mùa xuân năm nay rất thuận, tất cả các yếu tố khí hậu đó đều rất hạn chế, nên vải và nhãn trúng mùa đã được báo hiệu từ trước.

Ông Thụy cũng cho biết, trước kia người dân Bát Trang ít để ý đến nhãn, bởi nhãn vườn truyền thống sinh trưởng thất thường, lại khó cạnh tranh với các loại nhãn ngon nhập từ nơi khác. Chính vì vậy, trong thời gian khá dài, nhãn cơ bản không được trồng và chăm sóc, phần lớn là cây mọc hoang và phát triển tự nhiên.

Nhưng cách đây khoảng hơn chục năm, một số người ở Bát Trang bắt đầu lùng mua nhãn giống Thái về trồng đại trà. Sau thời gian mất công chăm bón, giống nhãn Thái cho thấy rất hợp với đất miền này, quả to tròn, cùi thơm, róc hạt. Chỉ tay lên những cành nhãn sai trĩu quả, ông Thụy nói: “Từ ngày trồng, chưa vụ nào trúng lớn như vụ này…”. Tuy nhiên theo ông, năm nay nhãn quá sai, ở huyện An Lão gần như nhà nào cũng có nhãn, nên giá cũng tụt dốc nhanh. Đầu vụ loại giống Thái còn bán được 25.000 đồng, rồi giảm dần theo từng ngày, đến nay bán tại vườn chỉ khoảng 10.000 đồng/kg.

Niềm vui hái quả “lộc vườn”

Chưa ngon cũng xứng “lộc vườn”

Chia tay ông Thụy, tôi trở về xã Trường Thành, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Đi dọc con đường liên xã, gần như đến đâu cũng gặp nhãn. Nhãn nhấp nhô khỏa mình xõa ra đường ngõ, người người đi va vào nhãn mà dường như chẳng mấy ai quan tâm. Chị gái tôi tên là Thúy chỉ vào những chùm nhãn nặng quả, rọi nghiêng xuống tường bao nhà hàng xóm, cười nói: “Mấy năm trước những cây kia bị bẻ trộm từ lúc mới ra cùi, còn năm nay chín khô chẳng ai thèm…”.

Gia đình tôi có mấy sào vườn hương hỏa, do anh chị em thoát ly, chỉ còn chị gái ở quê nhưng cũng lấy chồng ở riêng, nên đất vườn không được chăm sóc tốt. Về quê đợt này, ngoài nhiệm vụ viết bài, tôi cũng có thêm nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là… thu hoạch nhãn. Vườn nhà tôi cũng có hơn chục cây nhãn, từ cây chỉ thấp ngang người đến cây đã già cỗi, mà cây nào cũng sai quả. Thực ra không cây nào được trồng, cũng như các gia đình khác ở xã Trường Thành, hầu hết do nhãn mua về ăn, ném hạt ra và nảy cây tự lớn. Bởi vậy, mỗi cây một giống, chỉ có điều năm nay chúng đều giống nhau là cây nào cũng “mắn đẻ”.

Hai chị em tôi vác bao ra vườn, theo phương châm việc dễ làm trước, nghĩa là những cây nhãn trẻ, quả thấp được bẻ đầu tiên. Vậy mà qua vài tiếng mồ hôi đã nhễ nhại, được mấy bao nhãn hai chị em không ai muốn bẻ nữa, định cho hàng xóm nhưng nhìn vườn nhà nào cũng thấy nhãn, nên lại thôi. Nhìn lên những cây nhãn quả đan bện vào nhau, tôi chép miệng: “Chịu rồi, cao thế kia ai mà bẻ được…”. Mới hay hôm trước, khi chị tôi gọi điện giục về thu hoạch nhãn, tôi gợi ý thuê người, chị bảo: “300 nghìn đồng một công bẻ nhãn cậu cũng không thuê được người đâu!”. Giờ trực tiếp bẻ, dù ở những cây nhãn thấp, thấy chị nói đúng.

Mệt thì rất mệt rồi, nhưng tâm trạng thấy thật thoải mái, vì nhãn dù chưa ngon cũng mang đầy ý nghĩa “cây nhà lá vườn”. Theo phong tục quê tôi, quả hái ở vườn hương hỏa thiêng liêng lắm, nên tôi vẫn chia đều số nhãn hái được, dự định đem đến từng nhà họ hàng ngoài phố, gọi là lộc vườn để dâng hương trong tháng “báo hiếu tổ tiên”.

Nhãn giống Thái khá hợp với chất đất và khí hậu Hải Phòng

Xuất lộ một nguồn kinh tế mới

          Từ câu chuyện của An Lão quê tôi, cần phải thấy rằng, những năm qua trên lĩnh vực kinh tế vườn, số đông người dân thường để ý đến cây vải, chứ ít khi để ý đến làm giàu từ nhãn. Cũng có thể như đã đề cập, do giống nhãn vườn truyền thống của Hải Phòng quả bé, cùi mỏng, cây chóng cằn nên không nhiều giá trị.

          Theo ông Vũ Ngọc Thụy, ở Việt Nam khá nhiều giống nhãn, ngoài nhãn vườn vẫn thuộc diện tạp nham, nhiều giống khác đã khẳng định được thương hiệu và thương mại hóa lâu nay. Nổi tiếng nhất vẫn là nhãn lồng Hưng Yên, nhưng đây là giống rất kén thời tiết và chất đất, nếu không phù hợp giống nhãn này thường đậu ít quả mà chất lượng cũng giảm nhiều. Tiếp đó giống nhãn Xuồng xuất nguồn từ Bà Rịa – Vũng Tàu, có vị thơm ngon, nhưng cũng không hợp với khí tiết miền Bắc, hơn nữa giống này cùi mọng nước, khó bảo quản nên cũng khó phát triển thành công. Một giống khác khác có tên là nhãn tiêu (quế), cũng chỉ thích hợp với chất đất và khí hậu miền Nam. Còn kinh nghiệm từ Bát Trang cho thấy, nhãn giống Thái rất hợp với vùng đất Hải Phòng.

Trao đổi về điều này, ông Thủy cho rằng nhãn cũng như vải, không nên trồng theo kiểu gieo hạt để tự sinh trưởng, mà phải ghép giống hoặc “chiết” cành, cây nhãn mới khỏe, chóng lớn và nhanh bói quả. Khi thu hoạch, nhãn phải để căng mã mới năng suất và đạt sản lượng cao. Ông Thụy bộc bạch: “Cấy lúa hay trồng rau màu rất mất công chăm sóc, lại tốn tiền đầu tư, hạch toán không hiệu quả bằng trồng vải hay nhãn...”. Đơn giản vì cả hai giống này chỉ cần chọn được cây tốt, làm nền đất ban đầu tốt, mỗi vụ phun đôi lần thuốc chống mầm bệnh, gặp thời tiết tốt như năm nay là chỉ việc chờ thu hoạch.

Như nhà ông Thụy năm nay, cả vườn thu được khoảng hơn hai tấn nhãn, tính ra thu được hơn hai chục triệu đồng. Cộng với số tiền khoảng hơn ba chục triệu đồng từ vải trước đó, cho thấy hiệu quả rõ ràng của việc trồng cây ăn quả dạng này. Tất nhiên, dù là loại cây quả nào thì yếu tố thiên nhiên cũng tác động rất lớn, mặt khác nếu không được quy hoạch tốt, người dân phát triển đại trà thì có lẽ nhãn sẽ lâm vào cảnh khó tiêu thụ như nhiều vụ vải thời gian qua.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích