Nét đẹp ở làng văn hóa Vĩnh Khê

06:49 10/10/2014

 

Nhà thờ họ Vũ làng Vĩnh Khê
Nhà thờ họ Vũ làng Vĩnh Khê

Làng văn hóa Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, là một trong số ít làng văn hóa trên cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG

Làng Vĩnh Khê nằm ở trung tâm xã An Đồng, có diện tích tự nhiên 121,8ha, là nơi an cư của gần 4.000 nhân khẩu với trên 1.400 hộ. Làng Vĩnh Khê được hình thành do quai đê lấn sông, lấn biển từ thế kỷ XIII (có tài liệu cho biết làng Vĩnh Khê thành lập năm 1345). Khởi thủy làng là nơi định cư của 9 dòng họ: Vũ Văn, Trần Văn, Lê Văn, Vũ Bá, Trần Duy, 2 họ Nguyễn (nay đã nhập làm một), Phạm, Quản… có nguồn cội từ Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An… tìm về. Trước đó, làng có tên là Lưu Khê trang.

Làng có đình Vĩnh Khê thờ hai tướng Vũ Dao,Vũ Sào và danh tướng Phạm Tử Nghi đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1994.  

Ông Trần Văn Lượng - Trưởng thôn kiêm Trưởng làng văn hóa Vĩnh Khê, không giấu được tự hào khi bộc bạch rằng: Các dòng họ ở Vĩnh Khê đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Nhiều gia tộc, dòng họ có những hoạt động phong phú, giàu bản sắc như: biên soạn, bổ sung gia phả, xây dựng và thực hiện tộc ước, xây cất, tu bổ nhà thờ, phần mộ tổ. Các hoạt động họp họ, giỗ tổ với nhiều nội dung như: tuyên đọc gia phả, tế lễ tổ tiên, bàn định công việc của gia tộc, việc đóng góp của các thành viên với gia tộc, với chương trình xây dựng nông thôn mới và lễ hội của làng...

Các nguồn tư liệu gia phả, bia ký, phú húy… của các dòng họ là nguồn sử liệu quý của địa phương. Hiện nay, làng Vĩnh Khê có 7 dòng tộc đã khôi phục, sửa sang nhà thờ họ (từ đường), biến nơi đây thành những không gian thiêng gắn bó cháu con trong dòng tộc bằng cả quyền lợi và nghĩa vụ, phong tục tập quán và dư luận để tạo thành văn hóa làng. Hàng năm, cứ vào tháng 3 âm lịch, các dòng họ trong làng tổ chức giỗ tổ, chạp tổ để tri ân tiên tổ, nhận diện họ hàng, giáo dục con cháu về truyền thống uống nước nhớ nguồn, gia phong hiếu đễ, tưởng nhớ những người có công mở đất lập làng. Họ Vũ là một dòng họ lớn của làng văn hóa Vĩnh Khê. Theo gia phả, tiền nhân dòng họ Vũ làng Vĩnh Khê đều là những người có học vấn cao như: hiệu sinh đồ, ông đồ, ông tú…

Ông Vũ Văn Phú, Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Vũ cho biết: Đại gia đình nhà cụ Vũ Văn Hào (thân sinh ông Vũ Văn Phú) gồm ba thế hệ: ông bà, bố mẹ và con cháu chung sống hòa thuận. Hằng năm cứ vào mồng 2 tết âm lịch, các con, các cháu lại tụ hội tại nhà trưởng tộc chúc tết ông bà và báo cáo kết quả học tập. Cháu nào có thành tích học tập tốt sẽ được ông bà trích quỹ khuyến học khen thưởng (học sinh giỏi thưởng 300.000 đồng, đỗ đại học thưởng 500.000 đồng, thạc sĩ 1 triệu đồng).

Cụ Vũ Văn Hào hiện có 10 cháu nội thì có 7 cháu đỗ đại học, 1 cháu đỗ thạc sĩ Luật. Năm 2012, gia đình ông Vũ Văn Phú được Ban quản lý làng văn hóa Vĩnh Khê bầu là gia đình hiếu học, được UBND huyện An Dương tặng Giấy khen; Liên đoàn Lao động thành phố tặng giấy chứng nhận “Gia đình công chức tiêu biểu có 3 thế hệ cùng chung sống một nhà”…

CHUNG TAY XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Năm 2000, làng văn hóa Vĩnh Khê ra đời. Ban xây dựng văn hóa của làng được thành lập với sự tham gia của 9 vị trưởng các dòng họ lâu đời trong làng. Các phần việc được triển khai bài bản, trên dưới chỉn chu: chia làng làm 5 tổ, thành lập tổ tự quản, an ninh thôn, trong tổ có thành viên là thanh niên, phụ nữ, CCB… gọn gàng như một làng thu nhỏ. Hội đồng gia tộc các dòng họ chủ động phối hợp với Ban vận động xây dựng làng văn hóa tuyên truyền vận động, động viên con cháu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích canh tác hiệu quả kinh tế thấp, bấp bênh sang mô hình trang trại, gia trại; mở mang các ngành nghề kinh doanh dịch vụ cho giá trị kinh tế cao.

Theo số liệu thống kê năm 2012: thu nhập bình quân đầu người trong làng đạt 18 triệu đồng/người/năm; làng có 980 hộ khá và giàu (chiếm 70%), hộ nghèo chỉ còn 24 hộî, chiếm 1,7%; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch, cấp điện lưới, có phương tiện nghe nhìn; 90% hộ gia đình có xe máy và sử dụng điện thoại; 100% đường làng, ngõ xóm được trải nhựa, trải bê tông...

Năm 2010, con cháu các dòng tộc đóng góp cùng nhà nước làm được 1 đoạn đường bê tông dài 362m, rộng 3,2m, trị giá hơn 300 triệu động, trong đó người ủng hộ cao nhất là ông Trần Đình Cường với số tiền 10 triệu đồng; 1 đoạn đường làng đổ bê tông vào nghĩa trang dài 100m, 1 đoạn đường rải nhựa vào đình làng dài 1.050m…

Năm 2012, con cháu các dòng tộc hiến đất làm đường và hệ thống tiêu thoát nước xóm Đông dài 525m trị giá 500 triệu đồng. Mới đây, cụ Vũ Văn Hào đã hiến 54m2 đất để xây dựng nhà thờ họ và hàng chục m2 đất mở rộng liên xóm. Được chính quyền hỗ trợ 20 tấn xi măng, bà con trong xóm và con cháu họ Vũ quyên góp tiền làm con đường bê tông sạch đẹp, rộng rãi chạy qua Vũ tộc từ đường.

 Đến với làng Vĩnh Khê hôm nay, chúng ta thấy sự đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ với sự chung vai, góp sức của con cháu các dòng tộc trong làng.

Làng Vĩnh Khê đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trần Phương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích