Nghề trồng nấm ở huyện Tiên Lãng: Gặp khó trong quản lý đất đai

17:46 16/12/2014

 

Một hộ sản xuất nấm tại xã Quang Phục (Tiên Lãng)
Một hộ sản xuất nấm tại xã Quang Phục (Tiên Lãng)

Toàn huyện Tiên Lãng có 349 lán trại trồng nấm với diện tích 43.130m2, hằng năm có từ 200-250 hộ trồng nấm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên năm nay, đến giữa tháng 11-2014, toàn huyện mới có 91 hộ trồng nấm. Số hộ trồng nấm giảm kéo theo công tác quản lý về đất đai các lán trại gặp nhiều khó khăn. 

Diện tích giảm mạnh 

Theo Phòng NN&PT-NT huyện Tiên Lãng, đến trung tuần tháng 11 năm nay, toàn huyện có 91 hộ trồng nấm với gần 1.500 tấn nguyên liệu đưa vào sản xuất nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò. Số hộ trồng nấm vẫn tập trung chủ yếu ở các xã Quang Phục, Tiên Thắng, Kiến Thiết. Nếu như từ năm 2013 trở về trước, mỗi năm toàn huyện có 200-250 hộ trồng nấm thì tới năm nay, số hộ trồng nấm toàn huyện đã giảm mạnh. Theo thống kê, đến nay toàn huyện còn gần 20 xã không có hộ trồng nấm. Đơn cử như xã Tiên Cường, Bắc Hưng, Nam Hưng, Tây Hưng, Tiên Hưng, Hùng Thắng, Vinh Quang... nhiều năm không hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch UBND huyện giao.

Chủ tịch UBND xã Vinh Quang Mai Công Nhìu cho biết: Hàng năm, huyện vẫn giao chỉ tiêu cho xã thực hiện trồng nấm. Thế nhưng, do lợi nhuận từ trồng nấm không cao bằng trồng cây hoa màu khác nên mặc dù xã đã tuyên truyền, vận động nhưng người dân không mặn mà. Do vậy, đến nay trên địa bàn xã không còn hộ nào trồng nấm. Việc nguồn giống và nguyên liệu sản xuất bấp bênh, trồng nấm phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên cũng ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thấm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lãng, cho rằng: Mặc dù số hộ trồng nấm trên địa bàn huyện giảm mạnh so với những năm trước nhưng những hộ sản xuất lớn nhờ đầu tư sản xuất nên vẫn cho thu nhập cao năm trước. Điển hình, sản xuất nấm niên vụ 2013-2014 cho kết quả khá cả về năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập.

Qua đó góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động thường xuyên, gần 600 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo ông Thấm nhận định thì thời gian tới số hộ sản xuất nấm trên địa bàn huyện tiếp tục giảm về số lượng nhưng sẽ tăng về chất lượng trồng nấm.  Khó quản lý tài nguyên đất 

Nhằm chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa không cho năng suất và gần nhà dân, bên các tuyến đường trục chính sang làm lán trồng nấm theo đề án: “Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu giai đoạn 2008-2012”, đến năm 2010, trên địa bàn huyện Tiên Lãng có 339 lán, tương ứng với diện tích 36.715,5m2. Đến năm 2014, toàn huyện Tiên Lãng có 349 lán trại trồng nấm, tương đương với diện tích 43.130m2. 

Khó quản lý tài nguyên đất

Sau một thời gian phát động phong trào, đến nay huyện Tiên Lãng đã có hơn 4,3ha đất được chuyển đổi để làm lán trại sản xuất nấm (trong đó phần lớn là đất nông nghiệp). Theo quy định, huyện chỉ đồng ý cho việc chuyển đổi để trồng nấm, mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất khác không chấp nhận, đồng thời giao cho xã tự đứng ra cam kết với các hộ dân trồng nấm.

Ngoài một số địa phương làm tốt công tác quản lý việc sử dụng đất làm trang trại thì không ít địa phương xảy ra tình trạng người dân xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân, điển hình như ở xã Nam Hưng trước kia. Đây là hệ luỵ của việc phát triển trồng nấm ồ ạt tại huyện Tiên Lãng mà không tính đến quy hoạch và siết chặt quản lý tài nguyên đất...

Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng Đinh Dương Ngọc cho biết: Xã đã bỏ trồng nấm được 2 năm nay, cái khó của địa phương là việc quản lý tài nguyên đất đối với những hộ có lán trại bởi các hộ đã thay đổi mục đích sử dụng ban đầu. Mong muốn của địa phương là huyện sớm hướng dẫn cho phép các hộ khi không trồng nấm chuyển đổi sang mục đích khác như làm trang trại, gia trại và các hoạt động khác tránh tình trạng lãng phí lán trại.

Theo tìm hiểu của PV được biết, hiện huyện Tiên Lãng mới đồng ý chuyển quyền sử dụng đất cho 1 lán trại trồng nấm sang kinh doanh khác, còn lại hơn 300 lán trại vẫn phải tuân thủ việc bắt buộc phải trồng nấm chứ không được hoạt động gì. Thế nhưng số lán trại không trồng nấm đều đã chuyển mục đích sử dụng, các địa phương đều có mong muốn huyện sớm hướng dẫn việc chuyển đổi mục đích sử dụng lán trại để người dân yên tâm sản xuất.

PV 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông