Người dân cần tỉnh táo nhận diện rõ bản chất đạo “Long hoa di lặc”

09:27 10/03/2023

Đạo “Long hoa di lặc” là “hiện tượng tôn giáo mới” do bà Đào Thị Minh một nông dân có trình độ học vấn thấp, tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội tự thành lập. Giáo lý của đạo này được tiếp thu từ nhiều tôn giáo khác nhau, dụ dỗ người tham gia bỏ bàn thờ tổ tiên hoặc chuyển bàn thờ tổ tiên sang vị trí khác để lập bàn thờ đạo tại vị trí trang trọng nhất trong nhà.

Trên bàn thờ, hàng trong thờ ảnh tượng Di Lặc, chính giữa và hai bên thờ ảnh, tượng Bác Hồ, các anh hùng dân tộc, danh nhân hoặc ảnh tượng Quan Thế âm Bồ tát. Ở giữa là bát hương hình đài sen, 2 bên là rượu, nước lã, nước hoa quả, đèn nến... Người theo đạo này thường quỳ mỗi ngày ba lần trước bàn thờ để đọc “kinh sách, các bài khấn” vào sáng sớm, trưa, tối; đốt hương 24/24h. Khi đi dự lễ, hành hương, người già mặc màu vàng, trung niên mặc màu xanh, thanh niên mặc quần hồng đào.

Để dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia, bà Minh tuyên truyền: “…nếu ai không theo sẽ gặp rủi ro, tai họa, phải đi lễ, ốm đau không phải đi bệnh viện chỉ cần tụng kinh là khỏi…”. Theo đó, những người theo đạo “Long hoa di lặc” tu tại gia, chữa bệnh bằng nước lã, đi hành hương về cội nguồn; ăn kiêng các loại động vật và không thờ cúng tổ tiên, không phát tang khi gia đình có người chết, rút khỏi các tổ chức đoàn thể.

Ở các tỉnh phía Bắc, thành phần tin theo đạo này chủ yếu là những người nghèo, gặp nhiều khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, người bị bệnh chữa lâu ngày không khỏi, người tâm thần, thần kinh không minh mẫn.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, đạo “Long hoa di lặc” chưa được Nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo. Tại Hải Phòng đã từng ghi nhận hoạt động của đạo này. Tuy nhiên, sau khi được các ban, ngành chức năng thành phố tuyên truyền, vận động, số người theo đạo “Long hoa di lặc” đã nhận thức được bản chất của nó và tự nguyện từ bỏ.

Người có bệnh cần phải được điều trị, chạy chữa thuốc thang kịp thời thì bệnh mới hết. Thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ… là truyền thống văn hoá ngàn đời của người dân Việt Nam. Tham gia vào các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội là để xây dựng các tổ chức ngày càng lớn mạnh, đại diện và bảo vệ cho quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đội ngũ cán bộ, hội viên. Từ đó, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; các thành viên trong tổ chức đoàn thể, chính trị chung tay hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn…

Để không bị đạo “Long hoa di lặc” lôi kéo, cơ quan chức năng đề nghị nhân dân cần tỉnh táo nhận diện rõ bản chất hoạt động của đạo này để không tin, không theo và cảnh giác, đấu tranh với mọi hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ, phát triển của đạo này một cách trái pháp luật.

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích