11:36 27/07/2019 Người Hải Phòng gọi khai thác thủy sản tự nhiên nước lợ là nghề “bọt nước”, nghĩa là dựa vào kinh nghiệm xem nước để… quy ra tiền, vì vậy đầm bãi có rộng đến đâu mà không có mặt nước thì cũng hỏng. Thực tế đầm bãi thầu chính là những cánh đồng bồi ngoài bãi ven sông, biển, chủ yếu là mặt nước gồm luồng lạch, tùng, vũng… và những diện tích đất nông nghiệp chỉ có thể cấy trồng một vụ.
Mỗi mùa rươi đến, các chủ thầu lại phải bỏ hàng trăm triệu đồng để mua lưới bảo vệ
Chuyện thầu mặt nước lợ thực sự là một cuộc chiến, bởi vậy rất nhiều khu đầm bãi không chỉ ăm ắp cá tôm mà còn đầy ứ sự dị nghị. Thường thì đầm bãi càng rộng và càng gần biển cá tôm càng sẵn, như đã nói ở kỳ trước, trước kia mỗi chủ thầu được khai thác vùng rất rộng lớn, cứ đến kỳ thầu chỉ làm thủ tục ký lại hợp đồng.
Nhưng do nguồn lợi ngày càng rõ, nên mức độ cạnh tranh cũng tăng cao khi nhiều người nhảy vào giành thầu, gần đây có địa phương chia nhỏ diện tích thành nhiều gói thầu, đẩy giá lên cao, khiến chuyện tranh thầu càng gay cấn.
Chuyện hậu thầu cũng lắm cơ mưu. Như trường hợp ông C. ở Kiến Thụy, không chỉ là một tay lão luyện trong nghề kiếm ăn “bọt nước sông” mà còn quá sắc sảo cả trong cả nghề “bọt nước người”. Người dân ở vùng này cho biết, suốt chiều dài hàng chục km sông Văn Úc gần như không lần mở thầu nào mà ông C. bỏ qua, có năm kể cả công khai lẫn giấu mặt ông trúng được liền mấy xã, tất nhiên làm chỉ được một chỗ còn thì bán suất cho người khác.
Mấy năm trước, ông C. trúng thầu một khu 80 mẫu với giá hời có 600 triệu đồng, khi ông gióng tiếng có người trả ngay 1 tỷ đồng. Ông C. đã định bán, nhưng một tay sành nghề khác đến đặt vấn đề, ông C. sang tay luôn được 1,2 tỷ đồng.
Từ những câu chuyện tương tự như ông C. nói trên, mấy năm gần đây dân nhiều nơi kiến nghị một quy định thống nhất, rằng chỉ người địa phương mới được đứng tên đấu thầu. Quy định thế nhưng nào ai kiểm soát nổi, nên nhiều xã có những anh nông dân lo ăn cũng không đủ, nghề “bọt nước” chưa làm một ngày mà cũng vác hồ sơ hàng tỷ đồng đóng vào đòi bao thầu.
Rốt cuộc việc thầu được mở, hoá ra cũng toàn “đại gia nông dân” khác núp bóng ở sau lưng, chỉ khổ là giá thầu càng ngày càng cao, mà đến lượt người được khai thác thực sự có khi giá còn cao gấp mấy lần giá thầu. Ví dụ mấy khu đầm ở các xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc, Tân Trào (Kiến Thụy), vài năm trước tiền thầu tính bằng trăm triệu, thì nay mặt bằng bình quân đã lên tiền tỷ. Vì điều này mà không ít người mua lại thầu giá quá cao, nai lưng tận thu cả năm cũng không đủ vốn.
Thực ra người dân có số tiền mặt lớn ngần ấy để góp thầu cũng không nhiều, bởi vậy nhiều người trúng thầu khi làm thủ tục nhận thầu phải cầm cố hết cả tài sản hoặc gọi thêm anh em bạn bè đến chia thành gói vốn nhỏ. Ai nhiều tiền thì “cổ phần” nhiều, việc chuyển nhượng “bất thành văn” nhưng cũng náo nhiệt chẳng khác thị trường chứng khoán OTC là mấy.
Có việc để làm rồi nhưng giữ được mà ăn cũng khăn khó lắm! Đầm bãi ngày xưa là của chung, giờ đây khu nào cũng có chủ, nông dân muốn kiếm con cáy, con còng vác giậm đi không có chỗ đặt mõ. Lại còn chuyện “hôi đầm”. Cứ mỗi mùa rươi thì các ông chủ méo mặt vì phải đầu tư mấy trăm triệu dựng hàng rào bảo vệ, nếu không sẽ có hàng trăm người dân “xung phong” tràn xuống đầm.
Chuyện "đối ngoại" là vậy, nhưng chung nhau làm ăn thì khâu đối nội cũng là một mối quan hệ bất ổn, công anh công tôi, chia phần không đều hoặc mờ ám thì bạn bè, anh em ruột thịt đôi khi cũng vác dao gậy choảng nhau. Lắm lúc suất thầu thì ít mà phải chia năm sẻ bảy để phân cho bên nội bên ngoại mỗi người một tí, chứ không lại mang tiếng “bên trọng, bên khinh”.
Mới đây, ở một số vùng lợ xuất hiện thêm mô hình nuôi trồng “lúa – rươi”, nên nhiều “dự án” theo mô hình này được thiết lập. Nhưng nhiều người cho rằng, đây chẳng qua là các chủ thầu “đại gia” mượn tay các bộ địa phương, lập dự án để lách luật kéo dài thời gian thầu, thay cho định kỳ 5 năm/lần như trước. Bởi thực tế, chưa có cơ sở nào cho thấy ở vùng nào nuôi được rươi thực sự.
Chưa kể, vì sinh kế lâu dài, hay nhằm tận thu triệt để, không ít chủ thầu nghiễm nhiên coi bãi thầu là “thổ cư” nhà mình, tùy ý xây cống, be bờ...
Mới hay, tôm cá thì vẫn sinh sôi, người vẫn kiếm tiền và "cuộc chiến" giành mặt nước dường như vẫn chưa đến hồi kết thúc.
Hoàng Minh