Nguồn lợi nước lợ và hệ lụy khai thác (Kỳ 1): Sản vật “trời phú”

08:32 26/07/2019

Nhìn trên bản đồ, Hải Phòng nằm ở giữa “vết lõm” do vịnh Bắc Bộ xâm thực lục địa, nguồn nước đổ từ gần chục cửa sông ra biển tạo nên dung lượng ngưng đọng nước lợ khổng lồ. Đây là môi trường sinh sống của hàng trăm loại thuỷ sản tự nhiên có giá trị kinh tế lớn mà vị trí địa lý Hải Phòng là lý tưởng.

Nghề săn thủy sản nước lợ cũng vô cùng vất vả

Như báo An ninh Hải Phòng đã nhiều lần đề cập, Hải Phòng có hơn 125km chiều dài bờ biển, nằm trên diện tích thềm lục địa 100 nghìn km2, nơi có 7 cửa sông lớn đổ ra từ đất liền, tạo một vùng gắn liền với các khu rừng ngập mặn. Diện tích đất ngập nước ven biển của thành phố tới 24,58 nghìn hec-ta, hầu hết vùng nước nằm trong khu vực nay đều là nước lợ.

Nước lợ là nơi dung hòa giữ nguồn mặn xâm thực và nguồn ngọt đổ ra từ lục địa, vì vậy cùng ở Hải Phòng, nhưng dộ lợ ở mỗi thời điểm và mỗi khu vực khác nhau, phụ thuộc vào cường tỷ lệ dung hòa nêu trên.

Còn theo kinh nghiệm dân gian, thì khi nào lũ về ít thì nước mặn xâm thực nhiều hơn, thủy trường lợ sẽ rộng hơn, và ngược lại. Yếu tố tự nhiên dễ nhận thấy nhất là nơi nào cây cói còn phát triển được, nơi ấy còn nước lợ!..

Trong thủy trường rộng lớn này, sản vật nước lợ được coi là nguồn thực phẩm đặc biệt, bởi chất lượng và giá trị hàng hóa, xứng đáng tạo ra một phân ngành kinh tế mang hơi thở riêng của Hải Phòng. Tuy nhiên, thuỷ sản nước lợ là giống khó thuần nhất hiện nay, gần như chưa có loài nào được tạo giống hoàn chỉnh từ khâu ươm trứng đến nuôi tới trưởng thành.

Hầu hết việc khai thác vẫn là cầm nguồn nước tự nhiên mà trong đó sẵn có trứng cá tôm phù du tự sinh tự trưởng. Vì vậy dọc theo các tuyến sông hai bên tả hữu trải dọc từ Thủy Nguyên tới Vĩnh Bảo, vùng đầm bãi bồi đắp từ lâu đã được khoanh lô kẻ vùng giữ nước, giao thầu cho tư nhân ươm bắt.

Các chủ thầu cho biết, trước kia trong nguồn lợi “trời đất” sinh ra này thì tôm rảo là nguồn thu lớn nhất, tính bình quân giống đặc sản giàu chất đạm này luôn ổn định với giá 200 nghìn đồng/kg. Những khu đồng bãi nào hợp nước được vài tấn mỗi năm, tương ứng với doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Tôm rảo đánh bắt quanh năm nhưng rộ vụ phải là từ tháng Giêng trở đi, nếu năm nào hết tháng 3 âm lịch mà nguồn tôm thu về bán chưa bằng với số tiền nộp thầu, thì năm đó chủ thầu nhấp nhổm mất ăn mất ngủ lo đến chuyện thất bát. Nhưng mấy năm gần đây, khi nguồn tôm rảo sụt giảm, thì rươi thế chỗ vào vị trí chủ lực, chỉ tính trong mùa vụ vừa qua, với giá bình quân 400 nghìn đồng/kg, có chủ đầm thu được vài tấn rươi, tương ứng với doanh thu hàng tỷ đồng.

Ngoài tôm rảo và rươi thuộc diện “quái sản”, nguồn lợi từ tôm cá nước lợ cũng có thể coi là khổng lồ với hàng chục loài và loài nào cũng rỉnh rang trong thực đơn các hàng đặc sản. Tôm còn một số giống khác như gai, trà, téo “riu”… và cá thì rất nhiều loại, có thể phân làm mấy nhóm như : da trơn có bớp, nheo, úc, hau, nhệch ..., ăn sinh vật phù du có nhòng, đối, mài…, ăn tạp có vược, tráp, bống..., loại nước ngọt thuần lợ có rói, chép, quả, trắm, rô phi…

Nếu tính theo giá trị kinh tế thì bớp, nhệch, úc, quả, vược, tráp… là những loại bán được giá nhất hiện nay, mà nguồn cung nhiều khi không đáp ứng nổi nguồn cầu từ các nhà hàng đặc sản. Tuy lửng lơ không hẳn thuộc loài quý hiếm nhưng các loại cá tạp cũng góp vào hầu bao các chủ thầu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, bởi sản lượng cao.

Nói về giá trị kinh tế sản vật tự nhiên nước lợ, ông L., một chủ thầu mặt nước lâu năm ở Kiến Thụy nói vui rằng: “tôm rảo là vốn, cá là lãi, những loài khác là lợi, còn rươi là lộc”. Cũng theo chia sẻ từ ông L., mấy năm trước một mình ông trúng thầu vùng mặt nước rộng trên 500 mẫu, nhưng nay xã chia nhỏ thành nhiều suất thầu.

Mặc dù vậy, nhờ “mánh” nên ông L. vẫn “cầm cái” được 3 suất, gộp lại thành vùng thầu rộng nhất xã. Nhìn cơ ngơi bạc tỉ của ông ngự giữa vùng nông thôn với những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng đủ để nhận biết tranh được suất thầu hời hĩnh đến mức nào.

Rõ là tỷ phú, nhưng ông L. than rằng, nghề này vất vả lắm, chỉ riêng việc cầm nước săn tôm cá và rươi, đã làm những gương mặt chủ thầu sạm đen nhầy nhẫy, nên việc đánh bẫy những loài khác đôi khi phải nhượng cho người khác. Chẳng hạn như bẫy rạm, cáy, năm nay ông L. thu về được 20 triệu đồng tiền “bán cái”. Ông L. nói: “Nếu tự làm có khi thu được thêm vài chục triệu đồng, nhưng không đủ sức…”.

Nhìn ra gần ba trăm mẫu bãi, từng đàn cò đang hối hả sải bước sùng sục kiếm ăn, ông L. chặc lưỡi: “Đầu năm bán cho bọn bẫy chim có mười triệu đồng, không ngờ năm nay cò vạc nhiều thế, bọn bẫy chim thắng lớn, chỉ tiếc mình không kham nổi”. Mới hay, tưởng chỉ tôm, cá, cáy, rạm, rươi là nguồn thu, thì ra đến cả khoảng trời cũng đem lại lợi nhuận, một con vạc sao hay một con diệc bán được mấy trăm nghìn, còn vô vàn loài chim khác nữa, thật chẳng mấy ai ngờ.

Mùa tôm rảo năm nay đầm bãi của ông L. gặp hên, tiền tôm rảo thu về 4 tháng đầu vụ ngót nghét 800 triệu đồng, xem như đã trả được nửa tiền thầu. Ông L. hào hứng: “Nếu từ nay đến cuối năm gạn kiệt được vài trăm triệu đồng tôm cá nữa, mà đón được rươi lên thì kể như thắng lớn”.                                                                                                                                                                            Hoàng Minh  (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông