Nhận diện hoạt động của “Pháp môn Diệu âm”

15:50 10/07/2023

“Pháp môn Diệu âm” là "hiện tượng tôn giáo mới" do Trần Tâm (tên gọi khác là Master, Ruma Saint John, Trần Văn Tâm, Trần Văn Út, Huỳnh Long, Tâm Trần Cậu Út), sinh 1972; quê ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, hiện đang ở Bang Florida, Hoa Kỳ, sáng lập.

Trần Tâm tự nhận có thời gian đến núi Hymalaya, Ấn Độ học thiền của các đạo sỹ và cạo tóc, mặc y phục của chư tăng (cách ăn mặc giống các sư hệ phái khất sĩ hoặc mặc áo vàng giống các thầy tu ở thiền viện), tự xưng là “Minh Sư”. Trần Tâm biên soạn và truyền giảng 2 quyển sách “Kinh phép màu huyền bí”, “Kinh cần giải thoát”, gồm 2 phần: “Quán ánh sáng” và “Quán âm thanh nội tại”. “Pháp môn Diệu âm” được bắt nguồn từ việc những “môn đồ” khi gia nhập tổ chức này sẽ được hướng dẫn “tu tập thiền quán” với tên gọi “Quán âm thanh và ánh sáng” (còn gọi là pháp môn của Quan thế âm Bồ Tát). Biểu tượng của “Pháp môn Diệu âm” là cây đàn Lyre, kèm theo dòng chữ “Happy Golden Age”.

Tín lý của “Pháp môn Diệu âm” được pha trộn giáo lý của nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó, chủ yếu là Phật giáo và Công giáo. Để gia tăng sự huyền bí, Trần Tâm còn sử dụng thuật “truyền tâm ấn” được cho là truyền “năng lượng”, “nội lực” cho các “tín đồ” để “trau dồi trí tuệ”, “dẫn dắt thoát khỏi kiếp nạn” của chúng sinh.

“Pháp môn Diệu âm” không có ngày lễ cụ thể hay bắt buộc. Trần Tâm chọn một ngày phù hợp để tiến hành “giảng dạy” và “truyền tâm ấn”. Người theo “Pháp môn Diệu âm” không thọ giới như Phật giáo, tự tu tập, ăn mặc như y phục của chư tăng (áo chùng, cà sa) nhưng có nhiều màu sắc (đỏ, vàng, lam, nâu).

Người theo “Pháp môn Diệu âm” ngồi thiền hằng ngày theo phương pháp “Thanh sắc quang ảnh”, treo ảnh Trần Tâm ở trong nhà hoặc nghe Trần Tâm thuyết giảng qua Internet. Người theo “Pháp môn Diệu âm” phải được “thọ tâm ấn”, được đốt sạch “nghiệp chướng” trong quá khứ. Tức là phải được Trần Tâm truyền trao “lực lượng”, “nương tựa” của “Minh sư” để “phát triển tình thương”, “trau dồi trí tuệ”, “nhập thế” với “thượng đế”. Trước khi được “truyền tâm ấn” người theo phải ăn chay trong vòng 30 ngày và trong buổi “truyền tâm ấn”, phải học thuộc tên của 5 vị giáo chủ (tức “Hồng Danh”).

Hiện nay, đã phát hiện “Pháp môn Diệu âm” có hoạt động ở khoảng 40 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó, tập trung nhiều tại: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Ninh... Các “tín đồ” tham gia chủ yếu là những người gặp nhiều khó khăn, trắc trở trong cuộc sống và có nhu cầu được an ủi, động viên về tinh thần.

Để thu hút người tham gia, Trần Tâm thành lập trang facebook “Hội Thiền sinh Minh sư Ruma”, lồng ghép nội dung “giảng đạo” với các hoạt động “truyền tâm ấn”, dạy phương pháp “thiền” để “cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh”, trong các dịp Tết tặng quà, tiền lì xì, bưu thiếp có in hình của “Minh sư Ruma”. Cùng với đó, Trần Tâm còn tổ chức các buổi trao đổi, nói chuyện trực tuyến với “tín đồ” ở một số nơi trên thế giới; thuyết giảng ở những nơi thoáng mát, rộng rãi kết hợp với đàn, hát tạo không khí tự do, thoải mái cho người nghe.

Năm 1997, trong quá trình đi thuyết giảng tại Việt Nam, do có những hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, Trần Tâm bị trục xuất, cấm nhập cảnh vào Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, Trần Tâm tự đặt mình cao hơn cả Đức Phật, Chúa Jesus và tuyên truyền xuyên tạc kinh Phật, phỉ báng chức sắc, chức việc Phật giáo với một số luận điệu như: “các sư thầy Phật giáo đang mắc nghiệp chướng nên người dân không được đến chùa để tránh bị cộng nghiệp”, “Đức Bồ tát không ở chùa mà chỉ ở trong nhà nên mọi người hãy tu tại gia”...

Mặt khác, Trần Tâm còn có những hoạt động không phù hợp với truyền thống Phật giáo gây bức xúc trong chức sắc, chức việc Phật giáo.

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, Trần Tâm và số “đồng tu” trong “Pháp môn Diệu âm” thường lồng ghép, xuyên tạc các vấn đề chính trị, xã hội trong buổi “truyền giảng” nhằm làm suy giảm lòng tin của dân chúng đối với chính quyền. Đồng thời, ca ngợi Trần Tâm như một vị “Minh sư toàn năng, thấu hiểu mọi khổ đau của chúng sinh”.

Tổ chức “Pháp môn Diệu âm” tại một số địa phương xuyên tạc việc chính quyền tổ chức tìm kiếm, quy tập, an táng hài cốt các liệt sỹ về nghĩa trang, từ đó kích động người dân loại bỏ nghi thức tìm mộ liệt sỹ, đồng thời tuyên truyền lôi kéo người thân của các liệt sỹ tin theo “Pháp môn Diệu âm” để “Minh sư” Trần Tâm “hóa giải mọi khổ đau”.

Nguồn kinh phí phục vụ cho Trần Tâm và hoạt động của tổ chức “Pháp môn Diệu âm” cơ bản được thu nhận từ những người tin theo. Muốn vào “Thiên đường” để “tu tập”, “tín đồ” phải mua các vật dụng bắt buộc với giá tiền cao gấp nhiều lần so với giá thị trường bên ngoài.

Ngoài ra, các tín đồ “Pháp môn Diệu âm” còn được tuyên truyền rằng muốn được nhận “ân điển” của “Minh sư Trần Tâm” sẽ phải gửi hết của cải, tiền bạc cho Trần Tâm để làm việc xây trường, cứu trợ, xây “thiền đường”... Một số người đã bỏ lao động, bỏ gia đình đến “Thiền đường” của Trần Tâm để giúp việc không công, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống bản thân và gia đình.

“Pháp môn Diệu âm” là một tổ chức mang màu sắc tôn giáo, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận quần chúng nhân dân để lôi kéo tham gia nhằm trục lợi về kinh tế, đánh bóng, khuếch trương thanh thế của Trần Tâm; gây mâu thuẫn với các tôn giáo khác, ảnh hưởng xấu đến ANTT tại địa phương.

Hoạt động của tổ chức này thuộc các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Điều 8 Luật An ninh mạng...

Để xoá bỏ hoạt động của “Pháp môn Diệu âm”, các cơ quan chức năng đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân cần nhận diện rõ bản chất hoạt động của Trần Tâm và tổ chức “Pháp môn Diệu âm” để không tin, không tham gia, kịp thời thông báo với chính quyền nếu phát hiện tổ chức này hoạt động ở địa phương và cùng phối hợp tham gia đấu tranh với những hoạt động vi phạm pháp luật của tổ chức này.

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kiên quyết xử lý, quản lý những đối tượng đứng đầu các nhóm có liên quan đến “Pháp môn Diệu âm” tại địa phương; thông tin kịp thời để Nhân dân biết và cảnh giác.

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông