20:45 17/08/2018 Phải thẳng thắn nhìn nhận, tái chế phế liệu trong lĩnh vực sản xuất thép, nhựa, giấy sẽ góp phần đáng kể tận dụng nguồn nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm cũng như hạn chế chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số doanh nghiệp đã có hành vi gian lận thương mại, thậm chí thẩm lậu rác thải vào Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, quy định pháp luật trong lĩnh vực này cũng còn không ít bất cập, từ khâu nhập khẩu, quản lý và sử dụng.
Phế liệu sắt thép, nhựa, giấy tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường, hiện trên địa bàn thành phố có 27 cơ sở được cấp phép nhập khẩu và sử dụng phế liệu để phục vụ sản xuất. Trong đó chủ yếu là sắt, thép, nhựa, giấy và đồng phế liệu.
Tuy nhiên, trong số 27 cơ sở kể trên thì phần lớn là do Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp giấy phép nhập khẩu và từ năm 2016 đến nay, Sở Tài nguyên-Môi trường Hải Phòng chỉ cấp có 5 giấy phép.
Cũng theo Thông tư số 41/2015 của Bộ Tài nguyên-Môi trường thì Hải Phòng chỉ cấp giấy phép với khối lượng là dưới 5.000 tấn/năm đối với nhập khẩu sắt thép và dưới 200 tấn/năm đối với phế liệu nhựa. Con số này quá nhỏ và chủ yếu là các cơ sở đang trong giai đoạn chạy thử.
Tuy nhiên, cũng theo thống kê từ Cục Hải quan thành phố thì sau một thời gian dài quyết liệt xử lý, hiện tại các cảng của Hải Phòng cũng còn tồn khoảng gần 1.500 container và chủ yếu là các loại phế liệu nhựa. Đây cũng là tình cảnh của Cảng Cát Lái-TPHCM với gần 3.600 container và phần lớn các container đã tồn quá 90 ngày.
Nguyên nhân là do nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu để sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc cơ quan hải quan không giải quyết thủ tục thông quan.
Là người trong cuộc, ông Trần Minh Tuấn-Chi cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết: Theo quy định tại Thông tư 41, đối với những giấy phép nhập khẩu phế liệu do Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp, thường có số lượng lớn thì từ khâu thẩm định, cấp phép, đến quản lý, sử dụng, Sở tài nguyên-Môi trường địa phương hầu như… đứng ngoài cuộc?!
Trong khi đó, lực lượng hải quan chỉ giám định các container phế liệu theo xác suất hoặc máy soi, do vậy chỉ mang tính tương đối. Và việc doanh nghiệp cố tình trà trộn các loại hàng hoá khác hoặc phế liệu có nhiều tạp chất, thậm chí lại là rác thải là điều khó tránh.
Cũng bởi không được trực tiếp tham gia vào… đường đi của các lô hàng phế liệu nhập khẩu do Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp phép nên ngành chuyên môn tại địa phương đành… bó tay, không kiểm soát được doanh nghiệp nhập khẩu có sử dụng toàn bộ khối lượng phế liệu để phục vụ sản xuất hay bán lại cho các doanh nghiệp khác?
Về việc chấp hành các quy định pháp luật bảo vệ môi trường tại địa phương thì năm 2016, Sở Tài nguyên-Môi trường đã tổ chức kiểm tra 17 cơ sở có hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó 9/17 cơ sở đã dừng hoạt động sản xuất thì kết quả cũng không như mong đợi.
Đơn cử, có tới 4/8 cơ sở chưa thực hiện quản lý chất thải rắn thông thường phát sinh theo quy định; có 3 cơ sở chưa ký hợp đồng hoặc hợp đồng hết hiệu lực trong việc vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; có 4 cơ sở chưa thực hiện việc lập, gửi báo cáo quản lý chất thải nguy hại về Sở Tài nguyên-Môi trường; 1 cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; có 2 cơ sở chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, 5 cơ sở thực hiện quan trắc nhưng thiếu về tần suất, thông số…
Đặc biệt là chỉ có 1 cơ sở kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đúng quy định, còn lại là chưa kê khai hoặc ngừng kê khai?!
Cán bộ hải quan thực hiện giám định container phế liệu tại cảng Hải Phòng
Như vậy có thể thấy, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở nhập khẩu phế liệu còn hạn chế. Trong khi đó, hoạt động tái chế phế liệu tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải rắn là rất cao do có lẫn nhiều tạp chất.
Qua quan sát tại một số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu chúng tôi nhận thấy những bãi sắt thép cao ngất, phơi nắng mưa, nước rỉ chảy vàng cả mặt đất. Rồi bể rửa, phân loại nhựa phế liệu, nước đen, bốc mùi khó chịu nhưng công nhân lao động đeo găng tay, khẩu trang rất sơ sài.
Từ thực tế tại địa phương, tham gia giải quyết không ít sự cố môi trường, ông Trần Minh Tuấn cho rằng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nói riêng là rất cần thiết.
Đặc biệt, trong bối cảnh nước bạn đang có chính sách cấm nhập khẩu nhựa phế liệu thì các doanh nghiệp trong nước càng phải tuân thủ nghiêm các quy định vì lợi ích môi trường quốc gia như Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường đã chỉ đạo trong thời gian qua.
Cụ thể để hạn chế tình trạng bỏ của chạy lấy người, đưa cơ quan quản lý vào sự đã rồi thì doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phải ký cam kết ngay từ khi lô hàng chưa rời cảng đi. Như vậy đồng nghĩa doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng với lô hàng, kể cả khi không đảm bảo các điều kiện về môi trường, buộc phải tiêu huỷ thì ngân sách nhà nước cũng không thêm gánh nặng.
Còn nữa, ngay cả với những giấy phép nhập khẩu phế liệu do Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp phép thì từ Sở Tài nguyên-Môi trường địa phương, đến các lực lượng như Hải quan, Công an, Quản lý thị trường đều phải vào cuộc giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, như vậy mới từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường quốc gia của các doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng phế liệu.
Kim Oanh
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão