Nhiều biện pháp mạnh xử lý dự án “ôm đất chiếm chỗ”

16:24 04/09/2024

Bên cạnh những dự án đầu tư hiệu quả thì trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Có dự án chậm tiến độ kéo dài, lãng phí nguồn lực đất đai, trở thành "điểm nóng" khiến dư luận bức xúc. Trước tình trạng này, tỉnh quyết liệt xử lý dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định về đầu tư.
Dự án của Công ty CP Vinamit sau nhiều năm vẫn "bỏ hoang" để cỏ mọc

Lãng phí lớn

Một trong những dự án bỏ hoang gây bức xúc trong dư luận là dự án nhà máy chế biến, tổng kho bảo quản rau, củ, quả của Công ty CP Vinamit bị bỏ hoang suốt 13 năm qua. Từ năm 2007, 35 ha đất nông nghiệp nằm giáp ranh giữa 2 phường Ái Quốc và Nam Đồng, thuộc TP.Hải Dương đã được UBND tỉnh thu hồi để phục vụ triển khai dự án của Công ty CP Vinamit.

Năm 2011, dự án này chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 284 tỉ đồng.  Dự án được kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm ổn định hàng trăm công nhân lao động, đồng thời tạo sinh kế cho các hộ nông dân địa phương, góp phần mang lại giá trị cao cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hải Dương. Nhưng, sau nhiều lần gia hạn, đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất rộng mênh mông bị bỏ hoang.

Tương tự, một dự án khác với quy mô hàng nghìn tỉ đồng cũng đang trong tình trạng bị bỏ hoang là dự án nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương (tại CCN Ba Hàng, TP Hải Dương). Vào tháng 4/2019, Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương đã được UBND tỉnh Hải Dương quyết định chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất với diện tích gần 10 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.391 tỉ đồng.

Tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư, đây là dự án sản xuất trong nước có tổng vốn đầu tư lần đầu lớn nhất trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong nhiều năm. Thế nhưng, đến nay sau nhiều năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án của Công ty CP Tân Hoàng Minh vẫn “bất động”. Diện tích lớn dự án chậm tiến độ để không, cỏ mọc hoang, gây bức xúc trong dư luận.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hải Dương, tính đến hết tháng 8/2024 qua thanh tra, kiểm tra, có 78 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định. Sở đã đánh giá mức độ vi phạm để phân loại xử lý.

Trong đó có 4 dự án thuộc diện chấm dứt hoạt động, 18 dự án phải xử lý vi phạm về đầu tư trước khi xem xét điều chỉnh đầu tư, 42 dự án cho phép điều chỉnh đầu tư, 3 dự án phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản và 5 dự án giao cho cấp huyện xử lý trước khi đề xuất UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Nhiều biện pháp mạnh

Có thể thấy Hải Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư. Thực tế chứng minh tỉnh được không ít doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu và quyết định đầu tư. Tuy vậy, bên cạnh những dự án đầu tư hiệu quả thì vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Có dự án chậm tiến độ kéo dài, lãng phí nguồn lực đất đai, trở thành "điểm nóng" khiến dư luận bức xúc.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản chủ trì phiên họp lần 8 UBND tỉnh

Trước tình trạng này, tỉnh quyết liệt xử lý dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định về đầu tư. UBND tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành rà soát các dự án ngoài khu công nghiệp. Tuỳ thuộc vào mức độ, hành vi vi phạm, đoàn liên ngành đề xuất phương án xử lý phù hợp, tuyệt đối không để dự án đầu tư từ động lực thành "đá tảng" ngáng đường phát triển.

Cụ thể là dự án chậm tiến độ kéo dài do nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía doanh nghiệp thì kiên quyết áp dụng biện pháp mạnh là chấm dứt hoạt động. Còn đối với những dự án chưa triển khai vì lý do khách quan, ảnh hưởng của dịch bệnh, thủ tục đầu tư thì xem xét phương án tháo gỡ. Tỉnh tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng cũng quyết liệt, dứt khoát với các nhà đầu tư trì hoãn kéo dài.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, đơn vị đang tiếp tục phối hợp các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện tiếp tục kiểm tra thực tế, đánh giá 26 dự án chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định trên địa bàn tỉnh. Đây là đợt rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ lần 2 trong năm 2024 của tỉnh Hải Dương.

Trước đó, đầu năm 2024 Sở đã chủ trì, phối hợp kiểm tra, phân loại và đề xuất phương án xử lý 117 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 34 dự án thuộc diện phải xử lý vi phạm về đầu tư, 4 dự án có phần diện tích đất công đủ điều kiện tách thành dự án độc lập; 64 dự án cho phép nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư và 15 dự án thuộc diện phải xử lý vi phạm về đất đai.

Về 26 dự án kiểm tra ở 11 huyện, thành phố, thị xã (trừ huyện Ninh Giang) thì TP Hải Dương có 8 dự án, TP Chí Linh và huyện Thanh Hà mỗi nơi 4 dự án, các địa phương còn lại có từ 1-2 dự án. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện chủ động rà soát các dự án chậm tiến độ, báo cáo về sở trước ngày 15/9 tới.

Cùng với đó yêu cầu các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình triển khai thực hiện dự án và báo cáo đánh giá giám sát đầu tư. Cụ thể, chủ đầu tư phải thực hiện báo cáo theo quý, theo năm với các nội dung phải thông tin về quy mô, tình hình triển khai dự án, tiến độ xây dựng công trình, thực hiện nghĩa vụ tài chính, những kiến nghị cần giải quyết…

Cũng liên quan đến xử lý dự án chậm tiến độ, mới đây nhất tại phiên họp UBND tỉnh tháng 8 (lần 8), Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu các cấp, các ngành bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc xử lý các dự án chậm tiến độ, triển khai thông bảo đảm theo quy định. Đối với những dự án thuộc diện phải thu hồi, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu phương án thu hồi cụ thể với từng dự án. UBND cấp huyện khẩn trương tham mưu, đề xuất phương án kêu gọi đầu tư sau khi dự án bị thu hồi, tuyệt đối không để lãng phí đất đai. Những dự án được xem xét tiếp tục hoạt động, cơ quan tham mưu phải đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đầu tư. Nếu nhà đầu tư không chủ động, tích cực báo cáo UBND tỉnh để xử lý kịp thời. Quá trình chấp thuận đầu tư phải xác định thời gian, lộ trình cụ thể, không để kéo dài làm thất thoát ngân sách nhà nước.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông