Nhọc nhằn nghề biển

15:22 02/09/2019

Với những người dân miền biển Đồ Sơn thì những chuyến tàu ra khơi là một thứ không thể thiếu trong suốt hành trình kiếm sống, mưu sinh của mình. Cuộc sống mưu sinh ấy không tránh khỏi những nhọc nhằn, vất vả song nó lại mang đến niềm vui cho những người cả cuộc đời mình gắn bó với sóng nước mênh mông. Vị mặn mòi của biển cả cùng sự chịu thương, chịu khó của ngư dân Đồ Sơn đã tạo nên nét riêng cho những con người nơi đây.

Bập bềnh theo con sóng

Bình minh một sáng cuối tuần đầu tháng 8, khi cơn bão số 3 vừa lướt nhẹ qua khu vực thành phố Hải Phòng, chúng tôi có dịp ghé thăm cảng cá Ngọc Hải. Những con tàu vào neo đậu tránh trú bão những ngày trước đó vẫn nằm im chờ ngày xuất bến. Tại đây, chúng tôi may mắn gặp các anh Phạm Xuân Ngọc, sinh 1975, ở phường Vạn Sơn và Lương Đình Cương, sinh 1982, ở phường Ngọc Hải.

Vừa sắp xếp lại đồ đạc trên tàu, các anh vừa kể cho chúng tôi về nỗi nhọc nhằn của những người làm nghề lênh đênh sông nước. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề chài lưới, hơn 10 tuổi, anh Lương Đình Cương đã được theo thuyền của cha đi biển. Cứ thế, năm 2009, khi người cha già của anh không còn đủ sức khỏe để bám biển, bám thuyền, anh Cương đã quyết định thay cha nối nghiệp gia đình. “Làm nghề này không chịu khó lênh đênh trên biển thì đói. Trừ những ngày biển động, bão gió, còn lại mình lại cùng các bạn tàu lướt sóng ra khơi”, anh Cương tâm sự.

Cũng theo anh Cương, ngư dân Đồ Sơn không phân biệt giữa chủ tàu với lao động làm thuê. Đã lên tàu ra khơi thì đều là anh em bạn bè. Việc phân chia thu nhập cũng vậy. Không có lương cố định cho mỗi người mà theo từng chuyến đi biển. “Nghề cá vất vả mà thu nhập lại bấp bênh. Mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng 8-10 ngày, tùy con nước. Chuyến trúng thì chủ tàu và bạn thuyền thống nhất cách chia. Thường là chủ tàu nhận 4 để bù khấu hao, rủi ro…; phần còn lại chia đều cho bạn thuyền. Còn nếu lỗ thì mình là chủ tàu phải chịu hết”, anh Cương cho biết.

Nghề đi biển vốn nhiều hiểm nguy. Giữa biển hơi bao la, rộng lớn, bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền, những ngư dân còn trăm thứ khác phải lo như: những cơn bão bất ngờ có thể ập đến, tàu thuyền hư hỏng, thậm chí sự uy hiếp của tàu lạ… Thế nhưng, trên những con tàu vươn khơi công suất dưới 1.000 CV, ngư dân Đồ Sơn vẫn ngày ngày vươn khơi để lo cho cuộc sống.

Sóng cấp 6, 7, họ vẫn mải miết buông lưới và chỉ chịu quay lái hướng đất liền khi ngoài biển xuất hiện áp thấp nhiệt đới hay nổi bão. Rồi thậm chí họ sẵn sàng bỏ mặc nghệ lưới hàng chục mét với trị giá hàng trăm triệu đồng dưới biển chỉ để nhanh chóng đến tìm kiếm, cứu người bị nạn ngay khi nhận được tín hiệu kêu cứu.

Nhớ lại những ngày lênh đênh trên biển khoảng cuối tháng 4-2019, anh Phạm Xuân Ngọc cho biết, khi đang trên biển đánh bắt thì nhận được thông tin có tài gặp nạn ở khu vực ngoài khơi tỉnh Quảng Ninh. Ngay lúc đó, tàu của anh và anh Cương cùng 4 tàu khác đang khai thác gần đó đã bỏ lưới, tìm kiếm và cứu sống 6 ngư dân gặp nạn. Sau khi bàn giao bạn tàu gặp nạn cho bộ đội biên phòng đóng trên đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), các anh quay lái về vùng biển đang đánh bắt và tiếp tục công việc của mình.

Đầu tư lớn nhưng chưa đủ…

Nghề đi biển vốn chưa bao giờ là dễ dàng đối với những ngư dân Đồ Sơn. Với anh Cương, sau nhiều năm lênh đênh trên biển với con tàu 165CV, năm 2013,  khi việc đánh bắt ở vùng ven bờ ngày càng ít, anh quyết định vay mượn người thân, bạn bè đóng mới con tàu có công suất gần 400 CV vươn khơi. Đồng thời, đầu tư thêm 44km lưới với chi phí gần 2 tỷ đồng để phục vụ 2 vụ cá Nam, cá Bắc. Trong đó, nghệ lưới dài 22 km là lưới rê 1 lớp (lưới quét) chủ yếu đánh cá hồng phèn vụ Nam. Còn 22 km lưới rê hồng 3 lớp đánh bắt mực, cá hồng phèn, cá tạp… vụ Bắc.

 

Ngư dân Đồ Sơn chuẩn bị ngư lưới cụ cho những chuyến ra khơi

 

Anh Cương cho biết, để đóng tàu mới và mua thêm các ngư cụ phục vụ cho việc khai thác, anh đã chi ra số tiền gần 6 tỷ đồng. Lưới mới mua nếu sử dụng cẩn thận được khoảng 5 năm, mỗi năm tốn thêm chi phí 500-600 triệu đồng thay chân, vá lưới rách. Cũng theo anh Cương, chi phí đầu tư bỏ ra khá lớn song thu nhập lại khá bấp bênh.

Hướng mắt nhìn theo những con tàu ngoài xa, anh Cương lại thở dài: “Ra khơi chuyến được, chuyến không là chuyện bình thường. Dù rong ruổi khắp nơi, cả vùng đánh cá chung trên vịnh Bắc Bộ, ngư trường ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, khu vực ngư trường Bạch Long Vĩ, Cát Bà, nhưng nhiều chuyến khoản thu từ bán tôm cá không đủ chi phí cố định.

Trung bình, mỗi chuyến ra khơi đem lại thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng/chủ tàu và 5-7 triệu đồng/bạn tàu/chuyến. Nếu trừ khấu hao tàu, máy, lưới, dư ra chút đỉnh, tầm trên dưới 100 triệu đồng/năm là may mắn lắm đối với chủ tàu. Càng đầu tư lớn, càng lỗ. Thu nhập không ổn định nhưng giờ chúng tôi không đi biển thì cũng chẳng biết làm nghề gì, bởi nghề này là nghề truyền thống của gia đình. Sau này chúng tôi nghỉ rồi không biết còn ai theo nghề nữa không”.

Không những thu nhập bấp bênh, các chủ tàu ở Đồ Sơn còn lâm vào cảnh thiếu lao động nghiêm trọng. Ở Đồ Sơn, lao động biển chủ yếu trong độ tuổi 40-55, có người ngoài 65 vẫn đi biển. Còn lớp trẻ không đi làm xa thì cũng chọn làm công nhân trong các khu công nghiệp, hay mua tàu, thuyền đánh bắt ven bờ, thay vì theo tàu lớn vươn khơi. Để động viên ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67, thành phố Hải Phòng và quận Đồ Sơn cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân.

Hàng năm, quận Đồ Sơn đều phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức hàng chục buổi tập huấn nâng cao hiểu biết, kỹ năng, trang bị kiến thức pháp luật cho ngư dân, nhất là ngư dân trẻ. Chỉ tính trong 8 tháng năm 2019, quận hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 264 thuyền viên thuộc 35 tàu cá với số tiền là 79,2 triệu đồng.

Hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho 1 tàu cá có công suất trên 400 CV với số tiền là gần 30 triệu đồng. Đến nay có 9 chủ tàu cá mua bảo hiểm thân tàu theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ tại Công ty Bảo hiểm PVI với tổng số tiền là gần 106 triệu đồng; trong đó, ngân sách quận hỗ trợ gần 53 triệu đồng.

Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn Hoàng Đình Dũng cho biết, để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển nói riêng, ngành thủy sản quận nói chung, tháng 7-2017, HĐND quận thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế thuỷ sản quận Đồ Sơn giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, quận Đồ Sơn phấn đầu đến năm 2025, tổng sản lượng khai thác đạt 13.300 tấn, trong đó, sản lượng khai thác xa bờ chiếm 65%. Thu nhập bình quân một lao động khai thác thủy sản tăng gấp 2 lần so với năm 2017.

Mặc dù nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, động viên cho ngư dân yên tâm bám biển, song ngư dân vẫn gặp khó trong cơ chế chính sách của nhà nước như việc vay và giải ngân vốn; các thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu còn rườm rà… Khó khăn, vất vả là vậy nhưng với những người đã gắn bó với biển hàng chục năm qua, họ vẫn coi biển là nghiệp mưu sinh, là cuộc sống của mình. Họ bám biển không chỉ để kiếm sống mà còn để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của quê hương.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông