08:58 11/02/2024
Dấu ấn Cầu nối yêu thương số 3
Gặp lại đoàn công tác của Nhựa Tiền Phong, bà con dân bản Nà Ui mừng vui như gặp lại người thân lâu ngày đoàn tụ. Dẫn chúng tôi đi dạo quanh bản một lượt, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sỏ Chu Văn Thanh không giấu được xúc động cho hay, cả xã có 22 bản, với hơn 1.500 hộ dân, 8.000 nhân khẩu là nơi tập trung sinh sống của bà con dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Me và Kinh…, trong đó tỷ lệ dân tộc Thái chiếm hơn 80%.
Riêng Nà Ui là một trong những bản xa và khó khăn nhất của xã, cuộc sống bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn càng khiến cho cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy người dân nơi đây.
Trong ký ức của vị lãnh đạo xã và người dân Nà Ui, cái khó hơn cả trong cái “nhiều không” là bản ở vị trí biệt lập với bên ngoài, ngăn cách bởi con sông Nậm Sỏ. Mùa cạn, con sông nằm im lìm trơ đáy, gồ ghề những đá tảng. Nhưng mùa mưa, Nậm Ui vằn lên đỏ ngầu như con thú dữ.
Người dân muốn ra vào trong bản, phải đu dây, kéo chiếc bè mảng đơn sơ để di chuyển. Cũng vì giao thông đi lại khó khăn mà việc học của những con em dân Nà Ui càng thêm trắc trở. Những ngày đông buốt giá, lũ trẻ vẫn phải đi qua chiếc bè nguy hiểm để tới điểm trường ở trung tâm xã Nậm Sỏ. Có đứa bị trượt ngã xuống sông, quần áo ướt lạnh. Khổ quá, dân bản cũng tự làm cầu tạm nhưng mỗi khi lũ về, nước dâng cao cuốn trôi tất cả, khiến cho 117 hộ ở Nà Ui gần như bị cô lập.
Những ký ức đó đã lùi xa khi đầu năm 2018, những bước chân thiện nguyện của chương trình Cầu nối yêu thương do Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong khởi xướng và triển khai đã tới trao tặng cho người dân của bản Nà Ui một cây cầu treo kiên cố. Phó Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong Trần Ngọc Bảo bồi hồi nhớ lại: Thời điểm ấy cả Nà Ui giống như một ốc đảo tách biệt với bên ngoài. Hầu như trẻ con chỉ học hết cấp 1, ít đứa học lên cấp 2 vì đường sá đi lại khó khăn. Thậm chí, có người mua chiếc xe máy 2 năm nhưng chưa mang được xe về nhà.
Cũng đã có những đơn vị tài trợ đến khảo sát song đành bỏ cuộc vì địa hình Nà Ui phức tạp, giao thông chia cắt. Khó khăn càng khiến Ban Lãnh đạo Nhựa Tiền Phong quyết tâm xây cầu cho bà con bằng được. Khảo sát cho thấy, cây cầu đáp ứng được các tiêu chí cụ thể như: đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương, giải quyết được nhu cầu đi lại cấp thiết, có gần trường học hay không… Và rồi ròng rã gần 1 năm nỗ lực thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều lần lũ quét và sạt lở, tháng 11/2018, cầu treo Nà Ui chính thức được khánh thành, đưa vào sử dụng. Công trình có quy mô với chiều dài 54m, rộng 1,5m, tổng kinh phí xây dựng hơn 3 tỷ đồng.
Có cầu rồi, người dân Nà Ui vui mừng khôn xiết. Không chỉ Nà Ui, mà cả xã Nậm Sỏ ai cũng vui mừng. Bởi cây cầu không chỉ thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hằng ngày cho bà con Nhân dân mà còn mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó là chắp cánh cho ước mơ đến trường, cho tương lai của hàng trăm con em của người dân bản Nà Ui. Có cầu, lũ trẻ đã tự đến trường. Và rồi 2 năm sau, con đường từ cầu Nà Ui vào trong bản dài gần 3km cũng được bê tông hóa, không còn cảnh lầy lội sỏi đá. Dẫu còn khó khăn nhưng đời sống của người dân bản Nà Ui đã dần khởi sắc.
Những ngôi nhà sàn được xây dựng kiên cố, khang trang hơn. Quả thật, kể từ khi cầu Nà Ui nối liền hai bên bờ, cuộc sống của người dân cũng khấm khá hơn. Trưởng bản Lò Văn Tiếng không giấu được xúc động nhớ lại trước đây, người dân Nà Ui khổ sở lắm. Con cái đi học, cha mẹ đi chợ, đi giao dịch giấy tờ, đau ốm đến trạm y tế, gửi thư từ, gọi điện tại bưu điện xã, tất tần tật đều phải đu dây, ngồi bè qua sông rất bất tiện và nguy hiểm. Tội nhất là những trường hợp đau ốm, tai nạn đột xuất, hay phụ nữ chuyển dạ sinh con vào ban đêm phải lọ mọ đu dây kéo bè qua sông để đến trạm y tế xã.
Trưởng bản Lò Văn Tiếng phấn khởi tiếp tục trao đổi, từ khi có cầu cùng với nguồn lực từ các chương trình, dự án của Nhà nước, Nà Ui đã được đầu tư thêm cơ sở hạ tầng trường, trạm, hỗ trợ phát triển sản xuất. Tất cả bà con ở đây đều là người dân tộc Thái, quanh năm gắn bó với nghề trồng ngô, trồng quế để mưu sinh, việc giao thương được thuận tiện hơn khi không cần phải chờ đến nước sông rút. Tiện nhất là lũ trẻ đã tự đến trường vì không còn lo sợ khi đi qua dòng nước xiết khiến bố mẹ cũng yên tâm lên nương rẫy. Cuộc sống thuận lợi hơn trước, số hộ nghèo, cận nghèo của bản đã giảm xuống chỉ còn 10 hộ. “Đến giờ là 6 năm có cầu rồi, dân bản Nà Ui chúng tôi ưng cái bụng lắm lắm!”.
Tết về sớm trên bản cao Nà Ui
Cơn mưa đêm nặng hạt ở Tân Uyên cũng không thể ngăn được bước chân thiện nguyện của đoàn công tác Công ty Nhựa Tiền Phong trở lại Nà Ui. Quên sự mệt mỏi của quãng đường dài, anh chị em bắt tay ngay vào công việc. Dịp này, ngoài các chương trình “Tết rộn ràng” và “Xuân về bản Nà Ui” cho người dân và các cháu học sinh Nà Ui, Nhựa Tiền Phong còn trao tặng gần 150 suất quà cho toàn bộ người dân bản và 20 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để đón Tết cổ truyền trong yên vui và đầm ấm.
Chẳng ai bảo ai, mỗi người một việc. Chẳng mấy chốc, điểm trường Tiểu học Nà Ui đã lấp lánh xanh đỏ với bao màu sắc tươi tắn rộn ràng, trở thành điểm sinh hoạt chung của cả bản. Từng cặp bánh chưng, chiếc chăn, áo ấm…, đều được chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ để mỗi học sinh, gia đình nào cũng có quà Tết.
Từ đầu chiều 11/1, người dân bản Nà Ui xúng xính trong trang phục truyền thống của người Thái đón chờ chương trình “Xuân về bản Nà Ui”. Con đường từ cầu vào bản được quét dọn sạch sẽ, cờ hoa trang trí khẩu hiệu tung bay trong gió càng làm cho bản vùng cao mang vẻ đẹp thanh bình. Khắp bản làng rộn rã tiếng cười vui, những bước chân rộn rã. Vui hơn cả là các cháu mầm non và học sinh tiểu học - con em của bản Nà Ui đang theo học tại điểm trường tiểu học và mầm non Nà Ui khi lần đầu tiên được mặc những chiếc áo ấm màu xanh yêu thương và tham gia các trò chơi.
Trời sẩm tối, bà con dân bản Nà Ui cùng nhau hoan ca ngân nga những ca khúc về núi rừng. Những điệu nhảy sạp, múa xòe và cùng nắm tay nhau nhảy quanh lửa trại. Những tiếng cười vang, tiếng lửa reo vui tí tách bập bùng, tiếng giòn giã của cồng chiêng như xua tan đi cái lạnh của núi rừng. Bí thư Đảng ủy xã Chu Văn Thanh bảo rằng, rất nhiều năm nay, chưa khi nào bà con bản Nà Ui vui đến thế. Tất cả là nhờ những người đã mang Tết đến sớm với Nà Ui.
Những phần quà gói cả ấm nồng nhiệt huyết, lòng nhân ái với thông điệp sẻ chia “Cho đi yêu thương - mang lại hạnh phúc” đã góp phần sưởi ấm vùng cao Nà Ui, xua đi giá rét giúp các em học sinh và người dân nơi đây đi qua lạnh giá. Mỗi món quà đều gói ghém, chất chứa trong đó những ấm áp sẻ chia của “người phương xa”. Nhìn những món quà được lãnh đạo Nhựa Tiền Phong nâng niu trao tặng cho bà con, tôi chợt nhớ đến câu nói: khoảng cách địa lý có thể rất xa, điều kiện đến gần nhau có thể rất khó, nhưng sự sẻ chia và tình cảm yêu thương đong đầy thì không có khoảng cách nào ngăn trở được.
Ông Trần Ngọc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong xúc động: “Thấy bà con vui mừng, phấn khởi, chúng tôi cũng không mong gì hơn. Sau 6 năm quay trở lại nơi đây, cảm xúc của tôi vẫn còn vẹn nguyên niềm vui của bà con khi cây cầu mơ ước thành hiện thực và giờ đây là trong chương trình xuân mà Nhựa Tiền Phong dành tặng cho bà con. Thấy cuộc sống của bà con nay đã cải thiện, chúng tôi rất vui mừng vì hành trình Cầu nối yêu thương của Nhựa Tiền Phong thực sự có ý nghĩa và mang lại nhiều điều tốt đẹp cho các thế hệ người dân trong bản”.
Xuân về, khắp núi rừng Tây Bắc như tấm khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu, bừng sáng vẻ đẹp hoang sơ của núi non trùng, điệp. Trên những đồi sắn, đồng ngô, rừng quế phủ kín một màu xanh trải dài tít tắp. Mùa xuân này, khó khăn, nghèo đói ở Nà Ui đã dần lùi xa, thay vào đó cuộc sống mới no đủ hơn. Tạm biệt Nà Ui, niềm tin và những hi vọng về sự đổi thay theo chúng tôi trên suốt chặng đường về. Bên con đường cắt ngang dãy núi cao là những bông hoa của núi rừng bung nở rực rỡ khắp bản làng. Một mùa xuân mới đang đến với đất trời và bà con dân tộc thiểu số vùng cao Nà Ui.
Xuân này, chắc hẳn thêm mùa xuân đáng nhớ đối với người dân ở Nà Ui, nơi vùng cao Tây Bắc của Tổ quốc.
Những ngày đầu tháng 1/2024, miền Bắc đón nhận những đợt rét lạnh kèm cơn mưa phùn lất phất. Từ Hải Phòng, hai chiếc xe 16 chỗ đưa đoàn công tác của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) ngược lên miền Tây Bắc xa xôi. Vượt qua dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, con đường “độc đạo” dẫn vào bản Nà Ui, thuộc xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu ngoằn ngoèo, dốc cao vút trên những ngọn núi trùng điệp, sương mây hòa quyện vào nhau như chẳng muốn tan. Dưới thung lũng, những cành đào bắt đầu chúm chím khoe sắc đỏ thắm. Vừa chạm đến cây cầu mà Nhựa Tiền Phong xây dựng tặng bà con cách đây 6 năm, bản Nà Ui đã dần hiện ra nằm yên bình bên con suối Nậm Ui, dưới dãy núi Pu cao ngút ngàn…
2. Chương trình Cầu nối yêu thương là hoạt động an sinh xã hội cộng đồng do Nhựa Tiền Phong triển khai từ tháng 10/2017 với mong muốn xây dựng được nhiều cây cầu tại các khu vực khó khăn, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và an toàn cho các em nhỏ trên con đường tới trường. Hơn 6 năm triển khai, tính đến tháng 1/2024, gần 120 cây cầu được Nhựa Tiền Phong xây dựng tại các tỉnh thành trên cả nước, từ các tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi đến các tỉnh miền Tây sông nước với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng.
THỦY NGUYÊN
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024