Những mô hình quản lý, sử dụng MXH thông minh trong sinh viên, học sinh: Góp phần đẩy lùi tiêu cực từ MXH

10:41 26/12/2018

Những tác động tiêu cực của Internet, mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên từ môi trường không gian mạng thời gian qua đã đặt ra cho các nhà trường, các ban, ngành, tổ chức Đoàn - Hội nhiều khó khăn và thách thức trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và quản lý học sinh, sinh viên, đoàn viên.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, việc sử dụng mạng xã hội giúp người học tìm kiếm thông tin tạo nên những tác động tích cực và hiệu quả đến kết quả học tập. Nhưng bên cạnh đó cũng có những ảnh hưởng lớn đến tâm lý người sử dụng, mất thời gian, mất tập trung trong học tập. Một số người do sử dụng quá nhiều nên có biểu hiện “nghiện”, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tình cảm, hình thành lối sống ảo. Có những trường hợp vì thiếu văn hóa ứng xử trên mạng xã hội dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, bạo lực học đường… Ngoài ra, một số học sinh, sinh viên còn sa đà vào các trang web đen, tệ nạn mại dâm, đánh bạc thông qua môi trường mạng.

Việc định hướng cho sinh viên, học sinh thông qua các mô hình quản lý, sử dụng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng (ảnh minh họa)

Trước tình hình đó, tại thành phố Hải Phòng, trong những năm qua Phòng An ninh chính trị nội bộ cùng với các phòng nghiệp vụ chức năng CATP đã tích cực tham mưu với các nhà trường, đề xuất xây dựng nhiều mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ liên quan đến quản lý sinh viên, học sinh trên các trang mạng xã hội, đạt hiệu quả thiết thực. Có thể kể đến gần đây nhất là mô hình “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông và sử dụng mạng xã hội thông minh” của Trường THPT Nguyễn Trãi (xã An Hưng, huyện An Dương) mới xây dựng và đi vào hoạt động.

Thầy Trần Anh Tuấn, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi chia sẻ: “Thực tế hiện nay có rất nhiều học sinh suy nghĩ sai lầm cho rằng mạng xã hội thế giới ảo, có thể ẩn danh cho nên có thể ngụy tạo thông tin, bịa đặt câu chuyện, tình huống và thoải mái bình phẩm người khác mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật… Vì thế các em không chỉ dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng, mà còn coi mạng xã hội như một công cụ để xả stress, để soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh dường như đang bị cuốn sâu vào mạng xã hội mà quên đi cuộc sống thật của mình, đi tìm thú vui qua những dòng bình luận, thích thú khi được nhiều người “like” mà sẵn sàng đánh đổi cả nhân phẩm, danh dự, thậm chí cả mạng sống của mình để lấy mấy nghìn lượt like ảo.”

Cũng theo thầy Trần Anh Tuấn, xuất phát từ thực tế trên, Đoàn thanh niên nhà trường dưới sự tham mưu, hướng dẫn của Phòng An ninh chính trị nội bộ, Phòng XDPT toàn dân BVANTQ đã xây dựng báo cáo, đề xuất với Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường đưa nội dung sử dụng mạng xã hội thông minh vào trong mô hình. Để mô hình phát huy được hiệu quả tốt nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực sử dụng mạng xã hội, trường THPT Nguyễn Trãi cho biết sẽ chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh các quy định của pháp luật về an ninh mạng; giáo dục chính trị tư tưởng làm cho học sinh thấy rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là các hành vi tiêu cực, tác động do âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống đối và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội.

Thông qua đó giúp học sinh nhận thức đúng, sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả nhất. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhà trường cũng sẽ sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, đa dạng, phong phú về cách thức thể hiện và thực sự lôi cuốn học sinh tham gia như: thông qua phương tiện truyền thông, buổi sinh hoạt đầu khóa, buổi chào cờ đầu tuần, các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép vào các tiết học giáo dục công dân, tin học …

Về mặt kỹ thuật, nhà trường phân công các cán bộ quản trị cổng/ trang thông tin của nhà trường, fanpage nhà trường, tổ chuyên môn trên trang mạng xã hội tuyệt đối không được đăng, tải liên kết thông tin không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được sự cho phép của chủ sở hữu thông tin. Kiểm duyệt nội dung bài viết, hình ảnh trước khi đăng tải lên trang; các thông tin, hình ảnh do giáo viên, học sinh cung cấp không đúng nội quy, quy định của nhà trường không duyệt đăng tải; các bình luận dùng lời lẽ thô tục, kích động, bôi nhọ nói xấu người khác, gây phản cảm sẽ bị xóa bỏ…

Cũng như mô hình “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông và sử dụng mạng xã hội thông minh” của Trường THPT Nguyễn Trãi, ở trường Đại học Hải Phòng, mô hình “Quản lý sinh viên trên các trang mạng xã hội” cho đến nay đã hoạt động được gần 2 năm và đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Với đặc thù môi trường giáo dục có hàng nghìn sinh viên theo học, ngoài trang Fanpage chính của nhà trường với tên gọi “Sinh viên trường Đại học Hải Phòng” thì hiện nay 100% các khoa, viện chuyên môn của nhà trường đều đã có những fanpage riêng, phục vụ trực tiếp cho quá trình cung cấp thông tin, định hướng dư luận trong sinh viên do đơn vị phụ trách. Có thể nói các thông tin được cung cấp trên fanpage đều phản ánh trung thực những hoạt động của nhà trường, những vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa đang được giới trẻ nói chung và sinh viên quan tâm nói riêng.

Riêng trang Facebook “Sinh viên trường Đại học Hải Phòng” hiện nay đã thu hút khoảng hơn 3.200 thành viên tham gia, trở thành diễn đàn quan trọng, cung cấp cho sinh viên các thông tin chính thống về tình hình hoạt động của nhà trường, các chế độ chính sách, thông tin đào tạo, khảo thí liên quan đến người học…Đồng thời đó cũng là diễn đàn để cựu sinh viên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên đang theo học. Nhờ những thông tin bổ ích trên mạng xã hội của nhà trường mà rất nhiều bạn sinh viên đã tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu của bàn thân.

Ngoài ra, bên cạnh fanpage chính thức của nhà trường thì hiện nay đang có 6 trang fanpage do sinh viên tự thành lập, hoạt động thường xuyên và có hiệu quả. Đó là THP’s Confession (hơn 16.000 lượt theo dõi); Group K14 (hơn 7.600 thành viên); K15 (hơn 6.000 thành viên); K16 (hơn 2.500 thành viên); K17 (hơn 8.300 thành viên); K18 (hơn 4.000 thành viên)…Việc học sinh, sinh viên sôi nổi tham gia các diễn đàn, các trang mạng xã hội chính thống do nhà trường, hội sinh viên tổ chức sẽ góp phần giúp công tác quản lý gặp nhiều thuận lợi hơn, đưa sinh viên tiếp cận nhanh những nguồn tin lành mạnh, chính thống, tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực trên Mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Thu Ninh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích