19:52 19/10/2023
Đơn “tự nguyện xin học”
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh tại Hải Phòng, đầu năm học này, học sinh phải viết tay một số tờ đơn tự nguyện xin học Tiếng Anh liên kết, Toán tư duy hoặc giáo dục kỹ năng sống theo mẫu được in sẵn, sau đó phụ huynh ký và nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm.
Đáng nói là phản ánh của các phụ huynh có con học lớp 12 tại trường THPT Lê Hồng Phong (quận Hồng Bàng) cho biết, dù đã là năm cuối cấp, học sinh còn đang lo chuẩn bị cho nhiều kỳ thi quan trọng phía trước nhưng giáo viên vẫn nhắc các em viết 3 đơn theo mẫu có sẵn đăng ký học thêm như đã nêu trên kèm ý kiến nhất trí và chữ ký xác nhận của cha mẹ.
Hay tại trường Tiểu học Tràng Cát (quận Hải An), thay vì tổ chức họp, lấy ý kiến phụ huynh thì nhà trường lại phát đơn cho học sinh đăng ký học Tiếng Anh từ giáo viên nước ngoài và tham gia câu lạc bộ kỹ năng sống và cũng yêu cầu phụ huynh ký xác nhận tự nguyện cho con em tham gia. Một số phụ huynh của trường Tiểu học Nguyễn Đốc Tín (huyện An Lão) thì cho biết, nhà trường mới gửi đơn để cha mẹ đăng ký cho con học Toán tư duy, Kỹ năng sống và Tiếng Anh liên kết nhưng trong thời khoá biểu đã in sẵn 3 tiết học này, thông tin, nội dung cụ thể các chương trình học cũng không được triển khai, giới thiệu trong cuộc họp để phụ huynh nắm được.
Những sự việc trên dù sau đó đã được giải quyết song nguyên nhân được phần lớn lãnh đạo các nhà trường đưa ra là do việc triển khai mẫu đơn có phần cứng nhắc và công tác tuyên truyền còn nhiều thiếu sót dẫn tới tâm lý bất bình trong dư luận.
Phụ huynh trải lòng
Đã là hoạt động giáo dục liên quan tới hai chữ “nhu cầu” thì không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh bởi nhiều nguyên do. Anh Nguyễn Lâm, có con đang theo học tại trường THCS Lương Khánh Thiện (quận Kiến An) cho biết, con anh không có nhu cầu học Tiếng Anh liên kết nhưng thấy giáo viên chủ nhiệm gửi đơn đăng ký về nhà, tham khảo qua một số phụ huynh cùng lớp thấy ai cũng đăng ký, vì không muốn con khác biệt với các bạn nên anh cũng cho con học.
Chị Thu Hằng có hai con đang học tiểu học trên địa bàn quận Lê Chân lại tỏ ra e ngại liệu rằng 1 tuần 1 buổi học Tiếng Anh có yếu tố nước ngoài đối với học sinh tiểu học có thực sự hiệu quả, trong khi cha mẹ chưa được phổ biến rõ ràng về chương trình học, trình độ giáo viên cũng như thông tin, uy tín của trung tâm liên kết.
Chị Nguyễn Phượng, phụ huynh tại trường Tiểu học Trần Thành Ngọ (quận Kiến An) trải lòng, nếu không cho con tham gia các chương trình này thì lo ngại rằng, đến tiết các môn đó, con phải ngồi lại trong lớp hoặc bơ vơ không ai trông. Vợ chồng chị đi làm xa, không thể thu xếp về đón con sớm. Bên cạnh đó, một số phụ huynh trên địa bàn còn bức xúc phản ánh tình trạng, các môn liên kết, bổ trợ này lại được lồng ghép vào giờ học chính khoá.
Toàn thành phố hiện nay đang có 253 trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống hoạt động, trong đó có 54 trung tâm liên kết với 518 trường học trên địa bàn thành phố, chiếm tỷ lệ 70% tổng số trường. Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện chức năng quản lý theo thẩm quyền thông qua việc hướng dẫn các thủ tục cấp phép, thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, giao ban, đối thoại với các trung tâm…
Tuy nhiên, dư luận mong rằng Sở cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với các trung tâm, xử lý nghiêm sai phạm trong liên kết giáo dục; nâng cao chất lượng các hoạt động liên kết nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của học sinh trên tinh thần tuyệt đối tự nguyện. Nên chăng, cơ quan quản lý thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất nhằm không để xảy ra tình trạng xếp thời khoá biểu học chương trình liên kết xen kẽ vào giờ học chính khoá. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục thành phố cần tích cực tuyên truyền để phụ huynh, học sinh hiểu rõ về quy định, lợi ích của các hoạt động liên kết giáo dục, đảm bảo nhu cầu học tập.
Kim Anh
21:17 22/11/2024
17:01 20/11/2024