08:57 09/02/2019 Một mùa xuân mới lại về. Tin rằng, những câu chuyện ấm áp, nhân văn, truyền đầy cảm hứng của anh Lâm, anh Đông sẽ là nguồn động lực để những người từng có quá khứ lầm lỗi sớm trở về, hòa nhập với cộng đồng, tự tin vững bước trên nẻo đường hướng thiện…
1. Trong cái tất bật, rộn ràng của những ngày giáp Tết, nhận lời của anh Bùi Đăng Nguyên, Trưởng Công an xã Tân Tiến, huyện An Dương, chúng tôi về thăm một cơ sở sản xuất bánh đa “đặc biệt” trong xã. Gọi là “đặc biệt” bởi nếu không phải người địa phương, có lẽ ít ai tin rằng, tổ hợp sản xuất bánh đa lớn nhất, nhì trong vùng, tạo việc làm cho hàng chục người lao động này lại chính là “cơ ngơi” của một người đàn ông từng “dính chàm”. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Đông, ở thôn Nam của xã.
Khỏi nói lại những ngày buồn phía sau song sắt. Nỗi nhớ gia đình quay quắt cùng niềm khao khát được tự do, được trở lại thành người lương thiện khiến anh Đông càng thêm hối tiếc, thấm thía hậu quả từ những hành vi bồng bột mình đã gây ra thời trai trẻ. Chính những khắc khoải, nhớ nhung trong những ngày Tết ấy đã là động lực cho anh Đông phấn đấu, lao động để sớm được hòa nhập cộng đồng, được trở về bên gia đình, người thân, được đón những ngày Xuân thật ý nghĩa.
Nhờ tích cực lao động, anh được lãnh đạo trại giam tin tưởng giao quản lý một tổ sản xuất phên tre nứa, bán cho các cơ sở sản xuất làm bánh đa truyền thống, trong đó có lượng lớn xuất về chính địa phương mình. Cũng nhờ cải tạo tốt, đến tháng 8 - 2015, anh Đông được trở về trước thời hạn. Trước sự động viên, quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là Ban Công an xã Tân Tiến, anh Nguyễn Văn Đông đã quyết tâm sẽ phát triển nghề sản xuất bánh đa truyền thống của gia đình.
Trong bộ quần áo lấm lem, bàn tay vẫn còn nguyên vết bùn than khi từ lò hấp bánh đa bước ra, anh Đông vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Trở về địa phương, bà con thôn, xóm, các anh công an đã tận tâm giúp tôi vượt qua mặc cảm”. Nẻo đường hướng thiện ấy không xa, bởi từ nguồn vốn thôn cho vay, sự giúp đỡ của gia đình, anh Đông đã mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng để lắp đặt dây chuyền sản xuất bánh đa trắng, đỏ, công suất 8 tạ bánh/ngày cung cấp chủ yếu cho thị trường Hải Phòng cũng như các tỉnh lân cận.
Không chỉ vậy, xưởng bánh đa của anh Đông còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 22 lao động là người địa phương. Riêng những tháng giáp Tết này, trung bình cơ sở của anh sản xuất 1 tấn hàng mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường.
Đặc biệt hơn cả, trong số những lao động cơ sở của anh nhận vào làm, có nhiều người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, có cả một số người nghiện ma túy vừa lao động và cai nghiện. Chưa kể có người sau khi học xong nghề còn được anh nhiệt tình giúp đỡ, về địa phương mở cơ sở sản xuất bánh đa mới. Đó là các anh: Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Văn Mạnh cùng xã Tân Tiến; anh Nguyễn Văn Huy, Phạm Văn Thắng cùng xã Lê Thiện…
Hiện công nhân làm việc tại cơ sở của anh Đông có mức thu nhập ổn định trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Trưởng Công an xã Tân Tiến - Bùi Đăng Nguyên cho biết: “Trường hợp của anh Nguyễn Văn Đông chính là tấm gương sáng cho những người cùng hoàn cảnh noi gương học tập. Cũng tại địa phương, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy chính quyền, đoàn thể, đặc biệt sự quan tâm sát sao của lực lượng công an, nhiều trường hợp khác khi trở về hòa nhập cộng đồng đã tìm được việc làm ổn định như: anh Nguyễn Tuấn Anh làm nghề mộc, anh Nguyễn Văn Bính làm giò chả…
2. Tạm chia tay với hộ anh Đông, chúng tôi tìm về một mái ấm cũng đang tràn ngập tiếng cười ngày xuân của anh Nguyễn Văn Lâm, sinh năm 1959, ở 3/5/54 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền. Không chỉ là “khách mời” quen thuộc của những chương trình tuyên phòng chống tác hại ma túy, anh Lâm hiện còn đang là Chủ nhiệm của CLB “Kết nối thành công” - nơi được coi như mái nhà thứ hai của những người có quá khứ lầm lỗi.
Thời trai trẻ, cũng chỉ vì những phút nông nổi dại dột, nghe theo lời rủ rê của đám bạn xấu, anh Lâm “bập” vào ma túy hơn chục năm ròng không dứt ra được. Nhưng may mắn thay, đến năm 2006, nhờ có sự động viên, khích lệ kịp thời của chính quyền địa phương, Công an phường Lạch Tray, của Chi bộ, Tổ dân phố, anh Đông đã quyết tâm đi cai nghiện bắt buộc ở Trung tâm Gia Minh (Huyện Thủy Nguyên).
Nay trở về với đời thường, anh Lâm đã vươn lên làm chủ cơ sở sửa chữa máy móc, mở rộng tổ chức đào tạo cho nhiều người lầm lỡ như mình có cơ hội học nghề, vươn lên thoát nghèo và có việc làm. Cùng với đó, các thành viên trong CLB do anh làm chủ nhiệm hiện nay cũng đang điều hành 6 cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm cả sửa chữa xe máy, xe đạp điện, cơ khí, xưởng sản xuất đồ mộc, kinh doanh mô hình trang trại… Mỗi cơ sở giúp từ 4-5 lao động có thu nhập khá cao.
Điều đặc biệt là các thành viên trong CLB “Kết nối thành công” cũng đều là những người đã từng cai nghiện thành công và điều kiện bắt buộc để trở thành thành viên là không được tái nghiện.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Lâm xúc động: “Ngày ấy nếu như không có sự động viên, giúp đỡ của Công an phường thì tôi sẽ không có được ngày hôm nay. Thời điểm đó, các chiến sĩ công an đã động viên tôi yên tâm đi cai nghiện, CSKV hứa sẽ tạo điều kiện giúp vợ con tôi mưu sinh có việc làm thêm. Đến ngày tôi trở về, ngày nào các anh cũng tới thăm hỏi.
Đồng chí Trưởng Công an phường cũng tới xem tôi có cần giúp đỡ gì không. Những hành động, lời nói ấm lòng ấy khiến cho tôi xóa bỏ được mặc cảm tự ti, có niềm tin vực dậy, là động lực để tôi tu chí làm ăn, quyết tâm không đi theo “vết xe đổ” trước kia nữa..”.
Một mùa xuân mới lại về. Tin rằng, những câu chuyện ấm áp, nhân văn, truyền đầy cảm hứng của anh Lâm, anh Đông sẽ là nguồn động lực để những người từng có quá khứ lầm lỗi sớm trở về, hòa nhập với cộng đồng, tự tin vững bước trên nẻo đường hướng thiện…
PV