Những phận đời bị cha mẹ ngược đãi

16:40 16/10/2016

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sẵn sàng dùng bất cứ vật dụng gì đánh con, thậm chí còn hành hạ dã man, đẩy con ra ngoài đường hòng chối bỏ trách nhiệm làm cha, làm mẹ…  Dân gian từng có câu “hổ dữ không ăn thịt con”, vậy nhưng không thể tưởng tượng được có những người được gọi là cha mẹ lại có thể đối xử với chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra bằng hành vi tàn bạo vô nhân đến như thế…

Ác hơn cầm thú

Đã mấy năm qua đi, những vết thương trên cơ thể cháu Phạm Văn P., ở xã Đồng Thái, huyện An Dương, đã lành thành sẹo nhưng vết thương tâm hồn cháu thì vẫn còn nguyên. Mỗi lần nhắc đến người bố, cháu P. không khỏi sợ hãi bởi những trận đòn roi thập tử nhất sinh. Nghe kể về hoàn cảnh của P., không ai không chạnh lòng. Mới 6 tuổi P. đã mồ côi mẹ.

Bố P. sau đó lấy thêm 2 người vợ nữa. Và cũng từ đây, P. thường xuyên chịu cảnh đánh đập, hành hạ của người cha đẻ. Đến mức không thể chịu nổi, bà nội của P. đã phải làm đơn tố cáo tội ác của con trai mình. Có lần khi phát hiện con trai chơi điện tử bằng điện thoại, bố của P. đã lột hết quần áo, dùng dây điện chập lại đánh con đến thâm tím hết cả người. Hay có lần bố P. còn nhốt em vào trong nhà vệ sinh, sau đó mang cả bát phân vào dọa, bắt em phải ăn…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dân gian từng có câu "hổ dữ không ăn thịt con", thế nhưng có những người làm cha, làm mẹ lại không bằng cả cầm thú. Những trường hợp nêu trên vẫn còn may mắn được người thân hoặc hàng xóm xung quanh phát hiện cứu giúp kịp thời, chưa nguy hiểm đến tính mạng. Còn người dân xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, đến bây giờ vẫn chưa thể nào quên được nỗi ám ảnh bởi cái chết thảm thương của 2 chị em cháu Vũ Thị Anh Thư, 4 tuổi và Vũ Thị Trúc, mới 18 tháng tuổi. Kẻ gây ra tội ác này không phải ai khác mà đớn đau thay chính là cha đẻ các cháu.

Người cha vô nhân tính Vũ Duy Hiến, sinh 1985, chỉ vì mâu thuẫn với vợ mà đã nhẫn tâm dội xăng vào người 2 đứa con thơ dại rồi phóng hỏa và sau đó tự thiêu mình luôn… 1 tháng sau, Trần Đình Điệp, sinh 1987, ở thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, huyện An Dương, cũng lại đổ xăng phóng hỏa gây thương vong cả 6 người trong gia đình mình, trong đó có bố đẻ và 2 con gái nhỏ của Hiệp đã thiệt mạng.

Cần chủ động ngăn chặn

Qua rất nhiều vụ việc xảy ra, dễ dàng nhận thấy một điều, các cháu bé nạn nhân đều bị bạo hành trong một thời gian rất dài, thường xuyên bị đánh đập. Chỉ đến khi các cháu thập tử nhất sinh, hình hài thương tật nặng nề, thậm chí bị mất mạng thì vụ việc bạo hành mới được đưa ra ánh sáng. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tổ chức chính quyền, đoàn thể địa phương đã ở đâu, làm gì khi các cháu bé bị bạo hành?

Ai cũng biết, trẻ em vốn không thể tự bảo vệ mình. Các cháu còn quá nhỏ bé, nếu bị đe dọa không cho nói ra, không được kể cho ai nghe thì con trẻ sẽ tuyệt đối làm theo. Các con không lường được hậu quả phải gánh chịu nếu không nói ra với ai vụ việc bạo hành, hậu quả có khi bằng chính sinh mạng bé bỏng của mình. Như vậy, chúng ta, những ngươi lớn, những tổ chức, đoàn thể phải có trách nhiệm giúp đỡ các con, phát hiện ngay những dấu hiệu trẻ bị bạo hành để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ con trẻ.

Tuy nhiên, trong nhiều diễn biến vụ việc, người ta chậm thấy bóng dáng của chính quyền, đoàn thể, của tổ trưởng tổ khu phố hay cảnh sát khu vực, công an xã can thiệp, ngăn cản dù vụ việc xảy ra giữa ban ngày với những tiếng khóc la thương tâm, cầu cứu của các cháu.

Phân tích những vụ việc ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em, tiến sỹ tâm lý Đoàn Minh Tỵ cho rằng, “thủ phạm” gây ra hầu hết là những người có trình độ nhận thức hạn chế nên khó có thể kiểm soát được bản thân. Cùng với đó một phần xuất phát từ mâu thuẫn trong mỗi gia đình do không được giải quyết kịp thời nên dễ dẫn đến những hành động bột phát gây hậu quả khó lường.

Theo đó, tiến sỹ Đoàn Minh Tỵ cũng lưu ý đến vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể cần phải quan tâm sâu sát hơn nữa đến với người dân; nắm bắt những tâm tư, diễn biến phát sinh trong dân để có biện pháp ngăn chặn kịp thời; có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện cho những ai là nạn nhân được an toàn, đồng thời thuyết phục hoặc trực tiếp đưa những người có hành vi xâm hại đến sự an toàn của người khác ra kiểm điểm trước dân và cam kết không tái phạm.

Cùng với sự quan tâm vào cuộc tích cực của chính quyền và các đoàn thể, thiết nghĩ trước nguy cơ bạo hành, xâm hại trẻ em ngày càng phổ biến, cơ quan chức năng cùng tổ chức đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, trang bị cho các em nhỏ những kỹ năng sống, kiến thức để tự bảo vệ. Thông qua các lớp học, các em có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ các chuyên gia hướng dẫn cách tự vệ, đối phó khi gặp sự cố. Với các em nhỏ, cũng nên thường xuyên cho các em tham gia các lớp học về kỹ năng sống…

TRẦN VĂN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông