08:29 29/03/2022 Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, tạo lên biến động mạnh mẽ của giá xăng dầu, cộng hưởng với tác động của dịch bệnh Covid-19, những tưởng vào mùa du lịch năm nay giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng rất cao. Tuy nhiên, những ngày gần đây, diễn biến đã theo chiều ngược lại, thực phẩm giảm giá mạnh, nhất là nhóm hàng thủy sản, khi mùa du lịch đã tái khởi động, sau hai vụ gần như “đắp chiếu”.
Nguồn cung rau củ quả đang rất dồi dào
Đi ngược dự báo
Mới cách đây hai tuần, khi thông tin về các hoạt động du lịch năm 2022 được đưa ra, thị trường thực phẩm tươi sống trên địa bàn thành phố có sự gia tăng đáng kể. Đã xuất hiện sự thu gom, tích trữ cấp đông đối với một số mặt hàng thuộc diện đặc sản để chờ dịp khai trương các tụ điểm du lịch.
Theo ông Đào Ngọc Phong – Chủ một đầu mối thủy sản, thì sức tăng của nhóm hàng này không chỉ vì những dự báo về bùng nổ du lịch, mà phần lớn các đầu mối tiêu thụ lo diễn biến tăng của giá cước vận chuyển, trước sức tăng của giá xăng dầu.
Tuy nhiên trong tuần qua, nhiều tín hiệu cho thấy diễn biến thị trường không đi theo chiều suy đoán trước đó. Trên thị trường thế giới giá xăng dầu đã giảm đáng kể, gần đây nhất là đợt điều chỉnh ngày 21-3, xăng dầu trong nước đã có đợt giảm đầu tiên kể từ đầu năm. Cùng với đó, nguồn cung thực phẩm trên địa bàn thành phố đang rất dồi dào, từ nhóm rau củ quả đến lợn thịt, gia cầm và thủy sản.
Theo số liệu thống kê, tổng đàn lợn trên địa bàn Hải Phòng đang có khoảng 122 nghìn con, tổng đàn gia cầm khoảng 6.533 nghìn con, sản lượng khai thác nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 15.000 tấn/tháng… đang giữ vai trò chủ động trong việc cung cấp thực phẩm tại chỗ cho thị trường thành phố. Giá cước vận tải vẫn ổn định, thời tiết tốt, lưu thông kết nối Hải Phòng với các khu vực khác đang rất thuận lợi.
Khảo sát thị trường bán lẻ, trong một tuần trở lại đây hầu hết giá các nhóm hàng thực phẩm tươi sống đều lao dốc. Trước hết là rau củ quả, riêng rau có lá giảm từ 50% trở lên so với tuần trước đó, các loại củ quả như dưa chuột, cà rốt, khoai tây, bí đao… đều giảm từ 20% đến 30%.
Giá lợn thịt cũng giảm khoảng 10%, khi lợn hơi đang xoay quanh mức giá 52 nghìn đồng/kg, còn giá thịt lợn đang ở mức bình quân 110 nghìn đồng/kg; tương tự giá gia cầm cũng giảm khoảng 10%, gà ta đã giết mổ chỉ còn 100 nghìn đồng/kg, ngan ta 90 nghìn đồng/kg, vịt 70 nghìn đồng/kg…
Trong đó, duy chỉ có giá trứng gia cầm các loại vẫn tăng cao, được cho là đang tập trung tái tạo nguồn giống, nếu đúng như vậy thì cũng là tín hiệu tốt cho ngành sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm trong dịp tới.
Trở lại với thủy sản, nhóm hàng được coi là chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong mùa du lịch, thì mấy ngày qua lại đang có cường độ giảm giá mạnh bậc nhất. Tại các khu chợ truyền thống, mực ống rã đông chỉ được bán từ 130 nghìn đồng/kg đồng/kg so với mức giá 180 nghìn đồng/kg tuần trước; cá song giữ mức trên dưới 300 nghìn đồng/kg, cá tầm 220 nghìn đồng/kg, cá vược từ 120 nghìn đồng trở lên/kg.
Các loại thân mềm, như ngao và sò lông đều khoảng 30 nghìn đồng/kg, sò huyết 70 nghìn đồng/kg, ốc đỏ 120 nghìn đồng/kg… Nhưng giảm giá mạnh nhất phải kể đến các loại tôm, khi tôm thẻ chỉ còn 180 nghìn đồng/kg, so với mức 250 nghìn đồng tuần trước. Cá biệt giá tôm rảo đột ngột giảm từ 280 nghìn đồng/kg xuống chỉ còn bình quân 170 nghìn đồng/kg.
Giá thủy sản giảm mạnh so với đầu tháng 3
Cần tiếp tục chủ động
Nhận xét về mức giá trên, ông Phong chia sẻ, nếu như những năm trước khi dịch bệnh bùng phát, trước mùa du lịch các chủ đầu mối thường liên lạc với nhau để thỏa thuận mức giá thống nhất đối với những mặt hàng tích trữ. Nhưng năm nay mọi dự báo có vẻ không đi đúng quỹ đạo, du lịch dù đã được thúc đẩy tái hoạt động, nhưng thực tế những gì đang diễn ra có vẻ như không được như kỳ vọng.
Hệ thống các nhà hàng từ các trung tâm du lịch lớn như Đồ Sơn, Cát Bà cho đến các khu vực khác trên địa bàn thành phố đều vẫn hoạt động dè dặt. Vì vậy nhiều đầu mối mang tính chi phối thị trường thực phẩm cũng không mặn mà, thậm chí là không mạo hiểm đầu tư. Trong khi như đã nói ở trên, nguồn cung và lưu thông đối với thị trường Hải Phòng đang hết sức thuận lợi.
Nhìn từ tổng thể thời gian qua, sự gia tăng của giá đối với thị trường thực phẩm nội địa cơ bản chỉ mang tính cục bộ, ngoại trừ giá lợn thịt tạo ra đợt khủng hoảng kéo dài là cá biệt. Còn thực tế, nếu tính mức giá bình quân thì ít nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, nhóm thực phẩm tươi sống trên địa bàn Hải Phòng vẫn ổn định, việc tăng giảm chỉ mang yếu tố tác động thời vụ, thời điểm hoặc thời tiết.
Nếu xét trên mặt bằng lạm phát chung, thì nhóm thực phẩm tươi sống thậm chí còn thuộc diện giảm phát, khi nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác đã tăng cao so với trước đây. Nhưng trong bối cảnh ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19, thu nhập của người dân giảm sút, thì tình hình này là tích cực, bởi nhóm thực phẩm là thiết yếu nhất đối với sinh hoạt cộng đồng, nhất là người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Cũng theo nhận xét ông Phong, chỉ còn 1 tháng nữa du lịch Đồ Sơn sẽ khai trương, cũng là lúc thời tiết chuyển hướng sang mùa hè. Với những gì đang diễn ra, nếu thị trường thực phẩm có “nóng” lên thì cũng sẽ chỉ tập trung vào một số mặt hàng.
Bên cạnh đó nhóm hàng bình dân cũng có thể tăng giá, vì nhu cầu sử dụng của đại đa số người dân, như cua đồng, ngao, hến, cá nuôi nước ngọt, tôm… Nhưng dự báo vẫn chỉ là dự báo, trong bối cảnh tác động bên ngoài đang rất khó lường, mọi dự báo có thể sẽ không thực sự chính xác, vì vậy việc chủ động thích ứng vẫn cần lưu tâm.
Bởi lẽ kinh nghiệm cho thấy, khi các mặt hàng thực phẩm lao vào luồng xoáy biến động, chắc chắc những mặt hàng khác cũng khó tránh khỏi tác động, kể cả rau quả, đồ khô, đồ uống… và cả liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm nữa.
Đây có lẽ cũng chính là đợt thử thách tinh thần trách nhiệm cũng như trình độ của các nhà quản lý, của cả người tiêu dùng trước đợt giao mùa của thị trường thực phẩm năm nay.
Lê Minh Thắng
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão