NHỮNG VIÊN NGỌC TRÊN BIỂN ĐÔNG

16:42 13/01/2023

Huyện Cát Hải nằm ở phía Đông thành phố Hải Phòng, tổng diện tích là 345 km2 kể cả rừng ngập mặn, huyện có hai đảo lớn nhất là đảo Cát Hải (diện tích gần 40km2), đảo Cát Bà (diện tích hơn 300 km2) và hàng trăm đảo nhỏ (thuộc quần đảo Cát Bà - Long Châu). Huyện nằm ở vị trí phía Bắc giáp huyện Yên Hưng (Quảng Ninh), phía Tây giáp bán đảo Đình Vũ, phía Đông và Nam là vịnh Bắc Bộ, phía Đông Bắc là vịnh Hạ Long.
Vịnh Cát Bà
Hải đăng Long Châu

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Cát Hải có nhiều tên gọi khác nhau như: Ân Phong, Chi Phong, Hoa Phong, Nghiêu Phong. Thời Pháp thuộc, đổi huyện Nghiêu Phong thành huyện Cát Hải, thuộc tỉnh Quảng Yên (lúc này, huyện Cát Hải gồm 2 tổng Đôn Lương và Hà Sen, tổng Đôn Lương có 10 xã và tổng Hà Sen có 5 xã và phố Các Bà). Năm 1955, tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hồng Gai hợp nhất thành khu Hồng Quảng, huyện Cát Hải trở thành một đơn vị hành chính thuộc khu Hồng Quảng. Đến ngày 5-6-1956, cả Cát Hải, Cát Bà được sáp nhập vào thành phố Hải Phòng. Ngày 11 -3 -1977, huyện Cát Bà nhập với huyện Cát Hải thành huyện Cát Hải mới. Từ đó đến nay, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa của cư dân đảo Cát Hải, đảo Cát Bà đã là một thành tố quan trọng góp phần hình thành nên diện mạo, bản sắc văn hóa vùng đất Hải Phòng.

 

Đảo cát: "Đảo thông minh" trong tương lai

Đảo Cát Hải được tạo nên bởi cát bồi, do vậy không có gò đồi, núi non, địa hình bằng phẳng, nằm giữa hai cửa sông Bạch Đằng và Nam Triệu, trên đảo có một thị trấn (Cát Hải) và 4 xã (Đồng Bài, Nghĩa Lộ, Văn Phong, Hoàng Châu). Các xã trên đảo lại như là một đảo cát riêng biệt nối liền với nhau bằng hệ thông đê kè, đồng thời là đường liên xã. Đảo Cát Hải có đặc thù riêng là dải cát bồi dễ bị xâm thực, biến dạng trước sức tàn phá của thiên nhiên nên đảo đã được đầu tư xây dựng gần 20km đê kè bảo vệ, bên cạnh đó là trồng dừa và phi lao để giữ đất.

Đảo Cát Hải cách đất liền 30 km, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Trên đảo có 17 di tích lịch sử và công trình tôn giáo - tín ngưỡng cổ truyền, trong đó có một số di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố như: đình và chùa Hoàng Châu, Gia Lộc, Văn Chấn; đình và miếu Nghĩa Lộ; chùa Hòa Hy. Đảo có đặc sản biển là nước mắm Vạn Vân nổi tiếng (từ năm 1959 đến nay mang tên nước mắm Cát Hải), đã được lưu truyền trong giân dan: “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”. 

Trước đây, kinh tế đảo gặp nhiều khó khăn, đến năm 1991 điện lưới mới ra đảo, nhưng những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước và Thành phố, đảo Cát Hải phát triển rất nhanh cùng với công trình Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng, các dự án lớn của Sun Group, Vin Group, công trình cầu Tân Vũ - Lạch Huyện nối liền hải đảo với đất liền. Thành phố Hải Phòng đã quy hoạch phát triển “Đảo thông minh Cát Hải” là một hợp phần quan trọng của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đảo thông minh Cát Hải sẽ được hình thành trên cơ sở sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, giao thông cacbon thấp, hệ thống tuần hoàn vật chất, bảo tồn hệ sinh thái để thu hút nguồn vốn nước ngoài, từ khu công nghiệp, khu phi thuế quan, cửa ngõ kho vận quốc tế, đầu mối du lịch…

Đảo ngọc Cát Bà: Viên ngọc sáng giữa Biển Đông

Từ đảo Cát Hải lên phà biển hoặc cáp treo đi tiếp, chúng ta sẽ đến Cát Bà. Quần đảo Cát Bà gồm 366 hòn đảo núi đá vôi lớn nhỏ nằm ở phía nam Vịnh Hạ Long. Trong quần đảo này, Cát Bà là đảo lớn nhất, đồng thời cũng là đảo lớn nhất trong số hàng nghìn hòn đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ. Cát Bà còn được gọi là đảo Ngọc, trên đảo có thị trấn Cát Bà và 6 xã: Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Trân Châu, Việt Hải, Xuân Đám.

Từ xưa, "Đại Nam nhất thống chí" là bộ sách địa lý - lịch sử của Quốc sử quán triều Nguyễn nhận xét về Cát Bà rất thái bình, giàu tiềm năng: "Một vùng núi non dựng lên như ngọc, cá tôm nhiều như đất, dân đua nhau thu lượm, lúa má không có, thuế đánh không nhiều. Sóng vỗ dập dồn vách núi, thuyền xuyên vỉa đá mà đi. Nhân dân vui hưởng thái bình, đã hơn bốn chục năm không biết đến binh đao…”.

Về nguồn gốc tên gọi Cát Bà, Cổng thông tin điện tử huyện Cát Hải cho hay: "Địa danh Cát Bà còn có nhiều ý kiến khác nhau. Bản đồ năm 1938 còn ghi Các Bà, sau có lẽ bị đọc chệch thành Cát Bà. Tương truyền, quần đảo bày vốn là nơi các bà, các mẹ và chị em phụ nữ lo chuẩn bị lương thảo giúp các chiến binh đánh đuổi giặc Ân. Bởi thế, nên hòn đảo nơi các chiến binh đóng đại bản doanh tiền phương được gọi là Các Ông và đảo hậu phương của các bà, các mẹ, các chị được mang danh là Các Bà. Các bậc cao niên cũng kể lại rằng tên Các Bà bắt nguồn từ một sự tích hiện còn lưu truyền. Ngày xửa ngày xưa, không rõ là thời kì nào, có xã hai nữ thần chết trẻ không biết từ đâu trôi dạt vào bờ đảo và lập tức bị mối xông thành mộ. Ngay đêm ấy, các thần nữ hiển linh báo mộng cho các vị chức sắc và dân chúng trên đảo biết về sự linh ứng của mình. Dân chúng bèn đóng góp tiền của lập miếu thờ hai thần nữ ngay bên hai nấm mộ thiêng này, gọi là miếu Các Bà. Các nữ thần đã nhiều lần hiển linh âm phù ngư dân trên đảo thoát khỏi các dịch bệnh, tai nạn trên biển và đánh đuổi cướp biển, giặc ngoại xâm. Để tri ân và muốn biểu dương uy linh của các nữ thần, nhân dân bèn lấy tên Các Bà đặt tên cho quần đảo. Hiện trên đảo còn nghè thờ Các Bà ở thị trấn Cát Bà và một số làng trên đảo."

Cát Bà là cái nôi của người từ cổ xưa. Trên đảo có 77 địa điểm khảo cổ đã được phát hiện và khảo sát có các di chỉ nổi tiếng như: Cái Bèo, Bãi Bến, Cát Đồn cùng nhiều di chỉ có giá trị  khác như: Tùng Gôi, Thành nhà Mạc, Ao Cối, Hang Dơi, Eo Bùa… Các nhà khảo cổ học đã đi đến nhận định: Khoảng thời gian biển tiến (cách ngày nay khoảng 9.000- 17.000 triệu năm), hệ thống các đảo trong Vịnh Bắc Bộ bị phân tách ra khỏi lục địa, đã có một nhóm cư dân chuyên sống trong các hang động đá vôi, mà khảo cổ học gọi là cư dân văn hóa Hòa Bình. Nơi ở của họ, những mái đá, những hang động như: Trung Trang, Giếng Ngóe, Tiền Đức, Hoa Cương, Thiên Long,… Người cổ Cát Bà chính là một bộ tộc thành viên của người Lạc Việt, cư dân của quốc gia Văn Lang, Âu Lạc sau này.

Do vị trí quan trọng về quân sự, đảo Cát Bà đã từng là căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa: khởi nghĩa nông dân do Nguyễn Hữu Cầu (tức Quận He) lãnh đạo chống lại chế độ phong kiến Lê Trịnh năm 1750; khởi nghĩa của Hoàng Thống Tề chống lại hành động bán nước của nhà Nguyễn (vào năm 1873 - 1874); khởi nghĩa của Tiền Đức (từ 1889 đến 1893) chống thực dân Pháp xâm lược và phong kiến bán nước…

Cát Bà có nhiều lễ hội văn hóa, đặc biệt là các lễ hội gắn với nghề biển như chèo thuyền, đua thuyền, gần đây có lễ hội kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá vào ngày 1-4 dương lịch hằng năm…

Năm 2004, Cát Bà được công nhận là khu dự trữ quyển thế giới. Trên đảo có Vườn Quốc gia Cát Bà được coi như một bảo tàng thiên nhiên lưu giữ nguồn gien của nhiều loài thảo mộc quý hiếm (đặc biệt là cây Kim Giao), là môi trường bảo tồn nhiều loại động vật quý hiếm như chim Cao cát (dân địa phương thường gọi là Phượng hoàng đá), voọc đầu trắng (dân địa phương thường gọi là khỉ đen), đây là loại động vật đã được ghi trong sách đỏ cần được bảo tồn của thế giới.

Trên đảo còn có rất nhiều nơi kỳ thú để tham quan như các hang động lớn có thể chứa hàng trăm người như động: Trung Trang, Hùng Sơn, (động Quân y), động Phù Long (Cái Viềng); vịnh Lan Hạ, vịnh Cát Gia và các bãi tắm đẹp: Cát Cò 1, 2, 3, Cát Dứa (bãi tắm đảo Khỉ), Cát Ông, Đường Danh v.v...

Ngoài quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải còn có quần đảo Long Châu với khoảng 40 hòn đảo lớn nhỏ cách bờ biển Hải Phòng 50 km, trong đó lớn nhất là đảo Long Châu rộng khoảng 1 km², trên đảo có ngọn hải đăng bằng đá cao 109,5 m, chiếu sáng xa tới 27 hải lý được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 1894. Đây là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, đủ điều kiện để quy hoạch thành khu bảo tồn biển loài và nơi cư trú.

Huyện Cát Hải không chỉ có thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, mà còn hấp dẫn du khách về du lịch văn hóa, lịch sử, khảo cổ. Hiện nay, địa phương đang đa dạng hóa các loại hình du lịch để thu hút du khách như: câu cá giải trí, du lịch lặn biển, du thuyền, leo núi, du lịch mạo hiểm gắn với  phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa. Tiềm năng và lợi thế của quần đảo Cát Bà được phát huy và khai thác bước đầu có hiệu quả cao. Du lịch trở thành ngành kinh tế chủ đạo của huyện. Kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, giao thông được đầu tư tích cực với nhiều tuyến cầu, đường đã, đang triển khai. Văn hóa-xã hội có chuyển biến tiến bộ, chất lượng giáo dục, y tế được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao và người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự phát triển của huyện đảo. Công tác quốc phòng, an ninh gắn với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, chủ quyền an ninh quốc gia biển, đảo được giữ vững; tạo môi trường ổn định, an toàn và thuận lợi phát triển KT-XH.

Từ khi sáp nhập vào Hải Phòng đến nay, huyện Cát Hải luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn Thành phố. Du khách khi đi qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đều cảm nhận: Thành phố Hải Phòng đang vươn mình mạnh mẽ ra biển, thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam, còn huyện đảo Cát Hải thì ngày càng gần đất liền hơn, ngày càng có sức bật hơn để trở thành những "đảo thông minh", "đảo Ngọc" trên Biển Đông.

 Nguyễn Dương

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông