Nỗ lực cao nhất đưa nghệ thuật đến với công chúng

11:01 21/10/2023

Là địa phương không triển khai sáp nhập mà giữ nguyên 5 đoàn nghệ thuật hoạt động hết công suất phục vụ công chúng, thành phố Hải Phòng còn rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật của Trung ương và địa phương khác tới hợp tác dàn dựng các chương trình, vở diễn. Phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Trần Thị Hoàng Mai xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Từ Đề án “Sân khấu truyền hình” năm 2019 đến kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát Thành phố”, yếu tố nào đã giúp Hải Phòng trở thành điểm sáng đưa nghệ thuật đến với công chúng như vậy, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Thị Hoàng Mai: Sau gần 4 năm thực hiện thành công Đề án “Sân khấu truyền hình” được sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, ngành Văn hóa và Thể thao quyết tâm đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng khi triển khai kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát Thành phố”.

Điều đó càng chứng minh rõ, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân với những quyết sách ưu việt nhất. Cụ thể, sau khi được truyền hình trực tiếp, các chương trình trong Đề án được các đoàn nghệ thuật nghệ thuật mang đi biểu diễn ở ngoại thành, ở vùng sâu vùng xa, đến với công nhân ở các khu công nghiệp... Chúng tôi đã lắng nghe nhiều người dân tâm sự rằng, đã mấy chục năm họ mới được xem nghệ thuật biểu diễn trực tiếp. Từ những lời chia sẻ chân thành đó, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát Thành phố”.

Đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố

Theo đó, tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng, vào các tối thứ bảy và chủ nhật từ 1/7 đến 24/12/2023 sẽ diễn ra các hoạt động nghệ thuật gồm các vở diễn hàn lâm, kinh điển đặc sắc của thế giới và của Việt Nam thuộc nhiều loại hình do các đơn vị nghệ thuật thành phố, Trung ương và các địa phương bạn thể hiện với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao cùng các sở, ngành, đơn vị. Đây là bước đột phá, cũng là quyết tâm lớn của ngành Văn hóa và Thể thao thành phố và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Hải Phòng nhằm tạo điểm đến, góp phần đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng.

PV:Đồng chí có thể cho biết thêm, để duy trì dài hơi kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát Thành phố” với mục tiêu mỗi tuần một tác phẩm sân khấu, làm thế nào để tránh quá sức với nguồn lực mà chúng ta đang có?

 Đồng chí Trần Thị Hoàng Mai: Nhắc đến nguồn nhân lực, đây là thách thức của Hải Phòng trong suốt quá trình triển khai các đề án. Khi triển khai các kế hoạch mở rộng hoạt động nghệ thuật biểu diễn, chúng tôi vẫn rà soát trên diện rộng về nguồn nhân lực nghệ thuật của thành phố. Trước thực tế đội ngũ diễn viên ở các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tuổi đời ngày càng cao, lớp trẻ có “độ chín” về nghệ thuật chưa nhiều. Với thách thức đó, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất với thành phố việc “chiêu hiền đãi sĩ” trong lĩnh vực nghệ thuật, sẵn sàng tuyển dụng biên chế tài năng đến với Hải Phòng và đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực kế cận. Chẳng hạn, các loại hình nghệ thuật truyền thống cho phép các đơn vị được tuyển dụng diễn viên theo hình thức vừa học vừa làm. Các tài năng từ 15 đến 16 tuổi nếu được phát hiện đáp ứng yêu cầu được cộng tác với các đoàn, lớp nghệ sĩ đi trước trực tiếp bồi dưỡng lớp sau. Qua 2-3 năm đạt tới “độ chín” là có thể tuyển biên chế vào các đoàn nghệ thuật của thành phố.

Cảnh trong vở rối “Aladin và cây đèn thần” do các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng thực hiện.

Bên cạnh đó, phải thú thật là mục tiêu mỗi tuần một tác phẩm sân khấu trong kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát Thành phố” cũng là một áp lực. Nhưng chúng tôi sẽ làm được. Cụ thể, từ tháng 7 đến tháng 12-2023 đã kín lịch. Mở màn là ngay đầu tháng 7 vừa qua, vở “Romeo và Juliet” do NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng đã được trình diễn với sự tham gia phối hợp của Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Hà Nội do Đoàn kịch Hải Phòng làm chủ công. Rồi các chương trình: “Ai rồi cũng sẽ khác” và “Đời cười” của Nhà hát Tuổi trẻ; gần nhất là vở chèo “Mưa đỏ”, kịch bản của nhà văn Chu Lai, NSND Thúy Mùi đạo diễn, rồi vở rối “Aladin và cây đèn thần” do đạo diễn NSND Tuấn Hải cũng biểu diễn rất thành công, đón nhận sự hưởng ứng của đông đảo công chúng.

Việc tìm kiếm những kịch bản hay, mời các tài năng nghệ thuật cùng nguồn kinh phí đầu tư dàn dựng phù hợp với sự hợp lực của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước, chúng tôi tin tưởng rằng khán giả Hải Phòng sẽ được xem những vở diễn, những chương trình văn hóa nghệ thuật giải trí có chất lượng tốt nhất.

PV: Ngoài nỗ lực đưa nghệ thuật đến gần hơn với khán giả, ngành Văn hóa thành phố còn đặt những kỳ vọng gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Thị Hoàng Mai: Các đề án trên là nỗ lực lớn của ngành Văn hóa thành phố nhằm đa dạng hóa cách tiếp cận nghệ thuật cho khán giả. Bước đầu thực hiện đề án, chúng tôi sẽ phục vụ miễn phí. Nhưng chắc chắn về lâu dài, để có nguồn lực thực hiện đề án ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước sẽ phải có kế hoạch bán vé để có nguồn thu cho các đoàn dàn dựng các tác phẩm mới. Điều này đòi hỏi những người làm nghệ thuật cần phải tạo ra nhiều hình thức mới để cho khán giả có cơ hội lựa chọn thưởng thức, dần dần coi tác phẩm nghệ thuật là “hàng hóa chất lượng cao”. Như chúng ta đã biết, cuộc sống ngày càng có nhiều áp lực, sau mỗi tuần làm việc, học tập căng thẳng khán giả có nhu cầu được đến với những “thánh đường nghệ thuật”, điểm hẹn văn hóa để thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, tái tạo sức lao động, có động lực, tinh thần để làm việc, để cống hiến. Nhưng muốn thu hút khán giả thì cần phải làm ra sản phẩm là những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng thì người mua - khán giả mới bỏ tiền.

Cảnh trong vở kịch “Romeo và Juliet” hội tụ các nghệ sĩ, diễn viên đến từ đoàn nghệ thuật Trung ương và Đoàn Kịch nói Hải Phòng

Bên cạnh đó, chúng tôi còn có một kỳ vọng khác nữa khi xây dựng kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố” đó là nhằm kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khi quyết định chọn địa điểm tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật là Nhà hát thành phố - một di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, một địa điểm có ý nghĩa văn hóa, lịch sử của thành phố, chúng tôi muốn khán giả được thưởng thức nghệ thuật trong một không gian văn hóa đặc biệt, muốn kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Chúng tôi muốn đây là minh chứng cho kết quả sáng tạo, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; di sản văn hóa không chỉ được bảo tồn nguyên vẹn mà còn được phát huy giá trị trong cuộc sống, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân.

PV: Xin đồng chí cho biết thêm, ngành văn hóa Hải Phòng đang tập trung vào những nhiệm vụ mới nào để giúp người dân tiệm cận hơn nữa với nghệ thuật?

 Đồng chí Trần Thị Hoàng Mai: Thành phố đã ban hành Đề án quy hoạch tổng thể phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện, Sở Văn hóa và Thể thao hiện đã tham mưu cho các cấp lãnh đạo tiếp tục duy trì thực hiện, phát huy các chương trình như “Sân khấu truyền hình”, “Sáng đèn Nhà hát Thành phố”; xây dựng các video tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử của thành phố; số hóa di sản...

Đông đảo Nhân dân thành phố và du khách tham dự chương trình truyền hình trực tiếp vở diễn sân khấu truyền hình tại Nhà hát thành phố

Về lâu dài, ngành Văn hóa nỗ lực cao nhất cho các đề án, kế hoạch trọng tâm, trọng điểm mới với hy vọng tạo bước đột phá về hoạt động văn hóa, nghệ thuật của thành phố Cảng. Cụ thể, nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch thành trường Cao đẳng; tập trung đầu tư cho Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới, Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà. Phấn đấu đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 100% thiết chế, công trình văn hóa cấp thành phố được đầu tư xây mới và nâng cấp, cải tạo có trang bị cơ sở vật chất hiện đại.

Tất cả các dự án, kế hoạch trên đều hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm văn hóa lớn, mang bản sắc riêng. Quá trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Hải Phòng chắc chắn thành công hơn nữa nếu tiếp tục có sự đồng hành của các cấp, ngành, địa phương liên quan và các văn nghệ sĩ cũng như các tầng lớp nhân dân.

 PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 VŨ DUYÊN (thực hiện)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích