11:24 19/09/2019 Tháng Tám âm lịch được coi là khởi điểm mùa cưới hàng năm, bên cạnh những nét văn hóa, tinh thần làm đẹp cho hạnh phúc đôi lứa, thị trường hàng hóa và nhiều dịch vụ ăn theo cũng nhờ vậy mà được kích cấu. Trong đó, khi đời sống kinh tế ngày càng phát triển, dịch vụ cưới cũng thành đa dạng hình, ngày càng khẳng định là một phân ngành kinh tế không thể thiếu.
Phút giây lãng mạn vì hạnh phúc trăm năm
Người Việt có tục cưới từ rất lâu, được mô tả trong truyện Hồng Bàng rằng: “Từ thủa nước Văn Lang, chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, rồi mới động phòng”.
Sang thời phong kiến, để hoàn thành cái nghĩa thông gia thì phải trải qua nhiều thủ tục, mà chủ yếu là gia đình nhà phải thực hiện, với các lễ chính như: “nạp thái” (bày tỏ ý nguyện ban đầu), “vấn danh” (tìm hiểu rõ đối tượng bên nhà gái), “nạp cát” (với ý nghĩa cầu hôn), “nạp chưng” (thể hiện sự cam kết), “thỉnh kỳ” (để chọn ngày giờ hoàng đạo), “thân nghinh” (lễ rước dâu), “hợp cẩn” hay “động phòng” là thời khắc ái ân dành riêng cho đôi vợ chồng trẻ…
Với ý nghĩa gìn giữ giống nòi từ bao đời được tôn vinh thành truyền thống, lễ “cưới” hay còn gọi tục là “hôn”, xưa nay Ta và Tây đều coi là trọng đại bậc nhất của một đời người, thuận theo lẽ sinh tồn tự nhiên của vũ trụ. Nên trên thực tế, dịch vụ cưới hỏi đã xuất hiện cũng từ rất lâu, nhưng ngày trước chủ yếu được phó thác cho bà mối.
Đây là nhân vật hành nghề được thừa nhận với vị thế cực kỳ quan trọng, có trách nhiệm thẩm tra lý lịch và liên lạc chắp móc, vì vậy có đám cô dâu chú rể tới ngày cưới cũng chẳng biết mặt nhau. Cũng bởi thế, nhiều bà mối thường lợi dụng điều này để nhận hối lộ tráo hôn, nghĩa là khi nhà trai xem mặt thì dẫn ra cô em trẻ, lúc đón dâu lại thay vào cô chị già, hậu quả để lại nhiều “đôi đũa lệch” sống với nhau lục cục, bởi đã bái đường là thành vợ chồng theo nghĩa tín ngưỡng.
Có chuyện kể rằng: “Một anh nhà giàu thọt chân muốn lấy vợ đẹp, bà mối bày cho cách đi đâu cũng cưỡi một con ngựa khoẻ. Lại nghe bà mối nói làng bên có cô gái thật đẹp, chàng ta hăm hở leo lên lưng ngựa sang xem, quả nhiên thấy cô gái mặt tươi, da trắng, tóc đen tựa như tiên giáng trần, đang e lệ cầm bông hoa ngang miệng, thỉnh thoảng lại lúng liếng đung đưa ánh mắt. Chàng thọt về sửa ngay sính lễ xin hỏi cô gái ấy làm vợ, ai dè sau đám cưới linh đình, bái đường lễ tổ, lúc động phòng cả hai mới ngã ngửa, hoá ra cô gái bị sứt môi, và cũng vì nghe bà mối bày mưu tưởng bở mới lấy phải phải anh chàng thọt”. Từ ấy có câu ngạn ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa”, chuyện về bà mối khéo thế là cùng.
Dịch vụ xe cưới luôn sẵn sàng
Trở lại với lệ tục, ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội văn minh, nhiều tập tục giản tiện gộp chung thành mấy lễ như “dạm ngõ”, “đính hôn” (ăn hỏi) và “thành hôn” (nhà gái gọi là vu quy). Dạm ngõ (chạm ngõ) là lễ tiếp xúc chính thức của hai gia đình trai gái, nhằm khẳng định người con gái xem như đã có nơi có chốn, sự ràng buộc giữa hai bên được “thắt nút” đầu tiên. Lễ này đơn giản, chỉ cần cơi trầu viện lễ và một vài đại biểu sao cho môn đăng hộ đối.
Tiếp đến là lễ ăn hỏi, dẫn lời thỉnh cầu của nhà trai. Lễ hỏi thường là rất trang trọng, nhưng hoành tráng hay không phải phụ thuộc vào nhận thức của từng gia đình, dù không có thách cưới nhưng nhà trai vẫn tự nguyện sắm lễ vật. Đây cũng là khế ước mà lễ vật đóng vai trò “thế chấp” giữa hai nhà, dù quà được chia phần gửi cho bạn bè họ hàng, nhưng nếu hôn sự bất thành thì nhà gái phải trả đồ “cầm cố” cho nhà trai, cũng là trả lại tự do cho chính mình. Ở Hải Phòng hiện nay việc tổ chức lễ hỏi nhiều khi rất hoang phí, có nhà nghèo cũng cố bày vẽ để mang nợ vào thân.
Phần thực hiện khế ước đồng thời cũng là lễ cơ bản nhất là ngày cưới. Bởi vậy trong một đời người, dù ở thời gian, địa vị hay tầm tri thức nào thì lễ thành hôn cũng được quan tâm đặc biệt. Thường thì ngày này vượt qua khuôn khổ lễ và được nâng tầm thành hội, để “quan viên hai họ” gặp gỡ, chè chén, rượu thuốc... Tập quán pháp này cũng được công nhận điều chỉnh trong chế độ nghỉ ngơi đối với công nhân, công viên chức, người lao động… của Bộ luật lao động.
Ở nội thành, vì diện tích chật hẹp nên mấy năm nay hầu hết đám cưới được tổ chức một buổi, có khi hai họ thuê chung một điểm. Còn ở nông thôn phức tạp hơn, ngoài tiệc rượu chính thì trước đó còn có vái chục mâm cỗ “lòng lơn, tiết canh”, nhạc nhĩ quay cuồng dành cho họ hàng, bạn bè lân cận. Nhưng cũng không ít gia đình có địa vị trong xã hội, thường lợi dụng ngày cưới để kinh doanh, hay nói chính xác là mượn cớ để “làm luật” những người lệ thuộc.
Để lo cho chuyện cưới hỏi, điều đầu tiên phải làm là xem tuổi có hợp nhau không, có bị “kim lâu” không, ngày nào ăn hỏi, ngày nào rước dâu? Nói về điều này, bà V. ở đường Trường Chinh (Kiến An) chuyên vận tử vi, bấm ngày tốt xấu bộc bạch: “Chọn ngày giờ tốt để trời đất chứng kiến cho âm dương giao hoà, nam nữ hợp cẩn lúc động phòng, nghĩa là trai gái đối với nhau còn trong trắng...”. Rồi bà cười dí dỏm: “Nhưng nhiều đám bụng đã ễnh ra rồi cũng đi xem ngày, cứ vào nhà nghỉ hay ra gốc chuối "động" từ bao giờ rồi thì xem còn có ý nghĩa gì..?”. Lời bà V. kể ra cũng chí lý.
Những việc liên quan đến ngày cưới thường được dựng như một kịch bản thực thụ, lo chọn ngày, giờ rước râu, mua sắm giường màn, nhẫn cưới, lập danh sách khách mời, in thiếp, đặt lễ, thuê xe hoa, hội trường, cỗ cưới, âm nhạc… và cả hạch toán trước cho chuyện thu chi lỗ lãi. Nhưng cũng vì lằng nhằng phức tạp mà không phải nhà nào cũng có kinh nghiệm, từ đó các dịch vụ liên quan được dịp hình thành và ngày càng có xu hướng phát triển lan rộng.
Lê Minh (còn nữa)
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão