Nỗi buồn vô bờ từ đất

22:45 25/10/2019

Đã mấy ngày nay, bà Đỗ Thị Miến đang phải nhờ người gửi đơn xin cứu giúp khắp nơi, khi bị một số người trong dòng họ nhà chồng khởi kiện ra toà đòi tài sản. Điều cay đắng là nơi mà bà cùng gia đình đã gắn bó hơn nửa thế kỷ, vậy mà giờ đây đang phải đứng trước nguy cơ giao cho người khác…

Ảnh mang tính chất minh họa

Rích rắc chuyện thừa kế

Theo bà Miến kể, bà lấy ông Nguyễn Duy Bổng, được thừa kế tài sản do bố mẹ chồng là cụ Nguyễn Duy Trọng và Nguyễn Thị Xâm để lại, gồm diện tích khoảng 2 sào đất. Năm 1991 ông Bổng mắc phải bạo bệnh, đã bỏ mẹ con bà về thế giới bên kia, bà Miến cùng hai người con tiếp tục ở lại mảnh đất này.

Đến năm 1984, con trai bà Miến là Nguyễn Duy Hùng làm nghề thợ xây, chẳng may trong một buổi đi làm về gặp tai nạn giao thông, nằm viện được vài tháng rồi cũng rời bỏ cõi trần dù chưa kịp lấy vợ. Còn lại người con gái lớn cơ nhỡ không chồng, tính tình hơi đần độn, hai mẹ con nương tựa vào nhau.

Số là dòng họ Nguyễn ở xã bà Miến có 3 ngành, ông Bổng (chồng bà Miến) là trưởng ngành hai. Hàng năm họ Nguyễn giỗ tổ họ vào ngày 4 tháng Chạp (Âm lịch) tại nhà ông Nguyễn Duy Khiên - Trưởng họ, riêng ngành hai có thêm ngày cúng tổ ngành vào 5 tháng Chạp tại nhà ông Bổng. Sau khi con trai bị nạn, bà Miến cùng chi tộc ngành hai thống nhất cử ông Nguyễn Duy Phách là cháu kế theo tôn tộc làm trưởng ngành.

Năm 1989, vì nghĩ đơn giản đây là đất thừa tự, nên bà Miến giao việc quản lý trông coi thờ cúng và sử dụng 384m2 đất nơi có căn nhà, tương đương một nửa diện tích bà đang dùng, cho vợ chồng con trai trưởng ông Nguyễn Duy Phách là Nguyễn Duy Tâm.

Mọi việc được thông báo công khai trong dịp chạp họ, và trong chi tộc không ai có ý kiến gì, và bà Miến với tư cách dâu trưởng ngành hai hàng năm vẫn cùng vợ chồng ông Phách duy trì cúng tổ ngành tại đây.

Cách đây vài năm, trước trào lưu các dòng họ đua nhau mở mang nơi thừa tự, bố con ông Phách xin ý kiến chi tộc cho sửa sang nâng cấp nhà thờ, đồng thời cũng chính là căn nhà mẹ con bà Miến đang ở.

Nghĩ mình cũng gần đất xa trời, con gái lớn thì trí tuệ cũng không được hoàn hảo như người khác, lại được bố con ông Phách nỉ non câu ra câu vào, bà Miến đồng ý cho cải tạo nhà.

Gọi là cải tạo nâng cấp, nhưng căn nhà hầu như được xây mới trên nền móng cũ, theo dáng kiến trúc nhà thờ, chuyển hướng từ Nam sang Đông, chi tộc cũng đóng góp vào một số ngày công, còn lại phần lớn là tiền của ông Phách.

Tưởng mọi việc thế là suôn sẻ, nhưng đúng thời điểm này nội bộ ngành nhất họ Nguyễn xảy ra khúc mắc, một số người bỏ ngày giỗ tổ mồng 4 tháng Chạp xin về đóng chạp họ với bà Miến vào ngày 5 tháng Chạp.

Khổ nỗi, nhà thờ chính thức định hình, lượng người đến với ngành hai cũng tăng lên, trong khi mẹ con bà Miến vẫn dùng chung chỗ thờ cúng làm nơi sinh hoạt có phần bất tiện, nếu không muốn nói là bừa bộn và ảnh hưởng đến môi trường của… các cụ tổ.

Có lẽ vì lẽ đó mà ông Phách lại đề nghị họ góp tiền xây mới cho mẹ con bà Miến một căn nhà nhỏ trên phần đất còn lại, việc quản lý nhà thờ và phần đất liền kề giao hẳn cho con trai ông là Nguyễn Duy Tâm.

Dù có văn tự thông qua chi tộc, nhưng lần này thì bà Miến nhất định không chịu, căn nhà bà đã ở hơn nửa thế kỷ, với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, bỏ sao đành. Theo bà, cứ để mẹ con bà ở đấy đến khi khuất núi cả thì họ muốn làm gì thì làm.

“Đòi lại… công lý”

Câu chuyện trở thành căng thẳng, thuyết phục nhỏ to rồi hòa giải mãi cũng chẳng đặng, ông Phách quyết định đâm đơn ra tòa.

Vậy là với bảo bối giấy chuyển giao trước đó bà Miến đã đồng ý cho anh Tâm quản lý, sử dụng, là căn cứ đủ để tòa phán xét ở thế có lợi cho bố con ông Phách.

Cụ thể tại phiên toà dân sự do TAND huyện xét xử, anh Phách được tuyên chấp nhận yêu cầu quản lý sản gồm nhà thờ họ, đồ thờ cúng và quyền sử dụng diện tích 384m2 đất.

          Ở tuổi 85 tự dưng phải trở thành bị đơn đã khiến bà Miến sốc nặng, nên khi nghe được kết quả toà “phán” bà Miến thực sự suy sụp.

Tính từ đời bố mẹ chồng bà Miến nhận thừa kế đến nay, gia đình bà đã ở được gần trăm năm, dòng họ Nguyên Duy  cũng không có gia phả ghi nhận lịch sử đất này thuộc chung ngành hai. Trong khi đó đã nhiều năm qua bà Miến đứng tên mảnh đất này trên bản đồ địa chính của xã.

Bà Miến buồn bã nói: “Tôi nào đâu biết chữ, thấy họ viết cái gì bảo điểm chỉ là điểm chỉ, con gái thì dở tính dở nết có biết gì đâu, buồn nữa gọi là nhà thờ họ nhưng ban thờ ông bà, bố mẹ chồng và cả chồng con của tôi cũng ở đó…”.

Vả lại, chữ còn chẳng biết nói gì đến am hiểu pháp luật, ruột thịt ngoài mẹ con bà cũng chẳng còn ai nên không có chỗ nương tựa nhờ cậy. Ước nguyện của bà Miến là vì gánh trách nhiệm trưởng của bên chồng nhưng không có người nối dõi tông đường, thì còn sống ngày nào cứ ở như thế. Chẳng qua bà đồng ý cũng vì muốn nhờ chi tộc giúp đỡ công sức những lúc có cúng có giỗ, nhưng ai ngờ!?

Ngay trong chi tộc họ Nguyễn Duy ngành hai, nhiều người cũng tỏ ra bức xúc trước cách giải quyết của bố con ông Phách, thậm chí nhiều người trước đó ủng hộ giờ cũng quay ra phản đối. Thành thử trong họ có lắm chuyện lục đục, lúc này bố con ông Phách bị bóc mẽ vì cái gọi là “chi tộc đồng ý” chẳng qua do bố con ông tự đến vận động từng nhà, chứ không có cuộc họp tập trung nào cả. Số người ở ngành nhất mấy năm trước bỏ về với ngành hai, nay thấy bất cập cũng đến tạ nỗi với trưởng nhất là ông Nguyên Duy Khiên, xin quay trở lại. Nhân thể, ông Khiên đứng ra vận động sáp nhập cả ngành nhất – nhị - tam làm một, để “thu non sông về một mối” cho hợp lẽ với tiên tổ. Được chi tộc ngành ba và nhiều người ủng hộ, chi Nguyễn Duy ngành hai mất đi phân nửa, đẩy bố con ông Phách vào chỗ thất thế.

Cuộc họp thống nhất ba ngành họ Nguyện Duy được tổ chức, hủy tư cách thừa kế “trưởng” của bố con ông Phách, đồng thời biểu quyết cho ông Khiên đứng ra thay mặt bà Miến “đòi lại công lý”.

Họ khẳng định tài sản nhà đất là của các cụ Trọng – Xâm để lại đương nhiên thuộc về bà Miến, nhà thờ cũng duy nhất chỉ có ở nơi ông Khiên,  còn những đồ thờ cúng trong nhà thờ ngành hai cũ nay chuyển về dùng chung, công sức nếu ai đã cúng tiến thì không thể đòi lại.

Chuyện càng ngày càng trở thành phức tạp, bố con ông Phách tiếp tục thuê luật sư bào chữa. Bởi lẽ trong luận cứ bào chữa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bố con ông Phách cho rằng “dòng họ không phải một pháp nhân nên không thể phát sinh pháp lý uỷ quyền nên ông Khiên được cử đứng ra đại diện cho bà Miến là không đúng”.!?

Vụ việc xem ra chưa đến hồi kết, nhưng có điều làm người ta mủi lòng, là không biết bà Miến còn được sống đến ngày thấy được kết cục hay không.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông