Nỗi niềm lao động nhập cư

10:33 08/06/2019

Những năm gần đây, cùng với tốc độ thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài có bứt phá, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì số lượng lao động nhập cư đến Hải Phòng cũng tăng đáng kể. Có người xác định làm việc, dành dụm chút tiền rồi về quê nhưng cũng có người đã xem thành phố Cảng như quê hương thứ hai. Hãy cùng tâm sự, sẻ chia với những nỗi buồn, niềm vui và cả những trăn trở của người lao động nhập cư.

 

Sinh hoạt nhóm nhà trọ của lao động nhập cư

Thứ bảy, chồng phải đi làm tăng ca nên chị Phan Thị Nga, quê ở Hà Tĩnh bế cả đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi đến buổi sinh hoạt xóm nhà trọ thuộc thôn Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương. Buổi sinh hoạt thi thoảng lại bị ngắt quãng bởi khi thì tiếng khóc, khi thì tiếng cười của trẻ nhỏ.

Chị Nga tâm sự: Hai vợ chồng đều quê xa, nhà trọ thì chật chội, rồi đi làm tối ngày nên đứa lớn 7 tuổi đã phải gửi về quê cho ông bà chăm sóc hộ rồi. Đến cháu thứ hai, thương con, nhớ con nên hai vợ chồng hỗ trợ nhau đưa đón, về đến nhà có tiếng trẻ con líu lo cũng thấy ấm áp, vui vẻ, tiếp tục có động lực để cày cuốc.

Tính đến thời điểm hiện tại, vợ chồng chị Nga đã có hơn 10 năm gắn bó với một doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu công nghiệp Nomura. Nếu cả hai vợ chồng chịu khó làm thêm giờ thì tổng thu nhập một tháng cũng được khoảng 12 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thuê nhà trọ 1,5 triệu đồng/tháng, tiền điện, nước, ăn uống, gửi con thì anh chị cũng để ra được từ 2-3 triệu đồng/tháng để gửi về quê.

Khi phóng viên hỏi hai vợ chồng có xác định làm việc, gắn bó lâu dài với Hải Phòng hay không, chị Nga không đắn đo: Còn sức khoẻ thì chúng tôi còn làm việc, gắn bó với công ty. Tuy ở nhà trọ nhưng an ninh trật tự rất tốt, anh chị em trong xóm yêu thương giúp đỡ nhau. Vợ chồng mình tính, cứ tích cóp rồi nhà nội, nhà ngoại hỗ trợ sẽ tìm mua trả góp căn hộ dành cho người có thu nhập thấp để đón đứa lớn ra để gia đình đoàn tụ.

Không được ổn định như chị Nga, chị Hiền ở Bắc Giang, đang làm việc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ lại nặng gánh gia đình. Ông bà ở quê già yếu, con nhỏ lại hay ốm đau nên chưa hết tháng đã hết tiền. Chị lo lắng: Kiếp ở trọ, quay đi quay lại đã tiền nhà, tiền điện, nước, nếu sau này cả hai đứa con đều đến tuổi đi học thì không biết xin học ở đâu? Các khoản đóng góp liệu có cao hơn so với con em là người địa phương hay không? Rồi sắp tới đây đứa bé có được tiêm phòng ở Trạm y tế không hay lại phải nghỉ làm rồi mẹ con ôm nhau vượt mấy trăm cây số về quê?

Lãnh đạo LĐLĐ thành phố, Công đoàn khu kinh tế chúc tết, hỗ trợ xe, đưa người lao động nhập cư ra xe về quê ăn tết 2019

Theo thống kê của BQL Khu kinh tế Hải Phòng, hiện tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 120.000 công nhân lao động, trong đó lao động nhập cư chiếm khoảng 30% và trong số đó thì lao động nữa lại chiếm hơn 60%. Qua tìm hiểu, người gần thì ở các huyện như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng hay các tỉnh lân cận là Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định… Song cũng có khá nhiều lao động ở xa như Hà Giang, Sơn La, Điện Biên hay Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh…Họ đều ở trong độ tuổi lao động, người ít thì vài tháng, vài năm, nhưng cũng có người đã gắn bó với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp như Nomura, Đình Vũ từ thuở sơ khai, đến nay cũng phải hơn 10 năm, thậm chí là gần 20 năm.  

Đơn cử như ở xã Tân Tiến, huyện An Dương-nơi có khu công nghiệp Nomura, Tràng Duệ-theo ông Vũ Khánh Huyền-Phó Chủ tịch HĐND xã thì cao điểm tại địa phương có tới gần 5.000 lao động nhập cư, chiếm 1/3 tổng dân số trên địa bàn xã. Ông Huyền cũng thẳng thắn cho biết: Tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp kéo theo lượng lớn lao động nhập cư đã mang lại những mặt tích cực đáng kể cho địa phương như giải quyết lao động nông nhàn, các dịch vụ nhà trọ, ăn uống, kinh doanh… Song bên cạnh đó, sự di cư ấy cũng nảy sinh một số vấn đề liên quan, nhất là chưa đáp ứng được đầy đủ, thuận tiện những nhu cầu về nhà ở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, nơi vui chơi giải trí… cho người lao động.

Lãnh đạo xã Tân Tiến giải đáp những trăn trở của lao động nhập cư trên địa bàn xã

Có mặt tại cuộc gặp gỡ giữa chính quyền xã Tân Tiến với đại diện các nhóm lao động nhập cư đang làm việc, sinh sống trên địa bàn xã vừa qua, chúng tôi nhận thấy họ không ít nỗi niềm, trăn trở. Từ những lo toan đời thường như giá thuê nhà trọ, tiền điện tháng này tăng, giá nước chênh lệch đến những mục tiêu phía trước như con cái học hành, nơi an cư, những đảm bảo về tài sản, tính mạng…

Không ít lần bà Phạm Thị Hằng thốt lên với chúng tôi rằng: So với lao động là người địa phương thì lao động nhập cư còn không ít khó khăn, thiếu thốn do vậy những người làm công tác công đoàn càng phải cố gắng từng bước thu hẹp khoảng cách đó.

“Đất lành chim đậu”, mong rằng thành phố, các khu công nghiệp, doanh nghiệp sẽ tiếp tục có thêm nhiều các công trình phụ trợ như nhà ở, trường học, bệnh viện… để có nhiều lao động nhập cư hơn nữa an tâm, gắn bó.

Kim Oanh

  

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông