Nuôi chim cút sử dụng ấu trùng ruồi lính đen: Lựa chọn mới cho người chăn nuôi

18:41 12/01/2023

Dịnh tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh tại Hải Phòng từ năm 2019 đã làm không ít hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố nói chung, huyện Thuỷ Nguyên nói riêng rơi vào cảnh điêu đứng, nợ nần. Hàng loạt các trang trại, gia trại phải dừng hoạt động. Mặc dù thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân tái đàn lợn sau dịch từng bước ổn định sản xuất nhưng tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên vẫn có hàng ngàn hộ chăn nuôi phải bỏ chuồng.
Máy ấp nở trứng chim cút tự động

Trước thực trạng trên, với mong muốn tạo kế sinh nhai mới, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi dựa trên cơ sở tận dụng hệ thống chuồng trại nuôi lợn đang để không cho người dân, Trạm Khuyến nông Thuỷ Nguyên đã phối hợp với HTX nông nghiệp xã Phục Lễ thử nghiệm mô hình nuôi chim cút sử dụng ấu trùng ruồi lính đen trên diện tích 1 ô chuồng lợn bỏ không của HTX.

Chim cút vốn là loài rất dễ nuôi. Chúng có thể thích nghi với mọi điều kiện khí hậu tại Việt Nam. Nuôi chim cút đẻ trứng có thể khai thác được song song nguồn thịt và trứng với giá trị thương phẩm ổn định.

Khu vực nuôi ruồi lính đen lấy sinh khối ấu trùng

Với đặc tính ưu việt của loài chim cút kể trên, ông Nguyễn Quang Tuyên - Giám đốc HTX Nông Nghiệp xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, đã mạnh dạn đầu tư để nuôi loài chim này. Theo đó, tháng 6-2022, triển khai mô hình, ông Tuyên đã tận dụng chuồng nuôi lợn để không với diện tích lên đến 3.000 m2 trên tổng diện tích trang trại 6,7 ha tại thôn Sỏ, xã Phục Lễ.

Giai đoạn đầu, ông đầu tư chuồng nuôi và mua 1.000 con chim cút giống với tỷ lệ 1 đực - 3 cái, mỗi ngày thu hoạch được 600-700 trứng. Nhờ có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất, chăn nuôi, lại ham học hỏi, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, với hệ thống ấp nở tự động tại trại mang lại hiệu quả cao, ông Tuyên đã từng bước tự nhân giống và mở rộng quy mô. Chỉ sau 3 tháng triển khai mô hình, ông Tuyên đã nâng tổng đàn từ 1.000 lên 6.000 con chim cút.

Chim cút được cho ăn bổ sung thêm ruồi lính đen

Trứng cút ông bán ra thị trường trung bình thường có giá 600 đồng/quả, trứng cút lộn 850 đồng/quả. Chim giống 7 ngày tuổi có giá 5.000 đồng/con. Chim cút thịt 45 ngày giá 15.000 đồng/con. Trung bình 1 tháng ông thu về 10.000.000 đồng. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, đàn chim cút nuôi của gia đình không ngừng tăng lên theo thời gian. Số lượng trứng cút, chim cút giống, chim cút thịt cung ứng ra thị trường cũng không ngừng tăng lên. Theo đó, doanh thu của trang trại cũng ngày một tăng cao.

Cán bộ Trạm Khuyến nông Thuỷ Nguyên tư vấn cho HTX nông nghiệp xã Phục Lễ thử nghiệm mô hình nuôi chim cút sử dụng ấu trùng ruồi lính đen

Đáng chú ý, được sự tư vấn, hỗ trợ tận tình của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, ngoài nguồn thức ăn thông thường là cám công nghiệp, ông Tuyên còn bổ sung thêm ấu trùng ruồi lính đen cho đàn chim cút nuôi nên giảm được 40-50% lượng thức ăn hàng ngày. Việc tận dụng nguồn thức ăn là ấu trùng ruồi lính đen không chỉ giúp ông Tuyên giảm chi phí thức ăn chăn nuôi mà còn góp phần tăng chất lượng trứng và thịt chim cút.

Mô hình của ông Tuyên đã từng bước hoàn thiện, không ngừng mở rộng về quy mô, số lượng con nuôi và chất lượng sản phẩm được thị trường ưa chuộng, đón nhận.

Được biết, để nâng cao giá trị sản phẩm, kinh tế, mô hình nuôi chim cút sử dụng ấu trùng ruồi lính đen của ông Tuyên đang hướng tới xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Thành công của mô hình đã giúp các hộ nông dân trên địa bàn huyện có thêm sự lựa chọn, đa dạng loài vật nuôi, nâng cao thu nhập và là giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng bỏ trống chuồng trại sau ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi…

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông