Nuôi trồng thủy Hải sản ở Hải Thành (quận Dương Kinh): Đương đầu với những khó khăn

20:20 01/01/2018

Trong mấy năm gần đây nay các hộ dân nuôi trồng ở phường Hải Thành, quận Dương Kinh đang phải hằng ngày đối mặt với nhiều khó khăn. Nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh triền miên, thiên nhiên khắc nghiệt, nhiều hộ nuôi chịu thiệt hại nặng nề và đang loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn…

 Nuôi trồng thủy sản ở Hải Thành, quận Dương Kinh đang gặp rất nhiều khó khăn

Là một xã của huyện Kiến Thụy cũ, đến nay Hải Thành đã trở thành đơn vị hành chính cấp phường của quận Dương Kinh nhưng vẫn có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chủ đạo.

Vì đặc thù vị trí sát biển nên nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản đã trở thành lĩnh vực trọng yếu, mang lại nguồn thu hiệu quả cho kinh tế Hải Thành những năm đầu và dần mở rộng một cách nhanh chóng.

Đến nay trên địa bàn phường có hơn 116 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản (NTTS) và hơn 100 hộ dân trong và ngoài địa phương tham gia sản xuất NTTS. Năng xuất, sản lượng bình quân năm 2017 đạt 0,33tấn/ha. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đến nay NTTS trên địa bàn phường Hải Thành không chỉ đơn thuần là nuôi quảng canh mà nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển sang mô hình nuôi thâm canh. Đối tượng được nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua…

Tuy nhiên đến nay nuôi trồng thủy hải sản tại Hải Thành lại đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, khiến cho không ít người phải nản lòng.

Gia đình ông Phạm Ngọc Hải ở 55 Chu Văn An, quận Ngô Quyền bắt đầu nuôi trồng thủy hải sản ở Hải Thành từ năm 2012. 5 năm nuôi trồng thủy hải sản thì có đến 3 năm thất thu. Năm 2016 vừa qua ông mới có kết quả bước đầu. Sang 2017 ông lại phải chấp nhận thiệt hại khi 40 vạn tôm giống nuôi thả khi cho thu hoạch được khoảng 5,7 tấn, chỉ bằng một nửa so với năm trước do tôm chết hàng loạt bởi thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, nước không đủ độ mặn, tôm bị bệnh phân trắng.

Ông cho biết nuôi trồng thủy hải sản hỏng thì nhiều, được thì ít. Đợt vừa rồi ông thả khoảng 40 vạn con giống, chỉ tính riêng tiền giống đã trị giá 40 triệu đồng. Tính tổng các chi phí, bao gồm thêm tiền thức ăn, chế phẩm sinh học, tiền điện và các loại phí phát sinh thì ông phải đầu tư khoảng 600 triệu cho một ao nhỏ 5.000m2 cho một mùa vụ.

Với diện tích nuôi trồng 1,5 ha, chia làm 3 ao nuôi, hộ gia đình anh Đông đã thất thu lớn khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong vụa vừa rồi, bởi tôm giống mới nuôi thả đã mắc dịch bệnh. Trong lần nuôi thả những tháng đầu năm 2017 vừa qua, gia đình anh đã mất trắng đến 300 triệu đồng.

Nuôi tôm cao sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nguy cơ mất trắng cũng rất lớn nếu dịch bệnh xảy ra. Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ ký, là kinh nghiệm của người nuôi trồng thủy hải sản đúc kết được qua thực tế sản xuất.

Thực tế cho thấy yếu tố về giống và môi trường nuôi là rất quan trọng trong việc quyết định thành công hay thất bại trong 1 vụ nuôi. Tuy nhiên ngoài yếu tố về giống điều mà các hộ nơi đây lo ngại nhất là môi trường không được đảm bảo, nguồn nước ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao, thời tiết, khí hậu với nhiều diễn biến phức tạp là nguyên nhân gây chết thủy hải sản hàng loạt tại Hải Thành những năm qua.

Chủ tịch UBND phường Hải Thành, quận Dương Kinh, Nguyễn Duy Hưng cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất NTTS trên địa bàn phường đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Trong những năm qua tình hình thời tiết diến biến khó lường, bên cạnh đó, nguồn nước bị ô nhiễm do ảnh hưởng của chất thải nước thải từ khu công nghiệp, trang trại gia trại và nguồn nước thải từ các đầm bị dịch bệnh, nước thải sinh hoạt của nhân dân. Chất lượng con giống tuy đã được kiểm soát, song không triệt để nên nguồn giống kém chất lượng vẫn được cung cấp cho nhân dân nuôi thả.

Ông Hưng cũng cho biết thêm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quận Dương Kinh là một quận đô thị, không có quy hoạch lâu dài cho phát triển kinh tế nông nghiệp cũng là khó khăn cho việc NTTS trên địa bàn. Hoạt động sản xuất NTTS phát triển chưa bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ; ruộng đất còn manh mún, chưa có quy vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng.

Trình độ thâm canh còn hạn chế; năng suất chưa cao; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, vì vậy chưa tạo được sự đột phá mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ cho sản xuất NTTS còn hạn chế, như chính sách về tích tụ ruộng đất, về quy hoạch, các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ xây dựng nông thôn mới…

Xuân Hạ

 

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích