15:43 11/10/2024 Dưới tác động của xu hướng toàn cầu hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, việc phát triển mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Hải Phòng đã trở thành một mục tiêu quan trọng. Đây không chỉ là hướng đi nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình tăng trưởng cân bằng và lâu dài, đồng thời mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp và sinh thái, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia và thế giới.
Đặc điểm của KCN sinh thái
Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (KKT), thay thế cho Nghị định trước đó đã ban hành từ năm 2018. Đây là văn bản có tính chất và ý nghĩa quan trọng, được ban hành rất kịp thời, phù hợp với thực tiễn của bối cảnh nước ta đang hội nhập mạnh mẽ với môi trường kinh tế toàn cầu, góp phần hoàn thiện và tạo đà cho quá trình xây dựng và phát triển hành lang pháp lý chuyên biệt cho các hoạt động của KCN, KKT.
Theo Nghị định 35, KCN sinh thái là KCN có doanh nghiệp trong đó tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp. Đồng thời, để được xác định là KCN sinh thái, đơn vị đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp thứ cấp phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cụ thể.
Cùng với đó là tiêu chí về việc thực hiện cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên… được thực hiện bởi các nhà đầu tư thứ cấp.
Trước đây, từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, có rất nhiều tài liệu và công trình khoa học khác đưa ra khái niệm và tiêu chí để giải thích và xác định KCN sinh thái. Song tựu chung lại, có thể hiểu rằng KCN sinh thái là một mô hình KCN phát triển theo hướng bền vững, trong đó các doanh nghiệp và nhà máy hoạt động dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Về khái quát, các KCN sinh thái sẽ có những đặc điểm đặc trưng có thể thấy rõ:
- Một là, trong KCN sinh thái, các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng tài nguyên tuần hoàn, tích cực chia sẻ và có các giải pháp tái sử dụng tài nguyên như nước, năng lượng, nhiên liệu, nguyên vật liệu thô với mục tiêu nhằm giảm lãng phí và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.
- Hai là, việc ngăn ngừa ô nhiễm được ưu tiên vượt bậc bằng các biện pháp kiểm soát và giảm thiểu khí thải, nước thải, và chất thải rắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
- Ba là, các doanh nghiệp trong KCN sinh thái ưu tiên tiếp cận và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… và các công nghệ tiết kiệm năng lượng để giảm lượng khí thải carbon cũng như tối ưu hoá việc sử dụng năng lượng
- Bốn là, hệ sinh thái doanh nghiệp được kết nối chặt chẽ với tính cộng sinh cao, có thể chia sẻ công nghệ, chất thải hoặc phụ phẩm của một doanh nghiệp để trở thành nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác, hạn chế phế thải ra môi trường sống.
- Năm là, các thiết kế của KCN sinh thái được thực hiện hài hòa với môi trường, tối ưu không gian xanh vì mục tiêu bảo tồn và phát triển cảnh quan, đa dạng sinh học tự nhiên.
Lợi ích của KCN sinh thái
Mô hình ưu việt này mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với các KCN truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hướng tới phát triển bền vững.
- Thứ nhất, về môi trường, KCN góp phần quan trọng để giảm phát thải và ô nhiễm. Quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm thiểu lượng khí thải, nước, chất thải rắn cùng với việc tái sử dụng các chất thải và phụ phẩm sẽ giúp hạn chế ô nhiễm vào đất, không khí và nguồn nước. Cùng với đó, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng và tái sử dụng hiệu quả, hạn chế lãng phí ở mức độ cao nhất. Các tài nguyên như nước và năng lượng cũng sẽ được tiết kiệm tối đa, là cơ sở để phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hoá thạch và giảm khí thải nhà kính.
- Thứ hai, về kinh tế, doanh nghiệp trong KCN sinh thái sẽ gia tăng hiệu quả sản xuất khi hệ thống quy trình vận hành được tối ưu hoá, hàng loạt chi phí về nguyên vật liệu, năng lượng, xử lý chất thải cũng được tiết giảm đáng kể. Việc cắt giảm được chi phí sẽ là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong KCN sinh thái luôn có lợi thế vượt trội về thương hiệu và uy tín khi áp dụng các tiêu chuẩn bền vững, dễ dàng thu hút khách hàng và đối tác từ các thị trường quốc tế quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các KCN sinh thái cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các cơ chế chính sách ưu đãi, ưu tiên trong nước và quốc tế.
- Thứ ba, về lợi ích xã hội, khi KCN sinh thái giảm thiểu được sự ô nhiễm và phát triển cây xanh đồng nghĩa với việc xây dựng môi trường sống lành mạnh cho dân cư trong khu vực, tạo dựng không gian sống và làm việc chất lượng hơn, gia tăng khả năng thu hút nguồn lao động. Đồng thời, hàng loạt cơ hội việc làm mới cũng được mở ra liên quan đến các công nghệ xanh, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường… Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như chất lượng nguồn nhân tiên tiến cho địa phương, tạo đà cho một nền kinh tế xanh bền vững.
- Thứ tư, KCN sinh thái là động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình cộng sinh công nghiệp và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp trong KCN sinh thái có thể chia sẻ tài nguyên, năng lượng và công nghệ, từ đó giảm chi phí, gia tăng hiệu quả sản xuất và tạo ra các cơ hội hợp tác mới. Trong khu vực này sẽ hình thành nên hệ sinh thái kinh doanh bền vững, nơi các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau trong việc giảm thiểu tác động môi trường và cải thiện quy trình sản xuất. Điều này thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn, giúp các ngành công nghiệp liên kết chặt chẽ hơn.
KCN sinh thái không chỉ tạo ra giá trị kinh tế trong ngắn hạn mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững, giúp các doanh nghiệp tăng cường tính cạnh tranh và tạo ra giá trị lâu dài. Doanh nghiệp có thể phát triển mà vẫn đảm bảo việc duy trì hài hoà được sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
Những thành tựu tiêu biểu
Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia thực hiện thành công mô hình KCN sinh thái, tiêu biểu có thể kể đến như:
Tại Đan Mạch, tổ hợp cộng sinh Kalundborg được thành lập từ những năm 1970, là một trong những mô hình KCN sinh thái đầu tiên trên thế giới. Các doanh nghiệp tại đây hoạt động dựa trên nguyên tắc chia sẻ tài nguyên và tái sử dụng chất thải. Các nhà máy điện, nhà máy lọc dầu, và các doanh nghiệp sản xuất chia sẻ năng lượng, nước, và tái sử dụng các sản phẩm phụ, ví dụ nhiệt dư thừa từ nhà máy điện được sử dụng để sưởi ấm khu vực dân cư lân cận, nước thải từ nhà máy được xử lý và tái sử dụng cho sản xuất... Ước tính mỗi năm, tổ hợp này giảm thiểu 635 nghìn tấn CO2, 3,6 triệu m3 nước, tiết kiệm 87 nghìn tấn vật liệu, 24 triệu euro chi phí sản xuất và 14 triệu euro chi phí cho xã hội.
Tại Nhật Bản, Kitakyushu từng là một trung tâm công nghiệp lớn với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với nỗ lực của chính quyền và cộng đồng, Kitakyushu đã trở thành mô hình khu công nghiệp sinh thái nổi bật sau khi được đầu tư mạnh vào các công nghệ tái chế và xử lý chất thải, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp chia sẻ tài nguyên và hợp tác trong quản lý môi trường. Kết quả là, Kitakyushu không chỉ cải thiện môi trường mà còn thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, tạo ra một sự chuyển đổi toàn diện từ một thành phố công nghiệp ô nhiễm thành một thành phố xanh, bền vững.
Tại Hàn Quốc, KCN Ulsan đã thiết lập một mô hình hợp tác mạnh mẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Các doanh nghiệp tại Ulsan sử dụng chất thải cùng các sản phẩm phụ của nhau, từ đó tạo ra chuỗi cung ứng khép kín và đã trở thành mô hình khu công nghiệp sinh thái điển hình tại Hàn Quốc với hiệu quả trong việc giảm khí thải, xử lý chất thải, và tối ưu hóa năng lượng.
Tại Hà Lan, nơi “cối xay gió” là biểu tượng kiêu hãnh của người dân, KCN sinh thái Rotterdam đã rất thành công khi tập trung phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng sinh học, nhằm giảm thiểu phát thải CO2.
Bên cạnh đó, còn hàng loạt các KCN sinh thái khác có thể kể đến như KCN Burnside (Canada) hay KCN sinh thái NISP (Vương Quốc Anh)… cũng là những điển hình thành công rất đáng ngưỡng mộ trong phát triển KCN sinh thái. Như vậy, có thể thấy một cách rõ ràng, KCN sinh thái là hướng đi và xu thế đúng đắn, đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều nơi trên thế giới bởi chính những đặc điểm và lợi ích vượt trội mang lại cho doanh nghiệp, cho quốc gia và toàn nhân loại trong tương lai.
(còn tiếp)
LÊ TẤT