Phát triển nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu thực tế: Tháo gỡ nhanh những khó khăn, vướng mắc Kỳ II: Hải Phòng chủ động đi trước đón đầu….

10:46 07/08/2022

Nhu cầu nhà ở xã hội Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, yêu cầu phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở của công nhân, người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố những năm gần đây là rất lớn và gia tăng nhanh. Nguyên nhân thứ nhất là do lịch sử phát triển đô thị của Hải Phòng gắn liền với những khu chung cư, có nhiều khu đô thị cũ nên diện tích nhà ở chật hẹp.

Theo báo cáo trước năm 2015, thành phố Hải Phòng có tổng số 205 chung khu với hơn 7300 căn hộ, ở nhiều nhà tập thể cao tầng có tiếng một thời như: tập thể Vạn Mỹ, tập thể Lê Lợi, Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền; Lam Sơn, quận Lê Chân); tập thể 3 tầng, khu 5 tầng, quận Kiến An; tập thể Quán Toan, quận Hồng Bàng...  Trải qua thời gian, các khu chung cư đều cũ nát, xuống cấp, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Qua khảo sát, Sở Xây dựng đề xuất, trong số 205 chung cư cũ có 27 chung cư sẽ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp với 1.040 căn hộ và 178 chung cư phá dỡ để xây dựng lại...

 Hai Là, thành phố Hải Phòng là trung tâm công nghiệp, trên địa bàn thành phố hiện đã có khoảng 20 khu công nghiệp lớn nhỏ, thu hút trên 500 nghìn công nhân, người lao động từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước.  

Ba Là, những năm qua, kinh tế xã hội thành phố phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng (GRDP) luôn gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Thu nhập của người dân ngày một nâng cao (năm 2021 thu nhập GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 150,03 triệu đồng/người, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước) nên nhu cầu về cải thiện chỗ ở của các hộ gia đình ngày càng nâng cao. Hiện nay, việc mua bán chuyển nhượng các khu chung cư thời gian gần đây rất sôi động. Hầu hết các khu nhà ở xã hội đã được bán, cho thuê mua gần 100% số các căn hộ.

Xây dựng toàn nhà HH1-HH2 thay thế các khu chung cư cũ nát, xuống cấp nguy hiểm trên địa bàn phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền

Sự chủ động của thành phố

Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đặc biệt là việc đấy mạnh phát triển NƠXH) đế giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, thành phố đã mạnh dạn ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về hồ trợ các đối tượng chính sách xã hội, công nhân, người có thu nhập thấp mua, sửa chữa, xây mới nhà ở. Sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, doanh nghiệp và sự vươn lên của bản thân các hộ gia đình, gia đình chính sách về NƠXH đã giúp cho hàng nghìn hộ gia đình thuộc đổi tượng chính sách đã được cải thiện nhà ở.  

Điển hình phải kể đến, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, chỉ trong 2 năm 2015 và 2016, Hải Phòng đã triển khai một loạt các dự án về cải tạo nhà chung cư cũ nguy hiểm, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về công tác xóa chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm vừa đảm bảo an sinh xã hội gắn với chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh – hiện đại.

Tiếp đến Nghị quyết số 52/2019/NQ-HĐND ngày 5-12-2019 của HĐND thành phố Hải Phòng khóa 15, trong giai đoạn 2020-2025, 100% hộ nghèo trên địa bàn thành phố khó khăn về nhà ở có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở được thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn, vật liệu xây dựng. Theo đó, trong 2 năm 2020 và 2021, UBND thành phố đã  phê duyệt cho 1.143 hộ nghèo ( gồm 882 hộ xây mới và 261 hộ sửa chữa nhà ở) được hỗ trợ vật liệu xây dựng (gạch, xi măng) và được bao lãnh vay vốn không lãi suất .

Theo Sở Xây dựng hải Phòng, tính đến hết năm 2021, thành phố cơ bản đã đạt và vượt so với kế hoạch về nhà ở. Cụ thể, Thành phố đã nâng diện tích nhà ở quân đầu người thành phố tăng từ 19,8m2/người năm 2018 lên 25,7m2/người năm 2021. Từ năm 2018 - năm 2021 phát triển mới 14 triệu m2 sàn nhà ở; tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 100%, xóa bỏ loại hình nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ.

Từ năm 2015 đến nay, Hải Phòng đã phá dỡ 18 chung cư cũ, xây dựng lại 7 tòa chung cư mới, với hơn 2.600 căn hộ mới. Có 3 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp với 3.174 căn hộ, khoảng 191.939 m2 sàn nhà ở. Thành phố có 1 dự án Khu ký túc xá cho người lao động của Công ty LG Display với tổng diện sàn 19.087 m2, gồm 278 căn đáp ứng cho 1.600 người lao động.

Theo định hướng việc đấy mạnh phát triển nhà ở xã hội đế giải quyết nhu cầu chồ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp trong thời gian tới. Thành phố đã điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hải Phòng thành phố sẽ phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 với khoảng 20.794 căn, diện tích sàn ước đạt là 1,5 triệu m2. Giai đoạn 2026-2030, phát triển thêm khoảng 27.994 căn, diện tích sàn dự kiến đạt được là 2,0 triệu m2.

Hiện tại, Hải Phòng đang chuẩn bị đầu tư triển khai 7 dự án NƠXH  cho người thu nhập thấp  gồm 8.836 căn, với khoảng 413.498m2 sàn. Đồng thời thành phố cũng đang triển khai thực hiện 5 dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Trong đó có 2 dự án đã được giao đất với quy mô 574 căn, 31.962 m2 sàn. Số dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục liên quan.

Thành phố cũng đang tiếp tục cho triển khai giai đoạn 3 Dự án Khu ký túc xá cho người lao động của Công ty LG Display, quy mô giai đoạn này gồm 556 căn, với diện tích sàn là 37.074 m2, đáp ứng cho 3.200 người sinh sống.

Có thể nhận thấy nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp tại Hải Phòng là rất lớn, tuy nhiên khi triển khai thực hiện nhiều còn hạn chế, vướng mắc. Trong đó chủ yếu là chính sách ưu đãi, hỗ trợ vẫn chưa đủ sức khuyến khích việc phát triển nhà ở xã hội, như các cơ chế ưu đãi về thuế, về đất đai, về các thủ tục đầu tư…

Hoặc, nhà nước chưa có quy định cụ thể việc dành một phần tổng diện tích sàn nhà ở để bán, cho thuê mua theo giá kinh doanh thương mại. Việc quy định dự án Nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích để cho thuê là chưa phù hợp vì tại nhiều dự án không có đối tượng có nhu cầu thuê nhà ở. Việc quy hoạch các khu công nghiệp tập trung trước đây chưa gắn với việc quy hoạch khu nhà ở công nhân dành cho người lao động và các công trình hạ tầng xã hội kèm theo.

Rồi tâm lý ngại vay của các hộ nghèo khu vực đô thị cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện vay mua nhà ở xã hội do lo ngại không có khả năng trả nợ.

Hiện nay diện đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội chưa được mở rộng; các quy định về điều kiện, trình tự thủ tục mua, thuê mua nhà ở xã hội còn phức tạp, bất cập nên việc tiếp cận với phân khúc nhà ở xã hội của người dân có nhu cầu gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Lãnh đạo UBND thành phố kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng các tòa nhà HH1 - HH2 Đổng Quốc Bình

Giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Từ những khó khăn khách quan và chủ quan, thành phố Hải Phòng kiến nghị, đề xuất biện pháp thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp:

Một là, Chính phủxem xét ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư tham gia thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, có biện pháp phù hợp để hộ nghèo khu vực đô thị tiếp cận được các nguồn vay mua nhà ở xã hội.

 Hai là, ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể về diện tích sàn nhà ở để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại tại dự án nhà ở xã hội..

 Ba là, sớm nghiên cứu áp dụng các loại công nghệ xây dựng hiện đại và sử dụng các loại vật liệu xây dựng thích hợp, nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành nhà ở và rút ngắn thời gian xây dựng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đặc biệt là nghiên cứu, xem xét mở rộng diện đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển đối với loại hình nhà ở thương mại giá rẻ./.

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông