Phẫu thuật cấp cứu thành công bé trai bị chó cắn gây tổn thương nặng vùng mặt

    18:14 11/01/2024

    Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết vừa cấp cứu thành công bé trai bị chó cắn gây tổn thương nặng vùng mặt.
    Bệnh nhi được các y bác sĩ Đơn nguyên Ngoại Nhi, Khoa phẫu thuật Kỹ thuật cao theo yêu cầu

    Cụ thể, một bênh nhi 12 tuổi, địa chỉ tại phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, đã nhập viện do vết thương chó cắn. Theo gia đình, chó gây ra vết thương được nuôi tại nhà, thuộc giống chó H’mông cộc đuôi. Cháu bé có tổn thương biến dạng, dập nát nửa mặt trái, vết thương nham nhở, chảy máu nhiều...

    Các bác sĩ nhận định đây là ca cấp cứu phức tạp, có nguy cơ đe doạ tính mạng cháu bé. Sau khi đã có chẩn đoán và thống nhất điều trị, các bác sĩ đã phối hợp xử lý trong thời gian nhanh nhất, đưa bệnh nhi vào phòng phẫu thuật. Trong phẫu thuật, bệnh nhi đã được các bác sĩ tiến hành cắt lọc tổ chức dập nát, làm sạch vết thương; xử trí khâu các vết thương vùng cổ, gáy; sử dụng kính hiển vi khâu nối ống lệ đạo, ống tuyến nước bọt, khâu phục hồi sụn mi góc mắt dưới theo giải phẫu...

    Sau 3 giờ, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, các bác sĩ đã bảo toàn gương mặt cho cháu bé. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của cháu bé đã dần hồi phục, tiếp tục theo dõi điều trị tại Đơn nguyên Ngoại Nhi, Khoa phẫu thuật Kỹ thuật cao theo yêu cầu Bệnh viện.

    Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Đức Thành – Trưởng kíp Vi phẫu, trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết: Phẫu thuật vi phẫu tổn thương tạo hình vùng mặt ở cháu bé gặp nhiều khó khăn do tổn thương dập nát, khuyết da, nhiều dị vật bẩn… ống lệ đạo có kích thước rất nhỏ, thành mỏng nên đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu cũng như phương tiện phẫu thuật hiện đại. Kỹ thuật khâu phục hồi lệ đạo dưới kính hiển vi cho bệnh nhi này vẫn đang là phương pháp tối ưu nhất cho đến thời điểm hiện tại.

    Qua trường hợp bệnh nhi, TS.BS Nguyễn Đức Thành cũng cho biết: ở người lớn vết thương do chó cắn hay gặp ở chân và tay, nhưng ở trẻ em do độ cao tầm mặt của các em bé thường ngang với tầm miệng và chân của chó, do đó xác suất bị tổn thương ở vùng mặt là khá cao.

    Để phòng tránh chó cắn, cần nhắc nhở trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với chó nhà; tránh đùa giỡn chọc phá chó, tránh thâm nhập vào địa phận dành riêng cho chó, tránh lại gần chó lạ. Đối với các bậc cha mẹ, nếu nhà có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông

    Liên kết hữu ích