Phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ

10:43 11/09/2017

Những năm gần đây, tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ xảy ra phức tạp và có xu hướng gia tăng, gây lo lắng trong dư luận và ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Phần lớn phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài đến nhiều nước khác nhau dưới nhiều hình thức, chủ yếu là qua các đường mòn và cửa khẩu, trên tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam.

Thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

Để đối phó với các cơ quan chức năng, bọn tội phạm buôn người luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động như thông qua môi giới hôn nhân bất hợp pháp, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đưa người lao động ra nước ngoài, đi du lịch, tham quan, đẻ thuê… để lừa bán phụ nữ qua biên giới.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá trên 2.200 vụ mua bán người, bắt hơn 3.300 đối tượng; tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân của tội phạm mua bán người. Tính trung bình, mỗi năm cả nước có khoảng 500 vụ mua bán người với trên 1.000 nạn nhân.

Còn thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra 174 vụ mua bán người với 232 đối tượng, lừa bán 351 nạn nhân. 

Qua đấu tranh, lực lượng công an đã phát hiện và triệt phá một số đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em qua Lào, sang Thái Lan và đưa sang Châu Phi, Châu Âu, bán vào các động mại dâm, phục vụ đối tượng người địa phương hoặc người Việt Nam. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng mối quan hệ họ hàng, quen biết để dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn tìm kiếm việc làm ở những nơi có thu nhập cao, cuộc sống nhàn hạ, sau đó đưa thẳng qua biên giới chuyển cho đồng bọn bán ra nước ngoài.

Có thể kể một vài vụ điển hình như: Đầu tháng 7-2015, Công an TP Móng Cái đã điều tra và bắt giữ đối tượng Lưu Thị Dung (20 tuổi, ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Tại cơ quan công an, Dung thừa nhận và khai báo việc bán cháu Nguyễn Thị N., 19 tuổi, cho một quán mại dâm tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với số tiền 7.000 nhân dân tệ. Ngày 3-7-2015, Công an TP Móng Cái đã phối hợp với Cục Công an thị xã Đông Hưng, Trung Quốc giải cứu cháu Ngọc về Việt Nam.

Điền (áo tím), Cúc (áo trắng), Hùng, Gái tại cơ quan điều tra

Gần đây nhất, chiều 29-4-2017, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh đã tạm giữ hình sự nhóm đối tượng gồm Nguyễn Hoàng Hùng (32 tuổi, ở TP Cần Thơ), Nguyễn Thị Điền (40 tuổi, ở Bình Dương), Đặng Thị Gái (67 tuổi) và Phạm Thị Kim Cúc (58 tuổi, cùng ở Tây Ninh) để điều tra mở rộng về đường dây mua bán phụ nữ qua Trung Quốc.

Qua đấu tranh, các đối tượng bước đầu khai nhận: Đường dây buôn người này bắt đầu hoạt động từ khoảng giữa tháng 5-2015. Thủ đoạn của bọn chúng là những phụ nữ có cuộc sống khó khăn khi đi xem bói do bọn chúng hành nghề sẽ hướng họ mộng đổi đời về cuộc sống giàu sang khi lấy chồng Trung Quốc. Đến thời điểm bị bắt bọn chúng đã bán được 6 phụ nữ ở tỉnh Tây Ninh và Bạc Liêu sang Trung Quốc.

Còn tại Hải Phòng, tình hình buôn bán người cũng diễn ra tương đối phức tạp. Theo thống kê của Phòng cảnh sát hình sự - CATP, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 36 vụ buôn bán phụ nữ với 93 nạn nhân, bắt và xử lý 74 đối tượng.

Cụ thể, vào tháng 10-2012, Lê Thị Trinh (sinh 1997), ở Thủy Triều, Thủy Nguyên, vốn là gái mại dâm do đối tượng người Trung Quốc tên Xuyền quản lý. Trinh được Xuyền thỏa thuận về Việt Nam tìm phụ nữ sang bán với giá từ 8.000 – 10.000 NDT/người.

Tháng 4-2014, Trinh móc nối với Nguyễn Thị Minh Phượng, sinh 1995, ở xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, nhờ tìm hộ người. Phượng liền nhắm ngay cháu T., sinh 1998, ở Thủy Triều, Thủy Nguyên, tròn 15 tuổi và rất xinh xắn. Phượng nói dối gia đình cháu T. là đón cháu vào nội thành Hải Phòng xin việc, nhưng thực chất đưa cháu bắt xe khách đi Quảng Ninh.

Sang đến đất Trung Quốc, Phượng lừa T.: “Hai người ngồi chung xe ô tô thì sẽ bị công an Trung Quốc bắt nên phải đi 2 xe”. Khi “con mồi” nhẹ dạ sập bẫy cũng là lúc Phượng được người đàn ông trả cho gần 21 triệu đồng. Trinh cũng được Xuyền trả công một chiếc nhẫn vàng trị giá hơn 5,5 triệu đồng. Cũng bằng thủ đoạn trên, ngày 27-4-2014, Phượng tiếp tục đưa cháu K., sinh 1998, ở Hòa Bình, Thủy Nguyên, sang Trung Quốc cho Trinh bán cho Lò Kin Xuyền và được trả 21 triệu đồng.

Với tương tự, Lê Đình Luận, sinh 1993, ở thôn 7, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, cũng khiến nhiều người phải giật mình trước chiêu trò tinh vi của tội phạm mua bán người. Cuối năm 2014, trong thời gian làm thợ bả sơn tại Trung Quốc, Luận quen Hiền - một “má mì” có tiếng. Thấy Luận “dẻo mỏ” lại đẹp mã, Hiền gạ Luận về nước tìm con gái Việt Nam đưa sang bán cho thị làm gái mại dâm với giá từ 8.000 NDT đến 10.000 NDT.

Bị cáo Lê Đình Luận trước vành móng ngựa

Ngay khi về nước vào tháng 5-2015, qua Zalo, Luận lấy tên giả là Phương rồi buông lời đường mật với nhiều thiếu nữ nhẹ dạ trên mạng xã hội. Một trong những “con mồi” sập bẫy Luận là chị H., sinh 1994, ở Đông Khê, Ngô Quyền. Tối 3-6-2015, Luận mời H. đi chơi và rủ hôm sau đi Hà Nội lấy hàng về bán. Khi đi đến cầu Thanh Trì, Hà Nội, Luận xoay sang rủ H. xuống đón xe đi Lạng Sơn để sang Trung Quốc “Mua đồ cho rẻ”.

H. nhanh chóng bị Luận và đường dây mua bán người do Hiền cầm đầu đưa sâu vào địa phận Trung Quốc và nhập vào ổ chứa mại dâm của Hiền. Luận được Hiền trả công 7.600 NDT. Tuy nhiên mọi việc nhanh chóng đổ bể, Luận hoảng sợ tìm cách liên lạc với Hiền để chuộc H. về. Ngày 7-6-2015, Luận đã đến cơ quan công an đầu thú..

Nâng cao nhận thức để không sa bẫy

Tệ nạn buôn bán người đặc biệt là phụ nữ luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do yếu tố về kinh tế khó khăn, thiếu việc làm cũng như nhận thức kém, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa dẫn đến họ dễ bị lừa gạt và trở thành nạn nhân. Vệc thông thương, giao lưu buôn bán, đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN có nhiều thuận lợi là một trong các điều kiện thuận lợi cho các tội phạm mua bán người hoạt động phạm tội. 

Các đối tượng mua bán người có xu hướng hoạt động liên tỉnh, liên kết với các đối tượng ở nhiều địa phương và với người nước ngoài để hình thành các đường dây tội phạm khép kín. Nhiều đối tượng, từ nạn nhân, nghe theo lời dụ dỗ, rủ rê của kẻ xấu, họ đã trở về quê hương biến mình thành những “mẹ mìn” chuyên đi lôi kéo, lừa gạt những nạn nhân khác.

Với các phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi như thông qua con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp trở về Việt Nam, các đối tượng buôn bán thường đến các vùng nông thôn lợi dụng mối quan hệ họ hàng, quen biết để dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn tìm kiếm việc làm ở những nơi có thu nhập cao, cuộc sống nhàn hạ sau đó đưa thẳng qua biên giới chuyển cho đồng bọn bán sang Trung Quốc (chiếm 90% trong tổng số các vụ việc đã xảy ra) ép làm gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp hoặc cướng bức lao động, nếu muốn về nước phải bỏ một lượng tiền lớn để chuộc.

Chị em cần nâng cao nhận thức để tránh sa bẫy kẻ xấu (ảnh minh họa)

Đặc biệt hiện nay, tội phạm mua bán người triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội (zalo, facebook,…), trò chơi trực tuyến trên internet để làm quen, kết bạn,  tạo dụng lòng tin, quan hệ yêu đương với các cháu gái có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quản lý của gia đình để lừa bán ra nước ngoài. Sau khi gây án, các đối tượng thường bỏ trốn ra nước ngoài gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra, truy bắt đối tượng cầm đầu của các cơ quan chức năng.

Để khắc phục vấn nạn này, những năm trở lại đây, thành phố đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đấu tranh tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ  và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán  người.

Bùi Hạnh - Phạm Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích