Nỗi niềm nơi tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19: Ở yên trong nhà hơn vạn lời tri ân!

10:07 13/04/2020

“Bạn ở nhà với gia đình bạn để chúng tôi sớm được về với gia đình chúng tôi” lời nhắn nhủ, lời khuyên tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại chất chứa khát khao, mong chờ cháy bỏng ngày được gặp người thân của những nhân viên y tế, CBCS của lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu chống dịch. Những người đã dằn nỗi nhớ niềm thương không chỉ một hai tuần mà tới hơn 3 tháng ròng chưa trở về với gia đình trong trận chiến với COVID-19.

Những chuyến xe đón công dân Việt Nam trở về từ tâm dịch Vũ Hán-Trung Quốc

Gia nhập quân ngũ đến nay đã được 19 năm, làm nhiệm vụ lái xe 29 chỗ thuộc Đội xe Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, nhưng có lẽ những tháng ngày qua sẽ là kỷ niệm khó quên đối với Thượng uý Nguyễn Hải Việt.

Nhận nhiệm vụ tăng cường chở công dân nhập cảnh trở về từ các quốc gia từ 1-2-2020, tức ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch, đến nay đã gần 3 tháng rưỡi, Thượng uý Việt chưa một lần được bước chân về nhà. Sững sờ hơn là chuyến công tác đầu tiên cũng là nhiệm vụ đón công dân Việt Nam trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc-Trung Quốc, vùng tâm dịch lúc bấy giờ. 

Anh Việt không giấu diếm: Tại thời điểm nhận nhiệm vụ đón công dân tại sân bay Vân Đồn-Quảng Ninh, tôi và đồng đội không khỏi băn khoăn vì khi ấy thông tin về số ca nhiễm và người tử vong do dịch COVID-19 tại Vũ Hán đang ở đỉnh điểm với hàng trăm ca mỗi ngày.

Bên cạnh đó, những hiểu biết về các biện pháp phòng chống dịch cũng chưa đầy đủ, thành thói quen như hiện tại. Song, được rèn luyện trong quân ngũ nhiều năm, tôi và anh em hiểu “Quân lệnh như sơn” và ngay lập tức lên đường làm nhiệm vụ.

Thượng uý Nguyễn Hải Việt trong bộ đồ bảo hộ làm nhiệm vụ

Cá nhân tôi vì sợ gia đình ở xa lo lắng nên phải đến khi hoàn thành việc đưa công dân từ Vũ Hán trở về đến điểm cách ly, trên đường về cũng lại là địa điểm cách ly của tôi và đồng đội, tôi mới điện thoại nói chuyện với vợ và dặn không để ông bà, các con biết sẽ lo lắng. Khi ấy, qua điện thoại tôi thấy vợ tôi nghẹn giọng, lặng đi một lúc rồi lại động viên tôi ăn uống, giữ gìn sức khoẻ, theo dõi trong 14 ngày tới xem sao?

Thượng uý Việt cũng cho biết đấy chỉ là tâm trạng của chuyến công tác đầu tiên thôi, còn sau đó thì thấy bình thường. Đến thời điểm hiện tại, anh đã chở hơn 20 chuyến đưa công dân nhập cảnh từ nhiều quốc gia có dịch COVID-19 trên thế giới trở về sân bay Vân Đồn-Quảng Ninh và Nội Bài-Hà Nội.

Phần lớn trong hành trình các chuyến công tác ấy, anh Việt phải ăn, ngủ trên xe, bởi máy bay hạ cánh tại các sân bay khi đã 11, 12h đêm, đưa công dân về đến địa điểm cách ly ở xa như Hoà Bình, Ninh Bình, Nam Định… thì quay trở về cũng là 2, 3 giờ sáng, thế là đành dừng xe bên vệ đường để chợp mắt 15-20 phút cho đỡ mỏi.

Nói về những vất vả của công việc thì người chiến sỹ ấy nói đanh thép rằng đấy là nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng giao phó, phải cố gắng hoàn thành. Nhưng khi hỏi về vợ, con thì giọng trầm lại. Anh Việt tâm sự: “Một lần vợ gọi điện, khóc nói có hàng xóm biết tôi đi chở người từ vùng dịch về thì liền khuyên, bảo chồng đừng về để không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh”. Nghe xong, tôi át đi và động viên, vợ chồng mình sống với nhau, hiểu nhau mới là quan trọng, em đừng bận tâm về những lời nói đó. Việt cũng hào hứng khoe với phóng viên bức thư của cậu con trai gửi cho bố, “Chúc bố mạnh khoẻ, mau sớm được về. Út yêu bố!”

Được biết sau những chuyến đón công dân nhập cảnh từ vùng dịch thì Thượng uý Việt lại chuẩn bị làm nhiệm vụ đưa công dân hoàn thành thời hạn 14 ngày từ các khu vực cách ly tập trung trở về các địa phương. 

Bức thư của con trai là động lực để Thượng uý Việt tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mà quân đội và nhân dân tin tưởng giao phó

Cùng thời điểm bắt đầu làm nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 nơi tuyến đầu với Thượng uý Việt là những ngày đầu tháng 2-2020, nhưng chị Phạm Thị Nhữ-Phó Trưởng Phòng điều dưỡng-BV Việt Tiệp may mắn hơn là được về nhà…18 giờ đồng hồ khi các công dân Trung Quốc cuối cùng nhận được kết quả âm tính với vius SARS-Covid 2. Ngay sau đó, chị quay trở lại làm việc trong Khu cách ly tập trung tại cơ sở 2 BV Việt Tiệp để đón những công dân Hàn Quốc đầu tiên sang làm việc tại thành phố Hải Phòng. 

Khu vực cách ly tập trung tại cơ sở 2-BV Việt Tiệp

Chị Nhữ chia sẻ: Trong khu điều trị và cách ly tập trung tại cơ sở 2 BV Việt Tiệp có khoảng 50 bác sỹ, điều dưỡng thì phần lớn các nữ điều dưỡng tuổi đời còn trẻ, con còn nhỏ, mới ở tuổi mẫu giáo.

Thế nhưng vì nhiệm vụ nơi tuyến đầu trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình, các em đã sẵn sàng lên đường, hàng tháng trời chưa được về với con nhỏ.

Sau một ngày làm việc vất vả với các phần việc từ chuẩn bị phòng, giường, đồ dùng cá nhân cho người thuộc diện cách ly có nguy cơ từ vùng dịch về; cập nhật, rà soát dữ liệu của cả hai đợt cách ly là gần 1.000 người, rồi trực tiếp theo dõi, chăm sóc sức khoẻ… phải đến tối muộn chúng tôi mới dành thời gian điện thoại về nhà.

Có nữ điều dưỡng Đỗ Thị Thu Hằng, sau giây phút động viên bố mẹ, chồng con ở nhà, ngắt điện thoại mới giấu mặt vào trong chăn, cố kìm tiếng khóc vì nhớ con nhỏ lâu ngày. 

Mặc dù, cô con gái lớn năm nay thi đại học, rất cần sự chăm sóc, động viên của người mẹ, song chị Nhữ lại cho rằng mình vẫn là người may mắn vì có hậu phương vững chắc với một người chồng thông cảm, sẻ chia và các con biết tự lập. Cũng vì vậy, chị và một số đồng nghiệp như điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hồi, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hoàng Văn Phú… đã sẵn sàng ở lại khu cách ly trong suốt thời gian qua. 

Chị Phạm Thị Nhữ cùng đồng nghiệp cập nhật dữ liệu công dân thuộc diện cách ly

Thương vợ xa nhà lâu ngày, ông xã có động viên vợ xin phép về nhà với các con mấy hôm và quả quyết “nếu có dính virus thì hai vợ chồng cùng chữa trị”. Thế nhưng chị Nhữ đã phân tích: Thứ nhất ở đây, bệnh nhân cần em. Thứ hai, ở trong khu cách ly, chúng em coi như mình đã dương tính với virus SARS-CoV 2, ra khỏi đây là lại phải tiếp tục cách ly 14 ngày, như vậy cũng chưa được về với gia đình ngay. Còn giả thiết nếu cả hai vợ chồng đều… bị thì ai chăm lo cho các con, nhất là năm nay con thi đại học? Và thế là ông xã đã bị khuất phục!

Thế mới thấy, bên trong người phụ nữ nhỏ bé ấy là bản lĩnh, nghị lực phi thường, ý thức, trách nhiệm về sứ mệnh cao cả của những “lương y”. 

Chị bảo: Đã là bệnh truyền nhiễm thì ai cũng sợ, đó là điều dễ hiểu, thông cảm, nhưng chúng tôi được đào tạo trên trường lớp, lại có kinh nghiệm công tác nhiều năm, vậy chúng tôi không làm thì ai làm?

Cùng với sự quan tâm của người thân, lãnh đạo cơ quan, gần đây cũng có rất nhiều đoàn từ thành phố, Sở Y tế, rồi các tổ chức, đoàn thể đã tới thăm, động viên đội ngũ các bác sỹ, điều dưỡng làm nhiệm vụ trong khu cách ly đã xoá tan mọi mặc cảm và chúng tôi thấy rất ấm lòng.

Sau gần 3 tháng làm việc cùng nhau, đối với chúng tôi bệnh viện là nhà, đồng nghiệp là người thân, cùng chia sẻ, hỗ trợ, động viên nhau dũng cảm, lạc quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà thành phố, nhân dân tin tưởng giao phó, tất cả vì một Hải Phòng bình yên!

Kiểm tra thân nhiệt người cách ly là một trong những công việc thường ngày của các nữ điều dưỡng 

Dù đến thời điểm hiện tại Hải Phòng chưa có ca nào xét nghiệm dương tính với SARS-CoV 2, song thời hạn cách ly chưa hết, mong rằng người dân thành phố Cảng không chủ quan, đồng lòng, quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh. "Bạn ở nhà với gia đình bạn để chúng tôi sớm được về với gia đình chúng tôi” - nếu làm được điều này chính là thể hiện sự đồng cảm, chung tay với những nhân viên y tế, CBCS lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ đẩy lùi dịch COVID-19 nơi tuyến đầu và cũng là trách nhiệm với  sự an toàn của cộng đồng.

Kim Oanh

  

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích