15:17 07/11/2014
Mắt thường chịu nhiều tác động từ môi trường bên ngoài khiến cho mi mắt dễ bị viêm nhiễm, gây nhiều khó chịu cũng như việc điều trị rất dai dẳng… Theo bác sỹ Trần Mạnh Đô, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hải Phòng, biểu hiện của viêm mí là tất cả những viêm nhiễm có liên quan đến mi. Khi bị viêm bờ mí thì cả mí trên và mí dưới được phủ bởi những phần tử có dầu và vi khuẩn bám ở gần chân lông mi, gây kích thích mắt, ngứa mắt, đỏ mắt và có cảm giác như phỏng. Cũng theo bác sỹ Đô, xử lý viêm mí mắt không quá phức tạp nhưng cần chú ý đề phòng bệnh tái phát. Có thể bắt đầu bằng việc vệ sinh mắt mỗi ngày với nước ấm, kết hợp với dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân có thể lấy gạc sạch nhúng vào nước nóng, đắp vào mắt khi nhắm mắt ít nhất 1 phút, làm 2 - 3 lần mỗi ngày. Khi gạc nguội thì nhúng nóng lại, khi đắp gạc nóng như vậy sẽ làm tróc những gàu vảy và cặn bã bám quanh lông mi và làm loãng những tiết chất có dầu ở tuyến nhờn, do đó tránh được viêm tuyến sinh lẹo hay chắp ở mắt. Hoặc cũng thể dùng miếng gạc sạch hay que bông thấm nước nóng chà nhẹ trên hàng lông mi khoảng 15 giây cho mỗi mí. Sau đó người bệnh tra thuốc mỡ kháng sinh như Formmade Tetracycline, Erytromycine vào bờ mí trước khi đi ngủ. Bác sỹ Đô lưu ý, viêm bờ mí có thể là một bệnh kinh niên nên cần phải giữ vệ sinh mắt cho tốt để tránh bệnh tái phát. Ngoài ra cũng phải giữ lông mi cho sạch, cũng như tóc và lông mày bằng cách rửa với xà bông gội chống khuẩn để tránh viêm bờ mí. Vệ sinh mắt tốt nhất bằng cách rửa tay thật sạch, đắp gạc nóng trên mí mắt trong 5 phút. Sau đó dùng miếng tăm bông, khăn mềm hay miếng vải nhỏ nhúng vào nước muối ấm hay xà phòng nhẹ (như xà phòng trẻ em của Johnson) rồi lau nhẹ nhàng quanh bờ mí. Sau đó rửa lại bằng nước sạch… TRẦN VĂN |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024