13:19 02/11/2024 Thảo luận tại hội trường sáng 1-11 về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự thảo Luật đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ sở, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, cũng góp ý nhiều vấn đề, đề nghị tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.
Đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định tại dự thảo Luật đã bảo đảm bao quát phạm vi luật điều chỉnh và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, thống nhất với hệ thống pháp luật, bảo đảm khả thi và không chồng chéo với các hoạt động phòng chống, khắc phục sự cố thiên tai, thảm họa theo Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Hàng hải Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao khi dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung bãi bỏ một số điều khoản theo hướng tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ; phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho cơ sở và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Đồng thời tán thành chủ trương giao Chính phủ ban hành các danh mục dự án, công trình phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan đăng kiểm.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) lưu ý, dự thảo Luật có 20 nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết và nhiều nội dung giao cho các bộ có liên quan triển khai thực hiện. Do đó, để bảo đảm khi luật được ban hành có hiệu lực thi hành ngay thì cần chuẩn bị sớm dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Theo đại biểu Quốc hội, những năm gần đây, các vụ hỏa hoạn xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ hơn đối với công trình đã chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Dẫn đánh giá của các chuyên gia khi có đến 90% cơ sở karaoke, vũ trường đang hoạt động là các công trình được cải tạo từ nhà ở riêng lẻ, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nêu rõ: các công trình cải tạo để làm cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường hầu như không xin phép xây dựng, vì không xin phép nên bỏ qua các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy cần tuân thủ. Đại biểu Tô Ái Vang đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung 1 khoản quy định về trường hợp công trình nhà ở đã chuyển đổi công năng sang kết hợp kinh doanh để bảo đảm cơ sở cho các cơ quan chuyên môn thực thi nhiệm vụ.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho biết, các vụ cháy vừa qua xảy ra khá nhiều và rơi vào hai nhóm nguyên nhân chủ yếu liên quan đến chập điện, hàn xì và các công trình như quán karaoke, vũ trường. Do đó, quy định liên quan đến các nhóm đối tượng này phải được rà soát, bảo đảm chặt chẽ hơn để ngăn ngừa và thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên) đề nghị, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về phòng cháy đối với chung cư cao tầng với lý do đây là những khu vực tập trung đông dân cư, nguy cơ cháy nổ cao, nhiều chung cư cao tầng đã được xây dựng từ lâu, quá trình sử dụng đã hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn bảo đảm yêu cầu.
Đồng thời đề nghị, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng, bảo đảm tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được hiện trường khi xảy ra cháy nổ nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh, nhiều khu dân cư và khu công nghiệp còn thiếu các phương tiện chữa cháy cơ bản như: trụ nước chữa cháy, thiết bị thoát hiểm hay thiết bị chữa cháy tự động...
Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc làm rõ thêm các yêu cầu bắt buộc về bố trí các thiết bị, phương tiện chữa cháy, đặc biệt là ở các khu dân cư và khu công nghiệp. Đồng thời, bổ sung thêm một khoản quy định rõ ràng hơn về việc bắt buộc bố trí các phương tiện chữa cháy, xây dựng hạ tầng đồng bộ và phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, khu công nghiệp ngay trong giai đoạn quy hoạch.
Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) cho biết, tại điểm d, Khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật quy định, cơ quan công an tổ chức thẩm định nội dung quy định tại điểm e, khoản 1 và điểm d, Khoản 3 Điều 15 Luật này đối với thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình, phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy.
Theo quy định trên, cơ quan công an chỉ thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở, không có bước cho ý kiến đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tức là giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Do đó, theo đại biểu Hà Sỹ Huân, với quy định trên sẽ xảy ra trường hợp phải điều chỉnh dự án hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư khi cơ quan công an có ý kiến thẩm định chưa bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của phòng cháy, chữa cháy. Điều này sẽ làm phát sinh thêm thủ tục điều chỉnh, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án.
Mặt khác, quy định trên cũng chưa quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật theo Luật Xây dựng thuộc đối tượng thẩm định về phòng cháy, chữa cháy. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung thẩm định của cơ quan công an ở cả giai đoạn thiết kế tiền dự án và thẩm định đối với công trình dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng khi đối tượng thuộc thẩm định về phòng cháy, chữa cháy cho đầy đủ./.
Hồng Thanh
14:30 23/11/2024
10:16 23/11/2024