Quyết liệt cuộc chiến chống hàng giả - Đề cao quyền lợi của người tiêu dùng

18:41 07/08/2021

Trong công cuộc phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có vai trò hết sức quan trọng, là “cầu nối” giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng và doanh nghiệp, góp phần truyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật quyền lợi của người tiêu dùng, phối hợp giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, cùng với cơ quan chức năng chống nạn hàng gian, hàng giả…

Ông Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố (nguyên Phó giám đốc Sở Công thương thành phố, nguyên Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 song Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố vẫn quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng Cục QLTT, UBND thành phố, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng như: Sở Công thương, Sở Khoa học – Công nghệ thành phố, nhất là với các cơ quan thông tin đại chúng, các doanh nghiệp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng được quy định tại Luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3), Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động.

Điển hình, Hội đã tiếp nhận đơn khiếu nại của người tiêu dùng đề nghị Hội lên tiếng về 2 sản phẩm thực phẩm chức năng dinh dưỡng sử dụng cho người ăn kiêng có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật tại tỉnh Hòa Bình. Hội đã kiến nghị với Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Bộ Y tế, Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương và các cơ quan chức năng, Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình xác minh, điều tra, xem xét rõ vi phạm và tiến hành thu hồi giấy phép 2 sản phẩm nói trên. Thời gian qua, Hội cũng đã tiếp nhận và thông báo đến cơ quan chức năng hàng chục đơn khiếu nại của người tiêu dùng về các sản phẩm mỹ phẩm, hàng gia dụng… có dấu hiệu vi phạm để cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền; cảnh báo rộng rãi về dấu hiệu biến tướng của các “tour du lịch 0 đồng” thực chất là ép mua hàng kém chất lượng với giá cao… 

Về lĩnh vực phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Nguyễn Bình Minh cho rằng, trong thời gian gần đây, tình trạng này vẫn diễn ra hết sức phức tạp, khó lường. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, theo ông Minh, đó là việc phát triển ồ ạt các loại hình “bán hàng online” trên các mạng xã hội. Theo đó, người “bán hàng online” không công khai địa điểm, trụ sở bán hàng, không kê khai thuế, không công khai giá cả (phổ biến là giá “inbox”), cũng không công bố chứng từ kiểm định chất lượng hàng hóa nhưng vẫn quảng cáo bán sản phẩm, còn người mua thì chủ yếu tin vào lời quảng cáo, dẫn đến thực trạng cơ quan chức năng không thu được thuế, người tiêu dùng thì rơi vào cảnh “livestream một đằng – nhận hàng một nẻo”, gây nhiều cảnh dở khóc dở cười, tiền mất, tật mang, thiệt thòi người tiêu dùng phải gánh chịu.

Mặc dù có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung, góp phần phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ nói riêng nhưng hoạt động của Hội đo lường và vảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố gặp không ít khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Bình Minh cho biết, nhân sự của Hội hiện chỉ có vẻn vẹn 4 người chuyên trách (2 lãnh đạo, 2 chuyên viên) nhưng địa bàn hoạt động rất rộng, kinh phí hết sức eo hẹp, không đủ khả năng để tiến hành xác minh, điều tra vi phạm, chủ yếu vẫn là chuyển thông tin người tiêu dùng khiếu nại đến cơ quan chức năng giải quyết, xử lý theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo cũng như phối hợp giữa Hội với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp có lúc còn chưa được quan tâm đúng mức, cũng khiến cho việc thực thi quyền hạn, trách nhiệm của Hội gặp nhiều hạn chế.

 Người tiêu dùng cần trang bị kiến thức để lựa chọn hàng hóa, dịch vụ uy tín, phù hợp (ảnh minh họa)

Về giải pháp phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, từ góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Bình Minh cho rằng, người tiêu dùng trước hết phải có sự “thông thái”, biết chọn lọc thông tin, lựa chọn sử dụng những sản phẩm chính hãng, có uy tín, có thương hiệu. Đặc biệt, người tiêu dùng cần sử dụng “quyền tối thượng” của mình là lên án hay tẩy chay sản phẩm làm giả, sản phẩm kém chất lượng, kiên quyết không vì giá rẻ mà chọn mua, sử dụng “hàng fake, hàng nhái”. Muốn làm được như vậy thì người tiêu dùng phải được trang bị kiến thức, nắm vững quy định của pháp luật về quyền lợi của mình và quy trình xử lý sản phẩm có sai phạm.

Bên cạnh đó là sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, lực lượng chức năng như ngành Công thương, Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế, Hải quan, Biên phòng, các cơ quan chức năng chuyên ngành như: Nông nghiệp&phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Ngân hàng, Tài chính, các cơ quan bảo vệ pháp luật… trong việc phát hiện, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhất là việc quản lý về thuế, chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử, “bán hàng online”. Đặc biệt, Bộ Công thương xây dựng quy trình thống nhất về hóa đơn điện tử, bảo hành điện tử, quy trình độc lập khảo sát, lấy mẫu kiểm tra, công bố của các Hội chuyên ngành, tạo điều kiện giúp các Hội đo lường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát huy được vai trò của mình trong việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, ông Nguyễn Bình Minh cho rằng, các doanh nghiệp và Hội đo lường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin về sản phẩm, nhãn hàng của doanh nghiệp khi có dấu hiệu bị làm giả, bị bán phá giá trên thị trường để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý cũng như thông báo rộng rãi để đông đảo người tiêu dùng nắm được, có phản ứng phù hợp. Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến việc khảo sát thị trường, có bộ phận chuyên trách rà soát tình hình, tiến độ lưu thông sản phẩm của mình trên thị trường, chủ động phát hiện những dấu hiệu bất thường (ví dụ doanh thu, sản lượng sản phẩm chính hãng bị tụt giảm ở một thời gian, một khu vực nhất định) để điều tra, phát hiện cơ sở, tụ điểm làm giả sản phẩm, kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng giải quyết…

“Quan trọng nhất vẫn là ý thức, kiến thức và thái độ ứng xử của người tiêu dùng” - ông Nguyễn Bình Minh chia sẻ. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã quy định. Chỉ có như vậy mới tạo tiền đề xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh hàng hóa an toàn, lành mạnh, đẩy lùi nạn làm hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, góp phần xây dựng văn minh thương mại hiện đại, thuận tiện.

THẾ KHOA

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông