19:56 02/03/2018 Năm 2018, trước nhiều thách thức to lớn cho công tác bảo đảm TTATGT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã xây dựng chương trình Năm an toàn giao thông 2018 với chủ đề "An toàn giao thông cho trẻ em", đặt mục tiêu phấn đấu giảm từ 5% đến 10% ở cả 3 tiêu chí; đặc biệt là giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017. Sáng 28-2, tại Trường Tiểu học Chu Văn An, Lễ ra quân bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2018 được Sở GD-ĐT Hải Phòng tổ chức nhằm tạo khí thế mới trong toàn ngành, thể hiện quyết tâm cao của các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm học 2017-2018...
Một tiểu phẩm do đội tuyên truyền ATGT Trường tiểu học Chu Văn An thể hiện tại lễ ra quân ATGT
Mỗi trường một cách làm
Nằm trục trên phố chính Nguyễn Đức Cảnh, kế bên nhiều cơ sở giáo dục trọng điểm của thành phố, cảnh ùn tắc giao thông trước cổng Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) diễn ra thường xuyên. Thực hiện các biện pháp “mạnh” về ATGT, nhà trường đã triển khai xây dựng “Cổng trường an toàn” làm giảm hẳn cảnh lộn xộn, ùn tắc trong giờ tan học trước cổng trường.
Nhà trường đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông bộ sắt, CATP tổ chức hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông (ATGT) cho các em học sinh trước thềm năm học mới; đồng thời giáo dục ý thức tham gia giao thông cho các em trong các tiết chào cờ, các giờ dạy lồng ghép ở các bộ môn, các chuyên đề, giờ phát thanh măng non...; tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông.
Ngay sau lễ khai giảng năm học 2017-2018, nhà trường triển khai Lễ ra quân xây dựng cổng trường an toàn. Tại đây, học sinh toàn trường được cán bộ CSGT phân tích, khắc sâu cho các em ý thức tham gia giao thông an toàn, phấn đấu mỗi em nhỏ là một tuyên truyền viên về ATGT. Đồng thời, theo “phương án” của nhà trường, học sinh được phân luồng thành 2 làn: đi bộ và đi xe đạp nhằm giảm lượng học sinh cùng một lúc đổ ra đường gây ùn tắc. Số học sinh đi bộ được xếp hàng ra về trước để giải tỏa lượng phụ huynh chờ đón con. Sau đó, số học sinh đi phương tiện xe đạp, xe đạp điện mới tiếp tục ra về theo hướng dẫn.
“Bên cạnh việc giáo dục tuyên truyền, nhà trường cấm và có biện pháp xử lý đối với các em đi xe đạp điện mà không có mũ bảo hiểm. Ngoài nhiệm vụ hướng dẫn phụ huynh, học sinh đi đúng luật, đội giải tỏa cổng trường sẽ ghi sổ để trừ điểm thi đua đối với lớp có học sinh vi phạm, phê bình dưới cờ những học sinh vi phạm, đồng thời nhắc nhở, góp ý các bậc phụ huynh không chấp hành đúng cam kết của nhà trường...”- Cô Trần Thị Thanh Thúy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng) cũng có biện pháp hay để chống ùn tắc giao thông giờ tan học. Cơ sở 1 và cơ sở 2 đều nằm ở trung tâm thành phố, các tuyến giao thông hẹp, các bậc phụ huynh đưa đón con có nhiều xe ô tô nên giờ tan học gây khó khăn cho việc giải tỏa ùn tắc giao thông.
Nhiều năm qua, nhà trường đã tổ chức khoa học, tỷ mỷ những phương án giao thông, cụ thể: phân luồng học sinh các khối lớp về các cổng trường thuộc các tuyến đường khác nhau. Ngoài ra, nhà trường phối hợp với lực lượng công an, tổ chức thanh niên xung kích để hướng dẫn giao thông trước cổng trường; phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để tặng mũ bảo hiểm, tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh. Qua đó, nhiều năm là đơn vị mẫu về đảm bảo ATGT của quận Hồng Bàng và thành phố.
Cô giáo Trường THCS Ngô Quyền hướng dẫn học sinh đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện
Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng cổng trường ATGT
Việc xây dựng các cổng trường an toàn được triển khai đến nhiều trường học trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Phát biểu tại Lễ ra quân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Thị Hòa nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố, Ban An toàn giao thông thành phố, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kiềm chế TNGT đối với học sinh và đạt nhiều kết quả tốt, cụ thể: ý thức tự giác chấp hành Luật giao thông trong thanh thiếu niên, học sinh được nâng lên; dần hình thành văn hóa giao thông trong HSSV.
Các em đã thể hiện là người có văn hóa giao thông, không vi phạm Luật giao thông, không phóng nhanh vượt ẩu, không đi hàng hai hàng ba; không vượt đèn đỏ, không lạng lách đánh võng; luôn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện, khiêm tốn, biết nhường đường... để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và cộng đồng.
Đặc biệt, với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” cùng mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, nhiều trường đã tổ chức chuyên đề “Học sinh với văn hóa giao thông” rất công phu, sinh động, hấp dẫn với các hình thức biểu diễn tiểu phẩm, phiên xử án giả định, các tiết mục múa hát; trưng bày tranh, ảnh, trò chơi, thi trả lời trắc nghiệm nhanh tìm hiểu các kiến thức về luật giao thông.
Qua đó thực hiện mục tiêu hướng đến mỗi học sinh là một tuyên truyền viên nhỏ tuổi, vận động mọi người chấp hành tốt pháp luật, an toàn giao thông, tham gia giao thông có văn hóa, từng bước chung tay cùng cộng đồng vào việc giảm thiểu TNGT, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Nhiều trường học chủ động phối hợp với các ban, ngành của địa phương xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường giờ cao điểm; bố trí giờ học, giờ tan trường hợp lý để tránh ùn tắc giao thong; bố trí chỗ cho phụ huynh đón con; điều tiết việc ra vào cổng trường; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn, như: công an, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, phát huy vai trò đội thanh niên cờ đỏ, xung kích trong bảo đảm ATGT; phối hợp với công an xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT của học sinh.
Học sinh Trường THCS Ngô Quyền được "phân luồng" ngay từ cổng trường
Chung tay vì an toàn giao thông cho trẻ em
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng chỉ ra bên cạnh kết quả đạt được, còn một bộ phận học sinh vẫn còn biểu hiện vi phạm Luật giao thông. Việc đội mũ bảo hiểm ở nhiều nơi, nhiều lúc còn mang tính chất đối phó. Học sinh chỉ đội mũ bảo hiểm từ nhà xe đến hết cổng trường lại để mũ bảo hiểm vào giỏ xe; một số phụ huynh chở con đi học bằng xe máy đội mũ bảo hiểm cho mình song lại không đội cho con; cá biệt vẫn còn học sinh vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng... Một số nhà trường chưa có biện pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm.
Nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng mất an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trên các tuyến đường của thành phố, Tháng hành động an toàn giao thông được phát động trên các trường học toàn thành phố.
Theo đó, ngành Giáo dục - đào tạo Hải Phòng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; rà soát, có giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí, khu vực hay xảy ra ùn tắc, chấm dứt tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường tích cực triển khai các hoạt động ngoại khóa về an toàn giao thông, xây dựng kế hoạch về bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không để xảy ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc…
HẢI HẬU