Sử dụng hiệu quả hoá chất sát trùng trong chăn nuôi, khôi phục sản xuất sau bão số Yagi

15:47 19/10/2024

Bão số 3 (Yagi) quét qua Hải Phòng đã gây ra thiệt hại nặng nề đối với ngành nông nghiệp thành phố nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, bão đã gây tốc mái hàng loạt chuồng trại chăn nuôi, làm hàng triệu con gia súc, gia cầm bị chết và ốm, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Do vậy việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, xử lý môi trường để tiêu diệt mầm bệnh có vai trò quan trọng mang tính cấp bách, cần phải được thực hiện ngay sau khi bão đi qua để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phát sinh dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, góp phần khôi phục lại sản xuất sau bão.

Cần kết hợp các biện pháp sát trùng, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng, bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi

Việc sử dụng hóa chất sát trùng trong chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Khử trùng giúp tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm gây bệnh, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi; giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế, giảm chi phí điều trị bệnh, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm đàn vật nuôi. Vậy làm thế nào để việc sử dụng các loại vật tư hóa chất sát trùng được diễn ra an toàn, đạt hiệu quả cao.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, trong quá trình sử dụng các loại vật tư hóa chất sát trùng, bà con chăn nuôi cần phải nắm vững và lưu ý một số nội dung sau:

Các loại hóa chất sát trùng thường dùng để sát trùng chuông trại, dụng cụ chăn nuôi, máng ăn, máng uống; khử trùng không khí trong chuồng trại; dùng để khử trùng nguồn nước uống cho vật nuôi.

Do đó, để đạt hiệu quả cao, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, bà con nông dân cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Chọn đúng loại hóa chất sát trùng có tính đặc hiệu. Mỗi loại hóa chất có tác dụng diệt trừ một nhóm vi sinh vật nhất định (vi khuẩn, nấm, virus), do vậy người chăn nuôi cần chọn loại hóa chất phù hợp với loại mầm bệnh cần tiêu diệt và có tính an toàn không gây ăn mòn các thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.

Cần đọc kỹ liều lượng, hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm của nhà sản xuất. Trước khi sử dụng bất kỳ chất khử trùng, cần đọc kỹ và hiểu rõ các thông tin trên nhãn, bao bì sản phẩm như tên hoá chất, thành phần, tỷ lệ pha, liều lượng, cách dùng, mức độ độc.

Khi tiến hành pha chế, phải pha chế đúng nồng độ, sử dụng các dụng cụ đo lường chính xác như cân, cốc đong để đảm bảo tỷ lệ pha chế. Lưu ý khi pha thuốc khử trùng cho khoảng 1/3 lượng nước cần dùng vào bình, sau đó từ từ lượng hoá chất cần dùng vào bình, chú ý tránh làm rơi rớt lên nắp, thành bình, dùng que khấy đều, cuối cùng đổ tiếp lượng nước còn lại vào bình và dung que khấy đều.

Về thời điểm sử dụng, cần sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi rồi mới đưa đàn vật nuôi mới vào. Sau khi có dịch bệnh, cần tiến hành sát trùng toàn bộ khu vực bị nhiễm bệnh; định kỳ sát trùng chuồng trại để phòng ngừa dịch bệnh. Không bơm khử trùng vào thời điểm từ 11h -14h trong ngày, khi nhiệt độ thời tiết tăng cao.

                      Cần kết hợp các biện pháp sát trùng, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng, bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi

Về cách thức sử dụng hóa chất sát trùng trong chăn nuôi. Người chăn nuôi cần làm sạch, khô bề mặt trước khi phun sát trùng. Khi phun cần phun đều lên bề mặt các vật dụng, tường, sàn nhà. Nếu thấy cần thiết thì tắm cho vật nuôi; ngâm các dụng cụ chăn nuôi vào dung dịch sát trùng.

Khi bơm khử trùng cần phun xuôi theo chiều gió, phun từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài; phun theo hình chữ Z, lượt sau phun đè lên một phần của lượt trước để thuốc thấm đều lên toàn bộ bề mặt cần khử trùng.

          Mọi hóa chất đều nguy hiểm. Trong quá trình bơm khử trùng, bà con cần phải luôn trang bị bảo hộ cá nhân đầy đủ, giặt quần áo, rửa tay, rửa mặt sau khi sử dụng hóa chất.

Bà con cần mặc quần áo bảo hộ (quân dài, áo sơ mi dài tay), ủng, đeo mặt nạ phòng độc hoặc khẩu tra phòng hóa chất, đeo kính bảo hộ, đội mũ, găng tay (loại dài) để tránh tiếp xúc trực tiếp hóa chất. Sau khi sử dụng, cần vệ sinh cá nhá rửa tay bằng xà phòng và nước sạch...

Mục đích của việc khử trùng là nhằm tiêu diệt những mầm bệnh còn sót lại sau khi vệ sinh. Do vậy, khi khử trùng, bà con chăn nuôi cần phải loại bỏ hoàn toàn chất bẩn trong quá trình làm vệ sinh rồi mới khử trùng vì chất khử trùng chỉ có tác dụng trên các bề mặt sạch; nhiều chất khử trùng bị mất tác dụng bởi các chất hữu cơ.

Sử dụng đúng nồng độ, liều lượng, đảm bảo thời gian tiếp xúc ít nhất 10 phút với bề mặt sạch. Và chỉ sử dụng các chất khử trùng được khuyến cáo như: Chloramine (dùng để khử trùng nước uống, dụng cụ chăn nuôi), Formaldehyde (sử dụng để khử trùng không khí, bề mặt), Hydrogen peroxide (có tính oxy hóa mạnh, diệt được nhiều loại vi sinh vật); bảo quản hóa chất nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.

Tuyệt đối không lạm dụng, sử dụng quá nhiều hóa chất có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe vật nuôi.

Sát trùng chỉ là một trong những biện pháp phòng bệnh. Do đó, người chăn nuôi cần kết hợp với các biện pháp khác như vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, giúp đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, chiến thắng dịch bệnh, bảo vệ sản xuất, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững sau bão…

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông