Tác động của biến đổi khí hậu-Đã ở rất gần!

18:24 30/09/2019

Thạc sỹ Tạ Hữu Thanh-Sở KH&CN thành phố cho biết: Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại. BĐKH tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Và dù không mong đợi, song BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển, an ninh toàn cầu như năng lượng, lương thực, xã hội, việc làm, văn hoá, kinh tế, thương mại, ngoại giao…

 

Theo tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế-OECD, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia trên thế giới bị đe doạ nhiều nhất của BĐKH. Với 125km đường bờ biển, nhiều hòn đảo lớn, nhỏ, Hải Phòng cũng được xem là tâm điểm của hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, dông lốc, đặc biệt là phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn tại các vùng cửa sông, nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn và cả hiện tượng thuỷ triều đỏ tại một số vùng biển.

Đơn cử, tại Trạm hải văn Hòn Dáu, qua đo đạc và lưu trữ thông tin, dữ liệu thì tính trong vòng 50 năm qua, mực nước biển đã dâng lên khoảng 20cm và đã nuốt chửng 35km2. Cùng với mực nước biển dâng là xâm nhập mặn tại các cửa sông. Mùa cạn năm 2018, số liệu đo đạc được về độ mặn tại Trạm thuỷ văn Trung Trang-An Lão lên tới 0,3 phần nghìn, con số mà trong mấy chục năm qua chưa bao giờ xuất hiện. Hệ luỵ là gây rất nhiều khó khăn cho việc lấy nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và cả nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sinh hoạt, sản xuất của toàn thành phố.

Từ thống kê của ngành NN&PTNT thành phố, hình thái thời tiết năm 2018 tại Hải Phòng gây nhiều bất lợi cho người nông dân. Cụ thể, Hải Phòng phải hứng chịu 6 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới, vụ đông bà con phải gánh chịu rét đậm, rét hại, sương muối, trên biển là sóng lớn, sương mù, vụ xuân hè lại nắng nóng gay gắt kéo dài, dông lốc cục bộ…

Hậu quả là suy giảm năng suất, sản lượng lương thực, bên cạnh đó là các loại dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi khiến nhiều vùng nuôi trồng, sản xuất đến các hộ gia đình lao đao, khốn đốn. Thiệt hại của ngành nông nghiệp do thiên tai gây ra trong những năm qua là hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị hư hại, gia súc, gia cầm bị chết, tổng giá trị là hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử như do nắng nóng kéo dài, cộng với nhiệt độ giữa ngày-đêm quá chênh lệch đã khiến hơn 2.000 tấn ngao tại vùng biển Kiến Thuỵ chết hàng loạt.

Chưa hết, bão cộng với sóng to, triều cường đã khiến hàng nghìn m2 kè đá ở khu du lịch Đồ Sơn, hệ thống đê biển Cát Hải, đê hữu Thái Bình, đê tả Văn Úc… bị sạt lở, hư hại và chỉ tính dông sét trong năm 2018 đã làm 3 người chết tại huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng. 

Ở khu vực đô thị, người dân cũng phải gồng mình chống chọi với hiệu ứng nhà kính mỗi mùa nắng nóng, nhiệt độ cao điểm ngoài trời lên tới 55-60 độ C, còn sau những trận mưa xối xả cộng với triều cường thì lại là ngập lụt làm tê liệt giao thông tại nhiều tuyến đường, xáo trộn nhiều hoạt động từ sinh hoạt đến sản xuất kinh doanh.

Nghiêm trọng hơn, có những trận mưa, ngập kéo dài của năm 2018 đã đe doạ sự an toàn của Trạm điện 220KV Đình Vũ. Nếu nước không nhanh rút, phương án ngắt điện của một nửa thành phố đã được cơ quan chuyên môn tính đến.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại cuộc hội thảo tại Hải Phòng gần đây thì BĐKH đã hiện hữu, tác động trực tiếp đến mỗi quốc gia và từng người dân. Đã đến lúc các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về giảm phát thải nhà kính, ứng phó BĐKH và bảo vệ môi trường, từ đó xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. 

Đối với những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, rủi ro thiên tai, cần tăng cường kỹ năng thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân. Cơ quan chuyên môn thường xuyên cung cấp thông tin về khí tượng thuỷ văn và BĐKH đến các tổ chức, cá nhân để họ chủ động trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, từ đó hạn chế tối đa những thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Đặc biệt, để sống chung với BĐKH, các cơ quan nghiên cứu cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để lai tạo, phát triển các giống cây, con chịu được những bất thường của thời tiết, phòng chống dịch bệnh, cũng như xây dựng các công trình phòng hộ đê, kè kết hợp với bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng ngập tại các khu vực cửa sông, cửa biển trên địa bàn thành phố.

Kim Oanh 

   

  

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông