Tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm

12:57 06/09/2020

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 20 tỉnh, thành phố; hiện nay trên địa bàn cả nước còn 5 ổ dịch (4 ổ H5N6, 01 ổ H5N1) tại các tỉnh Trà Vinh, Kon Tum, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Hải Phòng. Tại Hải Phòng, tháng 02/2020 xảy ra ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã tại xã Tân Trào huyện Kiến Thụy; số gia cầm tiêu hủy do dịch là 11.046 con (10.216 con vịt và 830 con gà). Ngày 31/8/2020 xảy ra ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy; tổng số gia cầm ốm, chết, tiêu hủy là 5.751 con.

Để tăng cường công tác phòng, chống, khống chế bệnh cúm gia cầm, hạn chế dịch lây lan gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi trên địa bàn thành phố; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bàn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, quận, các ban, ngành chức năng liên quan, các đơn vị trực thuộc Sở khẩn trương chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Theo đó, Sở đề nghị:

Đối với địa phương chưa có dịch: Tăng cường công tác giám sát dịch tới tận các cơ sở, hộ chăn nuôi; hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng dịch, chăn nuôi an toàn sinh học. Hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu bất thường phải báo cáo chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan. Tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gia cầm theo Thông báo số 32/TB-SNN ngày 26/02/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm tiêm phòng triệt để đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ theo kế hoạch; kiểm tra, rà soát các trang trại chăn nuôi trên địa bàn, hướng dẫn, đôn đốc chủ cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại chủ động thực hiện tiêm phòng bắt buộc vắc xin cúm gia cầm; kiên quyết xử lý các cơ sở chăn nuôi không chấp hành tiêm phòng theo quy định. Triển khai tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo Thông báo số 123/TB-SNN ngày 01/9/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phân bổ hóa chất phòng, chống dịch bệnh động vật và phục vụ công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm đợt 2 năm 2020 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

 

Dịch cúm gia cầm bùng phát trên địa bàn huyện Kiến Thụy

Tăng cường tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh cúm gia cầm và biện pháp phòng chống, nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi; thực hiện không giấu dịch, không bán chạy gia cầm bệnh, không vứt xác gia cầm bừa bãi, không ăn gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín; khi tiếp xúc với gia cầm phải có bảo hộ cá nhân; sau khi tiếp xúc, chế biến gia cầm phải rửa tay bằng nước sạch và xà phòng. Tuyên truyền, vận động người buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm cảnh giác với dịch cúm gia cầm, chủ động khai báo khi phát hiện gia cầm có biểu hiện nghi mắc bệnh cúm; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển, nơi giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Đối với địa phương có dịch: Ủy ban nhân dân các huyện, quận, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; các cơ quan chuyên môn, ban ngành chức năng có liên quan tập trung nguồn lực triển khai chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi có kết quả xét nghiệm dương tính vi rút gây bệnh cúm gia cầm; gia cầm trong vùng dịch có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm; gia cầm nuôi thả rông chưa được tiêm phòng vắc xin cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm theo quy định. Việc xử lý gia cầm mắc bệnh theo hướng dẫn tại Phụ lục 06 được ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Hướng dẫn số 22/HD-SNN ngày 17/02/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Phương pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; tiêu hủy, giết mổ bắt buộc đối với động vật mắc bệnh; Hướng dẫn số 23/HD-SNN ngày 17/02/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở động vật. Thành lập chốt kiểm dịch tạm thời, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ, không cho vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra - vào vùng có dịch.

 

 

Các nghành phối hợp bàn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm

Thực hiện khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy gia cầm bệnh 1 lần/ngày liên tục trong 07 ngày. Khử trùng, tiêu độc khu vực xung quanh 02 lần/tuần. Đồng thời triển khai tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc. Thống kê tổng đàn gia cầm nuôi trên địa bàn xã, tổng hợp số lượng gia cầm, thuỷ cầm đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm còn thời hạn miễn dịch và số lượng gia cầm, thuỷ cầm chưa tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm hoặc tiêm phòng nhưng đã hết thời gian bảo hộ miễn dịch theo quy định, chuẩn bị triển khai tiêm phòng bao vây ổ dịch. Triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm bao vây ổ dịch theo quy định tại Hướng dẫn số 23/HD-SNN 17/02/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở động vật.

Thông báo cho các hộ, các thôn, xã xung quanh về tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm. Yêu cầu các hộ nuôi nhốt quản lý chặt chẽ đàn gia cầm, không thả rông gia cầm và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch theo quy định. Yêu cầu các hộ chăn nuôi tạm ngừng nuôi mới gia cầm; không giết mổ gia cầm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, phát hiện, báo ngay các trường hợp gia cầm ốm, chết, nghi mắc bệnh về Chi cục Chăn nuôi và Thú y và thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định. Tăng cường giám sát dịch cúm gia cầm trên người, đặc biệt tại hộ có gia cầm ốm, chết và tiêu hủy do dịch; phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh báo cáo cơ quan Y tế theo quy định...

Ủy ban nhân dân các huyện, quận tổng hợp tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn, báo cáo về Chi cục Chăn nuôi và Thú y trước 16 giờ hàng ngày, để tổng hợp báo cáo theo quy định phòng chống dịch hiện hành.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, dập tắt không để dịch Cúm gia cầm lây lan rộng. Cung cấp kịp thời vắc xin, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố theo các Thông báo số 32/TB-SNN ngày 26/02/2020 và Thông báo số 123/TB-SNN ngày 01/9/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng thời bố trí cán bộ, vật tư thường trực phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn thành phố. Tiếp tục tổ chức lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút cúm gia cầm; phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, quận triển khai các biện pháp chống dịch kịp thời khi phát hiện mẫu dương tính vi rút Cúm gia cầm. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào thành phố tại Trạm kiểm dịch động vật cố định Cầu Đá Bạc - Thủy Nguyên; thường trực 24/24 giờ, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm bệnh, không rõ nguồn gốc, nghi ngờ nhập lậu, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Tổng hợp tình hình bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố và Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 17 giờ hàng ngày.

Các đơn vị trực thuộc Sở: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện nghiêm các nội dung phòng, chống dịch bệnh động vật nêu trên...

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông