Thẩm định Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050

22:36 10/07/2023

Chiều 10-7, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh họp thẩm định Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí  Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị

Đồng chí  Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì. Cùng dự có các thành viên Hội đồng thẩm định; các chuyên gia phản biện…

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng dự hội nghị

          Về phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng; Bùi Đức Quang, Phó chủ tịch HĐND thành phố; lãnh đạo các Ban HĐND thành phố; các ngành thành phố…

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại hội nghị

          Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố và đặc biệt là sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành liên quan. Đến nay,  Hải Phòng  cơ bản hoàn thành việc lập hồ sơ Quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định cho ý kiến.

          Quá trình tổ chức lập Quy hoạch, thành phố đã triển khai nghiêm túc theo Luật Quy hoạch, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.

Các đại biểu dự hội nghị

          Thành phố đã tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương; lấy ý kiến các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng; tổ chức hội thảo chuyên đề lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các Hiệp, hội, doanh nghiệp; hội nghị phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; đăng tải công khai để lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan. Đồng thời, đã xin ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ.

Các ý kiến tham gia vào Quy hoạch  được thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư; đơn vị tư vấn lập Quy hoạch thành phố nghiêm túc tiếp thu để chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung hồ sơ Quy hoạch thành phố.

Lãnh đạo các ngành thành phố dự hội nghị

          Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, với vị thế chiến lược là cửa ngõ chính ra biển của các địa phương miền Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế, Quy hoạch thành phố Hải Phòng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển đưa Hải Phòng trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả khu vực và cả nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị; là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

 Đặc biệt, Quy hoạch thành phố đã định hướng xây dựng cảng Nam Đồ Sơn; thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng gắn với Khu Thương mại tự do ven biển phía nam Hải Phòng; kết nối với đường cao tốc ven biển, sân bay Tiên Lãng nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, mở rộng không gian phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng.

Các chuyên gia phản biện đóng góp ý kiến vào Quy hoạch

          Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia phản biện đánh giá cao chất lượng xây dựng Quy hoạch của Hải Phòng, cơ bản đáp ứng yêu cầu hiện nay; đã bám sát các nghị quyết của Bộ Chính trị; định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể quốc gia; cụ thể hóa được các quy hoạch ngành quốc gia để tích hợp đầy đủ các nội dung, định hướng phát triển vào các ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn thành phố.

Đại diện Bộ, ngành Trung ương đóng góp ý kiến vào Quy hoạch

Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến, đề nghị  làm rõ, bổ sung một số vấn đề lớn như phát triển đô thị thông minh; luận giải kỹ hơn về các khâu đột phá theo hướng  cảng biển- logictics, công nghiệp,đô thị; làm rõ hơn phương án thành lập Khu Kinh tế ven biển nam Hải Phòng; về phần diện tích lấn biển mở rộng Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải; bổ sung các ngành công nghiệp có tính chất phát triển bền vững; làm rõ mô hình công nghiệp- dịch vụ hay dịch vụ- công nghiệp; chỉ rõ hơn định hướng phát triển logictics tương xứng với vai trò vị thế và trung tâm vùng; chú trọng phát triển đường sắt đô thị, khai thác không gian ngầm; cân nhắc quỹ đất phát triển các khu du lịch; đề xuất phương án liên kết vùng, liên kết không gian; rà soát kế hoạch phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng thông minh…

Các ý kiến cũng đề nghị Hải Phòng phải phân tích và thể hiện rõ hơn về việc người dân được hưởng lợi như thế nào từ tăng trưởng kinh tế. Về mục tiêu trở thành thành phố hàng đầu châu Á và thế giới thì lựa chọn nhóm thành phố nào để phấn đấu…

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng kết luận hội nghị

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao thành phố Hải Phòng đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng và lập Quy hoạch. Đồng thời nhấn mạnh, đây là cơ hội quý để đánh giá lại quá trình phát triển, nhận diện rõ đâu là tiềm năng, đâu là điểm nghẽn, rào cản; xác định thời gian tới sẽ làm gì để tận dụng các cơ hội phát triển với tư duy mới, tầm nhìn mới.

Theo đồng chí Bộ trưởng, Hải Phòng có nhiều thuận lợi trong xây dựng và lập Quy hoạch và xác định được những động lực tăng trưởng mới. Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng nên cách tiếp cận về quy hoạch cũng phải có tư duy, tầm nhìn khác biệt hơn để huy động nhiều hơn sự đóng góp vào quá trình phát triển đất nước…

Đồng chí Bộ trưởng đồng tình cao với định hướng phát triển Khu Kinh tế mới; Khu Thương mại tự do; định hướng Hải Phòng nên tập trung vào các khâu đột phá gồm cảng biển, logictics, công nghiệp, đô thị…

Đồng chí Bộ trưởng yêu cầu Hải Phòng rà soát lại các quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển, bảo đảm phù hợp với các nghị quyết 45; nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; Quy hoạch tổng thể quốc gia; thống nhất quan điểm phát triển Hải Phòng là thành phố Cảng biển lớn, trung tâm công nghiệp; đi đầu cả nước về sự nghiệp CNH- HĐH, phát triển kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi số; có đô thị thông minh, bền vững; tăng trưởng kinh tế nằm trong top đầu cả nước, đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng, phấn đấu mức tăng trưởng GRDP đạt 14,5% trở lên…

Đồng chí Bộ trưởng Bộ KHĐT  lưu ý Hải Phòng tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại hội nghị, bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch, bảo đảm chất lượng cao, có tầm nhìn xa, gánh vác được trọng trách lớn lao của Hải Phòng  đối với sự phát triển của vùng và cả nước.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng tiếp thu các ý kiến đóng góp

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố trân trọng  cảm ơn các ý kiến đóng góp tại hội nghị. Đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện nội dung Quy hoạch thành phố đảm bảo chất lượng, hiệu quả nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điểm nổi bật của Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đã kịp thời cụ thể hoá chủ trương, định hướng mới tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9-1-2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năn 2050; Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8-2-2023 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bám sát định hướng xây dựng và phát triển thành phố theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị.

Quy hoạch đã xác định được các định hướng, tư duy đột phá để phát triển thành phố Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.

Quy hoạch đã xác định mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2030: Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; có dịch vụ phát triển hiện đại, là trung tâm du lịch biển quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không và đường thủy nội địa; trung tâm logistics quốc tế hiện đại; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

          Trong thời kỳ quy hoạch này, thành phố tập trung thực hiện 3 đột phá phát triển gồm cảng biển và logictics; chuyển đổi số; du lịch.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới, thành phố hàng hải toàn cầu với ba trụ cột phát triển chính: dịch vụ cảng biển; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao, môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngang tầm với các thành phố cảng hàng đầu châu Á và thế giới.

Nhằm sắp xếp, bố trí không gian hợp lý, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, khắc phục xung đột phát triển giữa các ngành kinh tế trụ cột, Quy hoạch thành phố Hải Phòng bố trí không gian phát triển thành phố theo 4 vùng chức năng:  Công nghiệp - cảng biển;  Du lịch; Nông nghiệp cân bằng sinh thái và Vùng biển - hải đảo.

Trên cơ sở phân vùng chức năng, tập trung phát triển các vùng có vai trò động lực gồm: Trung tâm cảng biển, logistics, công nghiệp, thương mại, tài chính (gắn với Khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, đô thị mới….); Trung tâm đô thị lịch sử (thương mại, du lịch…), chỉnh trang bảo tồn, tôn tạo các không gian, các công trình kiến trúc có giá trị cao, cải tạo cảnh quan, nâng cấp hạ tầng để tạo dựng được bản sắc của một đô thị có bề dày lịch sử; Trung tâm hành chính - chính trị tập trung tại khu đô thị mới (Bắc sông Cấm); Trung tâm du lịch (Đồ Sơn, Cát Bà…).

Đồng thời hình thành trung tâm đô thị mới khu vực nam Đồ Sơn. Sau năm 2025, mở rộng không gian phát triển khu kinh tế về phía nam gắn với xây dựng Khu kinh tế ven biển phía nam thành phố Hải Phòng trên địa bàn quận Đồ Sơn, các huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy và Vĩnh Bảo; ưu tiên phát triển các dự án khu, cụm công nghiệp, trung tâm logictics tầm cỡ quốc tế, các khu đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường nối với tuyến đường bộ ven biển, tận dụng lợi thế của khu vực cảng nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng./.

                                                                                                   Tin: Hồng Thanh- Ảnh: Đàm Thanh

  

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông