20:57 08/09/2024 Ngày 22/9/1944, tại Đầm Bầu (thôn Kính Trực, xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Kiến Thụy đã được thành lập, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng trong vùng và tình thế mới xuất hiện – thời kỳ trực tiếp chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.
Tháng 4 năm 1937, Thành ủy Hải Phòng được khôi phục, tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ sở cách mạng được xây dựng và từng bước lan sang vùng nông thôn tỉnh Kiến An. Giữa năm 1937, đồng chí Vũ Quý – một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tổ chức đảng ở Hải Phòng cùng đoàn Hướng đạo sinh về Kiến Thụy cắm trại tại Núi Đối và trường học làng Kim Sơn, Kiến Thụy. Đoàn đã tổ chức các buổi diễn kịch, đá bóng, chơi cờ, đọc sách báo, nói chuyện về lịch sử và truyền thống chống ngoại xâm của ông cha ta…, thanh thiếu niên, học sinh nhiều nơi trong huyện kéo đến tham gia rất đông. Tại đây, đồng chí Vũ Quý đã tuyên truyền, giác ngộ được một số thanh niên yêu nước tiến bộ như đồng chí Đoàn Đắc Riễm ( tức Hồng Vân), Nguyễn Đức Bạn (tức Kim Tái).
Tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, địch ra sức càn quét đàn áp các phong trào cách mạng. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, giữ vững tổ chức, tránh tổn thất và chuyển trọng tâm công tác về nông thôn. Hoạt động chủ yếu của thời kỳ này là bí mật tuyên truyền gây dựng cơ sở, rải truyền đơn, chống sưu cao, thuế nặng…
Cuối tháng 3 năm 1943, tại núi Đấu thị xã Kiến An, những cán bộ chủ chốt của phong trào cách mạng Hải Phòng, Kiến An tổ chức hội nghị đánh giá tình hình và triển khai những việc cấp bách: phát triển tổ chức Việt Minh, xây dựng lực lượng tự vệ, chú ý phối hợp hoạt động giữa hai địa bàn nông thôn và thành thị… Cũng thời gian này, đồng chí Vũ Quý, người có công gây dựng phong trào cách mạng ở Kiến Thụy bị lộ phải chuyển vùng công tác. Cơ quan Thành ủy Hải Phòng bị địch phá vỡ liên tục, chưa có điều kiện lập lại nên Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo. Tháng 5 năm 1943, đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh (tức Yên), đồng chí Viện được Xứ ủy cử về phụ trách phong trào cách mạng Hải Phòng – Kiến An và vùng mỏ. Đồng chí Vĩnh đã lựa chọn, tổ chức kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ, có 5 đồng chí, gồm đủ các thành phần công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị…
Trước những chuyển biến nhanh của tình hình mới, gấp rút chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa, nhiểu cán bộ có kinh nghiệm được tăng cường về các địa phương. Tháng 8 năm 1944, sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, đồng chí Phạm Thuyên (tức Mai Côn) được Xứ ủy cử về Hải Phòng - Kiến An chỉ đạo phong trào cách mạng thay đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh. Đồng chí Thuyên chuyển cơ quan từ Cựu Viên, Kha Lâm (nay thuộc quận Kiến An) về khu vực Kim Sơn, Kính Trực, Lão Phong (Kiến Thụy). Tại đây, đồng chí mở những lớp huấn luyện chính trị đào tạo gấp cán bộ cho tỉnh, thành phố. Lớp đầu tiên mở tại làng Lão Phong, gồm 10 học viên, trong đó có các đồng chí Đoàn Đắc Riễm, Nguyễn Đức Bạn, Đặng Quang Chất, Đặng Bá Thỏa, Nguyễn Gia, Đinh Văn Ất... thời gian học 7 ngày. Sau học tập, các đồng chí đã tích cực hoạt động, thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ hơn.
Được đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh bàn giao cụ thể và đã có một tháng hoạt động tại địa phương, đồng chí Phạm Thuyên đã lựa chọn những nhân tố tích cực nhất để kết nạp vào Đảng và tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản. Chi bộ gồm các đồng chí Đặng Quang Chất (Đặng Đình Thủy), Đinh Văn Kỷ (Thành Nam) và Đặng Quang Mạc (Đặng Quang Thiết). Đồng chí Đặng Quang Chất được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Đây là lớp đảng viên Hoàng Văn Thụ và là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ra đời ở huyện Kiến Thụy.
Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện ra đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng trong vùng và tình thế mới xuất hiện - thời kì trực tiếp chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Đầm Bầu đã đi vào lịch sử cách mạng và kháng chiến của xã Tân Phong nói riêng, huyện Kiến Thụy nói chung như một “địa chỉ đỏ”, đánh dấu sự ra đời và vai trò lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Kiến Thụy trong tiến trình lịch sử. Với ý nghĩa lịch sử trọng đại đó, ngày 11/5/2005, UBND thành phố Hải Phòng đã công nhận Đầm Bầu là Di tích lịch sử cấp thành phố.
LIÊM ĐOÀN
10:11 20/10/2024
18:35 17/10/2024