Bàn giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

17:13 20/08/2024

Sáng 20/8, tại khách sạn Dream Dragon Resort - Khu Du lịch quốc tế Đồi Rồng, UBND quận Đồ Sơn tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Đồng chí Trần Khắc Kiên - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cùng Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đông đảo các Nhà khoa học, nghiên cứu, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan.
Đồng chí Trần Khắc Kiên – Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Khắc Kiên – Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn là lễ hội mang những nét đặc sắc riêng biệt có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ thần Điểm Tước Đại Vương, vị thần của mảnh đất Đồ Sơn; có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với những yếu tố văn hoá của cư dân ven biển, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ hiến sinh.

Cùng với chiều dài lịch sử và sự phát triển của vùng đất, con người Đồ Sơn, Lễ hội đã khẳng định giá trị văn hoá tâm linh, sức sống nội sinh, bền lâu, mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của Nhân dân. Ngày nay, Lễ hội không chỉ là Di sản văn hoá quý báu mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của cả nước nói chung và của vùng đất Đồ Sơn, Hải Phòng nói riêng. Với những nội dung mang giá trị độc đáo của mình, ngày 27/12/2012, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Đồ Sơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển Lễ hội cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh – Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển  phát biểu tham luận tại Hội thảo

Qua 35 năm khôi phục và phát triển, Lễ hội đã không ngừng được hoàn thiện, nâng cao về quy mô, nâng tầm về chất lượng, đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian, những giá trị văn hoá truyền thống của “tiền nhân” để lại. Bên cạnh những thuận lợi trong việc khôi phục và phát triển, Lễ hội cũng gặp không ít những khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2018, thực hiện Nghị định của Chính phủ về quản lý và tổ chức Lễ hội, quy định không được bán vé nên công tác tổ chức, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí cũng như việc kiểm soát và đảm bảo an toàn cho du khách đến lễ hội.

Trước tình hình đó, quận Đồ Sơn đã xây dựng các phương án huy động kinh phí để tổ chức (từ các chủ trâu, ủng hộ cá nhân, tổ chức trên địa bàn quận, trong và ngoài Thành phố; kết hợp doanh nghiệp lữ hành…). Tuy nhiên các nguồn huy động này đều mang tính chất không ổn định, thiếu bền vững và gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến công tác tổ chức, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội.

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, một trong những đặc điểm nổi bật của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là tính cộng đồng liên làng với triết lý: “Trống mọi làng cùng đánh, Thánh mọi làng cùng thờ” để tưởng nhớ công ơn của các vị thần để cầu nguyện cho “nhân khang, vật thịnh” dự trên tổ chức hành chính là Tổng Đồ Sơn cũ, Lễ hội cũng góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, duy trì kỷ cương làng xã và phân chia quyền lợi theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, làm rõ các nội dung: Thực trạng công tác quản lý và tổ chức Lễ hội chọi trâu hiện nay; Việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn; Lễ hội chọi trâu và sự nuôi dưỡng tinh thần thượng võ của người Việt; Khai thác giá trị văn hóa của Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn trong xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển KT-XH của TP Hải Phòng; Lễ hội chọi trâu với phát triển du lịch; Vai trò của Nhân dân trong Lễ hội chọi trâu - Nơi lưu giữ "hồn cốt" của dân tộc, tinh hoa của Lễ hội...

Với sự tham gia, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học của Trung ương, thành phố Hải Phòng và quận Đồ Sơn; các nghệ nhân dân gian, các ông chủ trâu.., Hội thảo đã tạo nên góc nhìn toàn diện, đẩy đủ về những kết quả đạt được trong 35 năm khôi phục và phát triển. Đồng thời khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong công tác tổ chức, bảo tồn, phát huy giá trị của Lễ hội và đề xuất các hướng giải quyết căn cơ trong thời gian tới.

 LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích