Thiếu nước sinh hoạt trên đảo Bạch Long Vỹ: Sẽ cấp nước ngọt miễn phí nếu tiếp tục hạn hán

13:23 20/04/2017

Từ cuối năm 2016 đến nay, lượng mưa trên huyện đảo Bạch Long Vỹ rất hạn chế khiến các loại giếng khoan, giếng đào và bể chứa nước mưa cạn dần. Hàng trăm đơn vị, lực lượng vũ trang, hộ dân và ngư dân trên đảo lâm vào cảnh khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, hồ chứa nước ngọt với dung tích 60.000 m3 vẫn chưa đi vào hoạt động.

Khốn khổ vì thiếu nước ngọt

Bà Vũ Thị Chanh, ở khu dân cư cụm 1 Bạch Long Vỹ, cho biết, đã 20 năm ra đảo, nhưng đây là lần đầu tiên gia đình bà lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng như vậy, mọi thứ liên quan đến nước ngọt đều phải sử dụng tằn tiện hết mức, ngay cả việc tắm giặt hàng ngày cũng phải cắt bớt.

Nói về nguyên nhân thiếu nước ngọt, bà Chanh cho rằng, từ cuối năm 2016 đến nay trên đảo không có một trận mưa đáng kể nào, chỉ có 1 trận mưa nhỏ kéo dài hơn 1h đồng hồ, nhưng chừng đó không đủ để ngấm cát. Vì thế, các bể chứa nước mưa, giếng khoan, giếng đào trên đảo đã cạn kiệt. Chỉ có những giếng đào sâu trên 20 mét của các đơn vị, lực lượng vũ trang, giếng nước chung của khu dân cư là còn nước, nhưng số lượng rất hạn chế, nếu khai thác tối đa cũng chỉ được 3-5 m3/ngày. Tình trạng này kéo dài thêm dăm bữa, nửa tháng thì các giếng này cũng sẽ cạn kiệt, nhân dân địa phương không biết lấy nước ngọt ở đâu để sinh hoạt.

Cũng lâm vào cảnh khốn đốn vì thiếu nước ngọt sinh hoạt, chị Cao Thị Tin, ở khu dân cư Thanh niên xung phong, than ngắn, thở dài: Nguồn nước giếng và nước mưa dự trữ đã cạn kiệt nên hiện tại nước nấu ăn, nước uống các gia đình buộc phải sử dụng nước lọc mua với giá 20.000 đồng/bình (19L). Trong khi đó, nước dùng để tắm, giặt, rửa rau… phải mua ở những nhà giếng còn nước. Tuy nhiên, việc mua bán nước cũng không dễ dàng gì, phải nhờ vả, hoặc “đặt gạch” mới mua được.

Chị Tin cũng cho biết thêm, giá mua nước tại giếng là 50.000 đến 100.000 đồng/m3. Nếu mua 1 téc gần 4m3 và thêm công chở 400.000 đồng thì giá nước lên tới hơn 150.000 đồng/1m3. Nước đắt như vậy nên gia đình phải dùng hết sức tằn tiện. Quần áo thay ra chỉ dám giặt 1 đến 2 lần/tuần, mỗi lần giặt như vậy chỉ xả nước 1 lần, sau đó ngâm với nước xả vải rồi phơi lên là xong.

Còn chuyện tắm giặt thì thật bi hài, gió cát là vậy nhưng 2 đến 3 ngày mới được tắm một lần, những ngày khác thì chỉ dám dùng khăn ướt lau người…

 Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên bờ đã vậy, dưới tàu, ngư dân còn khổ hơn nhiều. Họ phải mua nước ngọt từ tàu, thuyền dịch vụ với giá 250.000 đồng/m3. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng mua được nước, do đó tàu thuyền về Bạch Long Vỹ tránh trú cũng giảm đi trông thấy, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá và sản xuất, kinh doanh, buôn bán trên đảo.

Đã có giải pháp

Trao đổi với ông Đỗ Đức Hoà, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ, được biết: Tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô thường xuyên xảy ra trên đảo. Tuy nhiên, năm nay thời gian không có mưa kéo dài hơn khiến đời sống bà con nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Trước mắt, lãnh đạo huyện vận động, tuyên truyền nhân dân sử dụng nước ngọt tiết kiệm, cũng như phát huy tinh thần tương thân, tương ái chia sẻ nguồn nước ngọt còn lại. Nếu 2 tháng nữa trời tiếp tục hạn hán, huyện sẽ thuê tàu vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra cấp miễn phí cho bà con.

Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ cũng cho rằng, việc cung cấp nước ngọt tránh hạn chỉ là giải pháp tạm thời giúp bà con nhân dân và ngư dân yên tâm giữ đảo, vươn khơi bám biển. Về lâu dài, khi dự án hồ chứa nước ngọt trên đảo Bạch Long Vỹ với dung tích gần 60.000 m3 hoàn thiện, sẽ bảo đảm cấp nước ngọt đủ cho hơn 500 người dân đang sinh sống trên đảo cũng như các tàu thuyền ra vào, neo đậu tránh trú bão trong khu vực âu cảng. 

Bảo Nguyên

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông