Thừa thầy, thiếu thợ

10:58 16/08/2017

Năm 2007, Hải Phòng mới chỉ có 3 khu công nghiệp. Đến năm 2017, theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, thành phố có 17 khu CN, trong đó 8 khu đã, đang xây dựng hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Khu CN Tràng Duệ

Cùng với sự nỗ lực trong công tác xúc tiến đầu tư của thành phố thì những năm gần đây, nhiều tập đoàn lớn, thương hiệu nổi tiếng đến từ những quốc gia phát triển là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc như GE, LG, Bridgstone, Chevron, Fuji, Nippro Pharma… cũng đã chọn Hải Phòng là nơi “đất lành” để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê mới nhất, hiện tại các khu kinh tế, khu CN trên địa bàn thành phố đã thu hút 239 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 11,3 tỷ USD.

Các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động giải quyết một lượng lao động đáng kể với khoảng 87.000 người của Hải Phòng và các tỉnh lân cận là Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình…

Đơn cử như Cty Reginal Miracle International tại khu CN VSIP cần khoảng 30.000 lao động, Cty LG Display tại khu CN Tràng Duệ dự tính tuyển 20.000 người làm việc trong lĩnh vực lắp ráp, chế tạo các thiết bị, linh kiện điện tử…

Giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đảm bảo an sinh xã hội là điều rất mừng, song theo phản ánh của một số lãnh đạo các địa phương thì tại các khu kinh tế, khu CN đang tồn tại một nghịch lý… thừa thầy, thiếu thợ.

Thực tế là, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phần lớn tuyển dụng lao động phổ thông, sau đó sẽ đào tạo chuyên môn từ đầu cho đến khi làm việc thành thạo.

Thậm chí có doanh nghiệp còn đưa một số lao động Việt Nam sang nước của nhà đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc để nâng cao tay nghề rồi lại quay trở lại dự án tại Hải Phòng để làm việc. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về tuyển dụng lao động phổ thông, không ít cử nhân đã phải…giấu tấm bằng đại học-thành quả của 4,5 năm đèn sách?!

Câu chuyện thừa thầy, thiếu thợ không phải bây giờ mới nói. Song, đã đến lúc việc hướng nghiệp cho lực lượng lao động trẻ phải được thực hiện ngay từ những năm ngồi trên ghế nhà trường của bậc THPT.

Đại học không phải là con đường duy nhất để có được một công việc trong tương lai. Việc học nghề, làm nghề để có thu nhập không được xem là “thấp”, là “tủi”, là…cực chẳng đã. Có xoá tan được quan niệm đó mới từng bước cân bằng cán cân cung-cầu lao động và không… lãng phí tiền bạc, công sức của gia đình, xã hội. 

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích