Thực hiện chủ trương phá sản Cty chế biến thuỷ sản xuất khẩu Hải Phòng-Khắc khoải một thương hiệu

20:20 21/09/2017

Thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp (DN) nhà nước trên địa bàn thành phố, thời gian qua Hải Phòng đã triển khai đúng tinh thần chỉ đạo, quy định. Hầu hết các DN sau khi sắp xếp lại đã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hiệu quả. Song, bên cạnh đó cũng có DN nhiều năm nay “dở khóc, dở cười”, sống thì không “khoẻ” mà cũng chưa thể…xoá tên, khiến hàng ngàn lao động thấp thỏm, khắc khoải.

                                                                                Sản xuất tôm, cá giống

Thời hoàng kim

Ngược thời gian, tiền thân của Cty chế biến thuỷ sản xuất khẩu Hải Phòng hiện nay là Cty hải sản Hải Phòng trước đây, được thành lập từ năm 1958, là DN 100% vốn nhà nước. Trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển, Cty đã tạo lập được thương hiệu, uy tín trong nước và quốc tế.

Từ sản xuất giống, nuôi trồng, khai thác, thu mua, chế biến các sản phẩm nông thuỷ sản, vật tư thiết bị nghề cá…DN không chỉ cung cấp trên địa bàn thành phố mà còn nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm nông, thuỷ sản được xác nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” như Nhật, Mỹ, châu Âu…

Đến tháng 9-2005, thực hiện quyết định của UBND TP tiến hành sáp nhập 7 DN hoạt động trong lĩnh vực thuỷ sản vào Cty chế biến thuỷ sản xuất khẩu để hình thành Cty mới với tổng tài sản trên 200 tỷ, quản lý, sử dụng gần 1000ha đất nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), kinh doanh, dịch vụ với trên 900 lao động thường xuyên và hàng ngàn lao động xã hội đi kèm.

Cũng kể từ thời gian đó đến nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ, thành phố, Cty đã tiến hành cổ phần hoá 4 đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp dịch vụ và khai thác thuỷ sản Hải Phòng, XN giống thuỷ sản, NM chế biến thuỷ sản F42 và XN dịch vụ NTTS Đồ Sơn.

Sau khi cổ phần hoá (CPH) các đơn vị trên đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ hiệu quả cao, không ngừng phát triển, từ chỗ thua lỗ không nộp được ngân sách thì nay mỗi năm đã đóng góp cho ngân sách thành phố hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động thu nhập ổn định, đảm bảo an sinh xã hội và không để xảy ra khiếu kiện.

                                                                               Đầm NTTS 

Những trăn trở, khắc khoải

Hiện nay, cùng với hệ thống các phòng chức năng thì Cty chế biến thuỷ sản xuất khẩu Hải Phòng còn 4 chi nhánh trực thuộc là XN NTTS Kiến Thuỵ, XN dịch vụ và xây dựng thuỷ sản Đồ Sơn, XN NTTS Đình Vũ và XN tư vấn và đầu tư xây dựng thuỷ sản.

Cty quản lý trên 400 ha đất NTTS tại các địa phương là Dương Kinh, Ngô Quyền, Hải An, Tiên Lãng, Đồ Sơn và tổng giá trị tài sản trên 150 tỷ đồng gồm nhà xưởng chế biến, hạ tầng vùng NTTS…

Tuy vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận thì Cty cũng còn không ít tồn tại. Trong báo cáo mà Cty gửi UBND TP mới đây nhất vào cuối tháng 8 vừa qua thể hiện rất rõ: Khi CPH 4 đơn vị trực thuộc, một số khoản vay của các đơn vị trước khi sáp nhập không được đưa vào tính giá trị DN để CPH, mà lại chuyển về Cty làm tăng công nợ của Cty, đặc biệt là lãi suất quá hạn ngân hàng.

Vì vậy, các quan hệ với ngân hàng và các tổ chức tín dụng bị đóng băng, Cty không có vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh, hệ luỵ cũng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước.

Trong khi đó, một số dự án Cty đang triển khai, chưa đưa vào vận hành để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng và tái đầu tư thì đã phải bàn giao để thực hiện các dự án như sân gofl Đồ Sơn, sân bay quốc tế Tiên Lãng, khu CN Đình Vũ…Nghiêm trọng hơn là Cty nợ tiền lương, bảo hiểm của CBCNV từ tháng 5-2017 đến nay. Trước thực trạng trên, DN đang đứng trước nguy cơ… phá sản.

Ông Ngô Văn Linh-Giám đốc XN dịch vụ và xây dựng thuỷ sản Đồ Sơn bày tỏ lo ngại: Trước thông tin thực hiện phá sản Cty, người lao động rất hoang mang, vì phần lớn là lao động lành nghề, gắn bó từ 15-20 năm. Hiện, bên cạnh việc chế biến thuỷ sản, lực lượng lao động còn phục vụ các loại thiết bị vật tư cho đội tàu đánh cá khoảng 500 chiếc gồm đá sạch, xăng dầu, thu mua cá, tôm…Nếu cty phá sản hàng trăm lao động không biết đi đâu, làm gì?

Còn ông Trịnh Quốc Toản-Giám đốc XN NTTS Kiến Thuỵ cho biết: Với nỗ lực cao nhất trong thời gian vừa qua, cả trên văn bản pháp lý và điều kiện cơ sở vật chất, XN đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để tiến hành CPH. Cụ thể tại Văn bản số 54/TTg-ĐMDN ngày 11-1-2012; văn bản 1545/TTG-ĐMDN ngày 31-8-2015; Công văn số 6019/VP-ĐMDN ngày 28-12-2015 của Văn phòng UBND TP và gần đây là Công văn số 4531 ngày19-7-2016 về khả năng tiếp tục CPH XN NTTS Kiến Thuỵ.

Còn trên thực tế, mỗi năm sản lượng cá, tôm của XN là khoảng 1.800 tấn để phục vụ nội địa và xuất khẩu. Hiện, XN cũng có đối tác có nhu cầu kết hợp đầu tư vùng sản xuất và chế biến tôm theo công nghệ cao tại khu vực Tân Thành với sản lượng khoảng 50 tấn/ha. Như vậy thì Hải Phòng sẽ trở thành công xưởng tôm, đúng như mục tiêu phát triển KTXH của thành phố theo Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị.

Theo ông Phạm Duy Bàn-Phó Tổng giám đốc Cty chế biến thuỷ sản xuất khẩu thì: DN cũng đã báo cáo UBND TP, đề xuất những giải pháp để Cty hoàn thành các nội dung về tập trung sản xuất kinh doanh, xử lý công nợ, kiện toàn bộ máy tổ chức, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào NTTS, chế biến…

Thêm nữa, tập thể CBCNV của cty và hàng nghìn lao động xã hội cũng có nguyện vọng không thực hiện phương án phá sản mà được tiến hành CPH để tiếp tục được làm nghề, sống với nghề.

Cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực thuỷ sản của thành phố một thời, đang rất cần những định hướng sống còn!

 Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích