Thuốc lá điện tử và nỗi lo hiện hữu

    09:41 26/12/2023

    Chưa hẳn đã trở thành trào lưu, cơn sốt nhưng thời gian qua, cụm từ “thuốc lá điện tử” (TLĐT) đã thu hút sự quan tâm của dư luận, xã hội, nhất là từ các gia đình, nhà trường khi TLĐT từng bước xâm nhập học đường.

    Nguy cơ bởi vậy đã hiện hữu. Không ai còn có thể thờ ơ, bàng quang trước những hệ lụy khôn lường từ TLĐT và những “biến thể” của nó. Đẩy lùi, ngăn chặn TLĐT trong giới trẻ giờ là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó “trục liên kết” gia đình - nhà trường - xã hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

    Qua nghiên cứu, tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là TLĐT (Electronic Nicotine Delivery- ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) và shisha. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm TLĐT, trong đó rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe con người.

    Điều đáng lưu ý là, các sản phẩm này tuy chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh, lưu hành nhưng việc mua bán, quảng cáo lại diễn ra khá rầm rộ, phổ biến, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Việc sử dụng TLĐT cũng có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh.

    Cũng theo WHO, với con số gần 7.800 học sinh trong độ tuổi 13-17 tại 34 tỉnh, thành của Việt Nam, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh vào năm 2019 là 2,6%, nhưng đến năm 2022 đã tăng lên 3,5%. Sự “mới lạ” của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây,..) cùng những lời quảng cáo: không gây hại, “văn hóa hút thuốc lành mạnh”, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của “tuổi mới lớn” và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.

    Điển hình như ngày 4/4, tại một lớp 10 của Trường THPT Hà Đông, 3 học sinh là N.C.Đ; N.T.H; N.H.T, sau khi uống chai nước Fuzetea trà chanh sả của học sinh V.N.A thì có biểu hiện mệt, buồn nôn, khó chịu, nóng trong người. Ngay lập tức, các em được nhà trường đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 103. Qua xác minh, học sinh N.C.Đ thừa nhận, đã nhỏ 2 giọt tinh dầu thuốc lá điện tử vào chai nước để trêu đùa bạn…

    Mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho một bệnh nhi nam bị ngộ độc và phơi nhiễm hóa chất có hại - nicotine trong thuốc lá điện tử. Khai thác bệnh sử cho thấy, trước đó, bệnh nhi có sử dụng thuốc lá điện tử, dẫn đến tình trạng nôn mửa, đau đầu, mất ý thức.

    Đáng nói nữa, thứ gọi là thuốc lá thế hệ mới này có thể làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Không chỉ gây hại cho các phần của não, nicotin còn có thể làm tăng nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác trong tương lai.

    CATP Hải Phòng đã và đang tích cực phối hợp chính quyền địa phương và các trường học tuyên truyền, cảnh báo cho học sinh về tác hại của ma túy, TLĐT, giúp các em có kiến thức để phòng ngừa, tránh gây những hậu quả đáng tiếc do những sản phẩm nguy hại này gây ra.

    Được biết, ngày 24.5.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Chiến lược nhấn mạnh việc tiếp tục “ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”. Đây sẽ là định hướng quan trọng cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới.

    NGỌC HÀ

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông

    Liên kết hữu ích