17:27 16/07/2016
Là một trong số ít các thư viện thôn, làng của thành phố, thư viện làng Kim Sơn (xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy) từng là điểm sáng trong mạng lưới thư viện công cộng của Hải Phòng. Tuy nhiên, thư viện này đã bị bỏ hoang mấy năm nay. Một thời vang bóng… Phòng đọc sách báo làng Kim Sơn khai trương năm 1998 tại ngôi nhà “Hội đồng tộc biểu” trong quần thể di tích đình Kim Sơn - di tích cách mạng cấp quốc gia nổi tiếng trong phong trào kháng Nhật năm 1945. Đây cũng là trung tâm sinh hoạt văn hoá của làng. Quá trình hoạt động của phòng đọc sách đã có sự phát triển nhanh chóng và mang lại hiệu quả rất đáng khích lệ. Năm 2001, phòng đọc sách báo làng Kim Sơn vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Văn hoá - Thông tin về thành tích phục vụ nhân dân. Thành tích đó được duy trì trong nhiều năm liền. Làng đã cử một cựu chiến binh rất có tâm huyết với phong trào văn hoá làng phụ trách phòng đọc. Việc vận động xây dựng tủ sách cũng được thực hiện liên tục, bền bỉ, từ cán bộ thủ thư đến trưởng làng, Ban Vận động làng… cùng tích cực tham gia. Trong các dịp kỷ niệm, lễ hội, họp mặt… của làng đều có nội dung vận động xây dựng tủ sách làng. Không chỉ thế, cán bộ thủ thư, trưởng làng còn nhiều lần trực tiếp đến nhà các vị cán bộ lão thành cách mạng quê ở Kim Sơn nhưng sinh sống nơi khác để vận động ủng hộ sách báo và kinh phí hoạt động cho phòng đọc. Vì thế, thường xuyên có người gửi sách báo về ủng hộ. Có những người đã đặt mua một số đầu báo trong nhiều năm liền tặng cho phòng đọc. Từ 300 cuốn sách ban đầu, sau ít năm, vốn tài liệu của phòng đọc lên tới vài nghìn cuốn sách, gần 1 nghìn tờ báo và tạp chí, hơn 1 nghìn bạn đọc được cấp thẻ, trong đó phần lớn là các em thiếu nhi. Những người quản lý phòng đọc còn có những cách làm sáng tạo trong khai thác và xây dựng tủ sách. Ở đây, bạn đọc được đổi sách (một lượng nhất định) thay tiền lấy thẻ bạn đọc. Nhờ thế, phòng đọc có thêm nguồn bổ sung cho vốn tài liệu của mình. Ngoài ra, phòng đọc dùng tiền làm thẻ để mua sách, báo bổ sung cho vốn sách. Đồng thời, làng cũng trích quỹ của làng mua thêm sách phục vụ nhân dân… Phòng đọc sách báo làng Kim Sơn ngày đó có những cuốn sách rất quý như bản hương ước làng năm 1922 hay cuốn truyện tranh “Tiếng trống Kim Sơn”. Bản Hương ước năm 1922 có 154 điều do ông đồ Khanh (tức Đoàn Đắc Khanh) chấp bút. Ông là một nhà nho yêu nước, sinh quán tại làng Kim Sơn, được các học trò và người địa phương kính trọng. Bản hương ước do ông soạn chứa nhiều tư tưởng mới mẻ, tiến bộ, hợp lòng dân, được chính quyền và nhân dân địa phương hưởng ứng. Trong đó đề cập đến những quyền lợi cơ bản, chính đáng của người dân như cần làm trường học, nhà hộ sinh, đắp đường kiểu chữ thập (+) trong làng để tạo ra môi trường thông thoáng và trật tự an ninh, vận động nhân dân đào nhiều ao để lấy nước tưới ruộng, tắm giặt… Bản hương ước cũng cấm bói toán nhảm nhí, cấm tảo hôn, đề cao cưới xin giản tiện. Còn ma chay thì không được làm linh đình và cũng bỏ quy định nộp lệ cho làng. Đặc biệt về giáo dục, bản hương ước động viên cho con em mình đến trường học, không phân biệt con người giàu người nghèo, con dân hay con quan… Với bản hương ước tiến bộ như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, bộ mặt nông thôn Kim Sơn đã đổi thay. Nhiều em thiếu niên của làng bây giờ còn nhớ một cuốn sách quý của phòng đọc sách báo của làng: truyện tranh “Tiếng trống Kim Sơn”. Cuốn sách gồm 60 tranh vẽ về phong trào Việt Minh ở địa phương trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong cao trào kháng Nhật cứu nước, Kim Sơn là nơi đi đầu không chỉ ở Hải Phòng mà còn ở cả vùng Duyên hải Bắc bộ. Những cuốn sách bổ ích và ý nghĩa như vậy đã thu hút nhiều độc giả trong làng. Từ khi mở phòng đọc sách, làng có thêm một hoạt động văn hoá thường xuyên. Nhất là trong dịp nghỉ hè, rất đông các cháu học sinh đến đây đọc sách, phòng đọc cũng mở thêm thời gian phục vụ. Ngoài ra, còn có nhiều người dân đến đọc báo tại chỗ và mượn sách báo về nhà. Phong trào đọc sách báo phát triển, góp phần nâng cao dân trí và tạo không khí tươi vui, lành mạnh trong làng. … nay còn đâu Ấy thế mà, cho đến cách đây khoảng 4 năm, phòng đọc sách đóng cửa im ỉm và ngày càng trở nên hoang phế. Đến nay, mái nhà dột nát tứ tung, giá sách cũ bị mối mọt tấn công xiêu vẹo, bụi và rêu mốc phủ một lớp dày. Những cuốn sách cũ nát gần hết vì không được bảo quản. Một số người dân cho biết, phòng đọc đã dừng hoạt động mấy năm nay, từ sau khi người thủ thư rất tâm huyết của phòng đọc mất đi, ở đây không có người trông nom thường xuyên và cũng không có kinh phí duy trì. Ông Đặng Bá Hùng, Trưởng làng Kim Sơn, nói: Kinh tế bây giờ phát triển hơn nhiều so với khoảng chục năm trước, hầu như nhà nào trong làng cũng có internet, điện thoại thông minh, ti vi… nên ít người có nhu cầu đến với phòng đọc sách báo của làng. Phòng đọc vẫn trang bị đầy đủ bàn ghế, quạt điện, nước uống… nhưng không có bạn đọc nên đã đóng cửa gần 4 năm nay. Địa phương đang có ý định chuyển ngôi nhà “Hội đồng tộc biểu” (nơi đặt phòng đọc) thành nơi thờ cúng người có công nhưng chưa có kinh phí.
Không còn thư viện làng, người dân Kim Sơn, nhất là các em thiếu nhi (chiếm 4/5 số bạn đọc ở phòng đọc) vào dịp hè không còn địa chỉ để khám phá tri thức, phát triển trí tuệ và tâm hồn. Việc thiếu nơi giải trí lành mạnh sẽ khiến các em sa vào trò chơi điện tử, vô bổ, thậm chí độc hại, hay chơi bời lêu lổng… Hiện nay, mô hình thư viện, tủ sách thôn, làng ở Hải Phòng rất ít. Một thư viện làng có hiệu quả, mang tri thức đến trẻ em và bà con nông thôn như phòng đọc sách báo làng Kim Sơn xứng đáng được cổ vũ, nhân rộng. Thiết nghĩ, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến phát triển hệ thống thư viện cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nông thôn là hết sức cần thiết. Mặt khác, cần tuyên truyền về lợi ích của sách với bà con. Những thiết bị công nghệ hiện đại, sách điện tử không thể thay thế hết được sách in. Hơn nữa, sách giấy tạo được sự tập trung, yên tĩnh cho người đọc “ngấm” tri thức từ sách, có khoảng lặng để tư duy và sáng tạo... Hân Minh |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024