Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng được đảm bảo an toàn ở mức độ cao

14:30 31/10/2023

Gửi tiết kiệm là hình thức đầu tư sinh lời khá phổ biến hiện nay. Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) được bảo vệ bởi cơ chế giám sát ngân hàng và công cụ bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ở mức độ cao và được đảm bảo lãi suất thực dương.

 

Đối thoại tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Agribank chi nhánh TP Hải Phòng

 Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần nguồn lực tài chính lớn cho đầu tư phát triển, tiền nhàn rỗi huy động từ cộng đồng qua hệ thống các TCTD đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp cho đầu tư phát triển kinh tế quốc gia bền vững với độ an toàn cao và hiệu quả.

Tiền gửi được bảo vệ bởi cơ chế giám sát ngân hàng

Hoạt động giám sát ngân hàng được thực hiện theo nguyên tắc tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật về tiền tệ, ngân hàng với giám sát trên cơ sở rủi ro.  Giám sát ngân hàng được tiến hành thông qua giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô, trong đó giám sát an toàn vi mô được hiểu là hình thức giám sát an toàn đối với từng TCTD riêng lẻ và giám sát an toàn vĩ mô là hình thức giám sát an toàn toàn bộ hệ thống các TCTD.

Trong cơ cấu xây dựng lãi suất cho các kỳ hạn tiền gửi, mỗi TCTD đều tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên có liên quan. Hơn nữa, lãi suất cũng được xây dựng đáp ứng tiêu chí điều tiết lãi suất trong quản lý lưu thông tiền tệ của Ngân hàng Trung ương. Cụ thể, lãi suất tiền gửi đáp ứng yếu tố chi phí đầu vào sử dụng tiền gửi, bao gồm chi phí lãi suất đối với người gửi tiền (lãi suất thực dương), chi phí BHTG, chi phí thuế kinh doanh, chi phí vận hành (nhân công, trang thiết bị và an ninh).

Tiền gửi tại các TCTD được bảo vệ bởi cơ chế giám sát ngân hàng. Khi huy động tiền gửi từ cộng đồng, TCTD có trách nhiệm bảo vệ tiền gửi huy động được theo cách thức bảo vệ tài sản có của chủ sở hữu. Với bất kỳ khó khăn nào phát sinh trong kinh doanh, vốn chủ sở hữu của TCTD là nguồn tài chính đầu tiên được dùng để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Điều đó thể hiện trách nhiệm cao nhất của TCTD đối với người gửi tiền - những người đã tin tưởng gửi tiền vào TCTD. Hơn thế nữa, trong suốt quá trình huy động tiền gửi, kinh doanh, đầu tư của TCTD, cơ chế giám sát ngân hàng chặt chẽ được thực thi từ chính nội bộ TCTD, bên cạnh đó là cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng (cơ quan thanh tra và giám sát ngân hàng) và cơ quan BHTG. Với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ tiên tiến, huy động tiền gửi được xử lý nhanh, hiệu quả và an toàn với mức độ ngày càng được nâng cao.

Luật Các TCTD và các luật khác có liên quan đều quy định mức độ ưu tiên, bảo đảm an toàn, khả năng chi trả và quyền lợi của người gửi tiền ở mức độ cao nhất.

Cụ thể, Điều 146 Luật Các TCTD quy định: Khi TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại mà có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống thì sẽ được Ngân hàng Nhà nước, BHTG và các ngân hàng thương mại cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản. 

Ngoài ra, Điều 99 Luật Phá sản quy định, chỉ khi nào Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán thì mới được phép yêu cầu tuyên bố phá sản TCTD. 

Và cuối cùng, nếu TCTD có bị phá sản, thì theo quy định tại Điều 101 Luật Phá sản, khoản tiền gửi cũng được ưu tiên trả nợ trước các khoản nợ Nhà nước và nợ của các chủ nợ thông thường khác.

Tiền gửi được công cụ BHTG bảo vệ ở mức độ cao

Chính sách BHTG đã được nhiều quốc gia sử dụng thành công, bảo vệ tốt tiền gửi tại các TCTD. Các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức BHTG đã bảo vệ trực tiếp và góp phần bảo vệ gián tiếp người gửi tiền được quy định khá cụ thể trong Luật BHTG và các văn bản dưới luật.

Hoạt động giám sát, kiểm tra là nghiệp vụ quan trọng của tổ chức BHTG nhằm gián tiếp bảo vệ người gửi tiền. Hầu hết các hệ thống BHTG trên thế giới đều có chức năng này. Giám sát và kiểm tra phát hiện vi phạm và khó khăn của các tổ chức tham gia BHTG, từ đó đề xuất, cảnh báo, khuyến nghị để TCTD chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Trong giới hạn cho phép, tổ chức BHTG có thể hỗ trợ, can thiệp vào hoạt động của tổ chức tham gia BHTG khi có dấu hiệu mất an toàn.

Luật BHTG ở Việt Nam quy định, tổ chức BHTG thực hiện “Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng”.

Luật Các TCTD sửa đổi năm 2017 đã bổ sung quy định về áp dụng can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước trước khi đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt để xử lý tổ chức có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt. Các TCTD này là đối tượng có nguy cơ rủi ro cao, có thể dẫn đến chấm dứt hoạt động trong tương lai gần, có khả năng phát sinh chi trả tiền bảo hiểm.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém, tổ chức BHTG hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong quá trình phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém thông qua giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt.

Theo quy định tại Luật BHTG, tổ chức BHTG được yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm. Đối với các thông tin báo cáo khác phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG như báo cáo tài chính, chỉ tiêu và báo cáo thống kê… của tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG được tiếp cận, khai thác từ kho dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước. 

Bên cạnh đó, người gửi tiền còn được cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách BHTG và hoạt động của tổ chức BHTG nhằm tiếp cận, nâng cao những hiểu biết cần thiết để có sự lựa chọn dịch vụ tốt nhất, biết được quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia vào thị trường tài chính – ngân hàng.

Nếu như kiểm tra, giám sát, hỗ trợ giải quyết khó khăn trong hoạt động ngân hàng và truyền thông chính sách BHTG đã gián tiếp bảo vệ tiền gửi, thì chi trả tiền bảo hiểm là phương thức bảo vệ trực tiếp tiền gửi. Theo Luật BHTG, các TCTD đều phải tham gia BHTG. Trong trường hợp TCTD không có khả năng tiếp tục hoạt động hoặc mất thanh khoản thì tổ chức BHTG sẽ chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền. 

Như vậy có thể nói, về luật pháp, ngay cả trong trường hợp xấu nhất, thì người gửi tiền là cá nhân luôn được Nhà nước bảo đảm quyền lợi ở mức cao nhất.

Với sự phát triển nhanh chóng của ngân hàng số, hoạt động huy động tiền gửi ngày càng đa dạng, thúc đẩy tốc độ xử lý gửi tiền được nhanh và tiện lợi hơn. Cùng với đó, việc đảm bảo an toàn đối với tiền gửi tại các TCTD cũng ở mức cao hơn.

Kinh nghiệm 24 năm triển khai công cụ BHTG ở Việt Nam cho thấy, từ khi có BHTG, chưa có người dân nào bị mất tiền gửi do TCTD nhận tiền gửi bị đóng cửa và không có khả năng chi trả.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước không thuận lợi, hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, TCTD vẫn là kênh giữ tiền được nhiều người dân lựa chọn.

Theo thống kê mới nhất về tổng lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố hồi đầu tháng 9, tính đến hết tháng 6/2023, tổng tiền gửi đã đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỷ đồng. Điều đó cho thấy, người dân vẫn rất tin tưởng vào hệ thống các TCTD, trong đó không thể không kể đến sự đảm bảo an toàn của công cụ BHTG.

Thái Bình

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông