Tiếp tục hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

15:59 01/12/2023

Chiều 23-11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo chương trình kỳ họp, dự luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6. Tuy nhiên, qua quá trình xem xét và thảo luận, còn nhiều ý kiến khác nhau; một số quy định chưa rõ ràng.

 Bảo vệ quyền lợi của khách hàng

Liên quan đến quy định bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại Điều 10 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu rõ, thời gian qua, nhiều tranh chấp xảy ra giữa cá nhân, tổ chức với các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Thực tế, có tình trạng các tổ chức tín dụng sử dụng hợp đồng cấp tín dụng không rõ ràng, không minh bạch thông tin.

Nhiều trường hợp khách hàng không đọc kỹ hợp đồng do nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu dẫn đến thiệt thòi quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra…Cho rằng Điều 10 dự thảo Luật chưa chế định cơ chế rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị, xem xét bổ sung quy định cơ chế bảo vệ khách hàng rõ ràng, cụ thể, trong đó cần quy định một chương riêng để bảo vệ khách hàng trong quan hệ với các tổ chức tín dụng.

Nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội

Theo đó, ngoài các nội quy quy định tại Điều 10, cần bổ sung thêm các nội dung sau: Thứ nhất, ngân hàng phải chịu mọi trách nhiệm phát sinh từ hành vi của nhân viên đại diện cho ngân hàng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, chức năng về hoạt động của ngân hàng. Thứ hai, hợp đồng tín dụng, hợp đồng dịch vụ tài chính cần được chuẩn hóa theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Thứ ba, cần quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp hoặc ứng xử trong các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên các nguyên tắc về công bằng, trung thực và đạo đức.

Đại biểu cũng đề nghị cần có cơ quan độc lập bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng để bảo đảm các giải quyết về các vụ việc tranh chấp phát sinh một cách thuận lợi, nhanh chóng, tránh trường hợp khách hàng thực hiện khiếu nại hoặc khiếu kiện trong thời gian dài nhưng chậm được giải quyết.

  Còn theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), dự thảo luật chưa đưa ra quy định để giải quyết tận gốc vấn đề xóa bỏ nạn “tín dụng đen”. Hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của người dân vì thủ tục quá phức tạp, chi phí dịch vụ cao so với khoản giá trị vay. Do đó, họ phải tìm tới “tín dụng đen” với rất nhiều rủi ro.

Để giải quyết bài toán này, cần ứng dụng công nghệ thông tin phát triển ngân hàng số cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến đến tận cơ sở. Đề nghị cần mở rộng hơn nữa phạm vi, đối tượng của dự thảo luật, luật không nên chỉ dừng lại ở tổ chức tín dụng truyền thống mà phải quy định với các hình thức tín dụng nhỏ lẻ ở cơ sở, từ đó phát triển quy mô, đưa vào khuôn khổ các hoạt động tín dụng nhỏ lẻ mà ngân hàng chưa thể đáp ứng nhanh chóng. Điều này có thể hạn chế được tín dụng đen, đáp ứng nhu cầu cho vay vốn nhỏ lẻ và ngân hàng cùng người dân trong đời sống thường ngày.

 Như vậy, có thể thấy, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) còn nhiều nội dung, quy định cần phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ hơn để đáp ứng yêu cầu đề ra. Vì vậy, việc để dự Luật này lại và sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội là quyết định đúng đắn, được dư luân cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần để dự luật đạt chất lượng cao nhất và nhanh chóng đi vào cuộc sống sau khi được thông qua./.

                                                                                                                               Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông