TRÁCH NHIỆM LỚN TRONG NÚT… “SHARE”

13:49 08/12/2022

Tin giả, tin sai sự thật, tin tức có nội dung độc hại… đang ngày càng xuất hiện tràn lan trên mọi nền tảng mạng xã hội và được chia sẻ một cách dễ dàng, nhanh chóng. Đáng nói, đã có rất nhiều tác hại, hệ lụy, hậu quả tiêu cực xảy ra từ việc chia sẻ tin giả, tin xấu. Đây là một cảnh báo khẩn cấp để mỗi người cần nêu cao trách nhiệm cá nhân mỗi khi nhấn vào nút chia sẻ một nội dung nào đó trên không gian mạng.
Ảnh minh họa

Không thể phủ nhận rằng công nghệ hiện nay đã phát triển rất mạnh mẽ, góp phần lan tỏa và truyền tải thông tin mà không có bất kỳ rào cản nào về hình thức, thời gian hay phương pháp tiếp cận. Chỉ cần có thiết bị và mạng internet, từ những trẻ nhỏ tới cụ già đều có thể đọc, xem hoặc nghe để đáp ứng nhu cầu học tập và giải trí. Hơn thế nữa, công nghệ và các ứng dụng phổ biến hiện nay còn thông minh đến mức biết “chiều” theo sở thích của người dùng. Nếu ai gõ một nội dung ngắn trên internet hoặc xem một đoạn video lâu hơn bình thường, lập tức các nội dung liên quan sẽ tự động xuất hiện liên tục.

Chính vì vậy, số lượng người tiếp cận tin tức, thông tin qua internet gia tăng không ngừng và khi thấy tin gì hay, lạ, sốc… thì rất dễ dẫn tới việc phải “share” ngay cho bạn bè và người thân cùng theo dõi. Đây chính là nguyên nhân giúp cho những tin giả lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho xã hội. Một tin đồn thất thiệt chưa được kiểm chứng đã từng gây sụp đổ một cơ sở kinh doanh khi nhận hàng loạt đánh giá “1 sao” trên mạng xã hội, khiến doanh nghiệp mất toàn bộ uy tín nhiều công gây dựng. Nghiêm trọng hơn, tin giả còn có thể khiến một người tự tước bỏ mạng sống vì không chịu được áp lực từ dư luận bởi những điều không phải do mình gây ra.

Bên cạnh đó, tin giả, tin xấu không chỉ ảnh hưởng đến quy mô cá nhân hay một tổ chức mà có những trường hợp gây hiệu ứng nguy hiểm đến toàn xã hội. Đơn cử như thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Khi cả nước đang phải gồng mình, nhiều thông tin bịa đặt lan truyền khiến công tác phòng chống dịch thêm phần phức tạp, phát sinh thêm nhiều nguồn lực để đối phó khiến giảm sút niềm tin của người dân. Rồi nữa là những tin đồn nhảm về kinh tế, chính trị đã dẫn tới những thiệt hại không thể lường và kéo theo nhiều nguy cơ mất ANTT.

Hiện, theo quy định của pháp luật, những hành vi sản xuất, tuyên truyền tin giả đã có cơ chế xử phạt thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vì nhiều động cơ khác nhau, những kẻ chuyên tung tin giả dường như vẫn “điếc không sợ súng”. Hầu hết các đối tượng vi phạm khi được làm rõ đều đưa ra nguyên do thiếu hiểu biết hoặc muốn thu hút lượt xem, lượt tương tác của người dùng mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng. Rất ít đối tượng dám thú nhận lợi dụng không gian mạng lan truyền tin sai sự thật về kinh tế, chính trị, tôn giáo… để thực hiện những hành vi trục lợi, gây rối loạn và hoang mang trong xã hội phục vụ mưu đồ chính trị xấu. Có thể thấy, dù có muốn hay không muốn cũng rất khó để ngăn chặn hoàn toàn tin giả, tin độc hại từ internet. Đáng nói, nếu có được đính chính lại, hậu quả và hệ lụy nhiều khi khó khắc phục được nữa. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này nằm ở việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chia sẻ thông tin trên mạng internet.

Cụ thể: Một là, người dùng cần tuyệt đối hạn chế việc chia sẻ thông tin, tin tức khi chưa đọc kỹ và hiểu rõ các nội dung. Nhiều người thường có thói quen chỉ đọc tiêu đề hoặc những đoạn trích dẫn được viết theo dạng “giật tít” mà không biết bên trong nội dung đề cập đến các vấn đề gì và thông tin có đúng với tiêu đề hoặc tin có nội dung chính xác hay không. Việc chia sẻ tin tức chỉ hữu ích khi chúng ta hiểu rõ nội dung, ý nghĩa và giá trị của những thông tin có ích mang lại cho bản thân và những người khác.

Thứ hai, thói quen tiếp nhận các nguồn tin không chính thống, không được xác thực nên được loại bỏ dần. Hiện nay, nhiều người đã hình thành thói quen không xem hoặc tuyệt đối không tin vào các nội dung xuất phát từ những kênh thông tin lạ, không được các đơn vị có thẩm quyền và trách nhiệm kiểm chứng. Với những nguồn tin như vậy, người dùng hoặc tránh tiếp cận hoặc tra cứu, tìm hiểu lại để đối chứng với những nguồn tin chính thức khác. Thao tác này kết hợp với chủ động tìm kiếm thông tin chính xác sẽ giúp giảm đi việc gặp và sử dụng tin giả gây tác động xấu đến tâm lý và hành vi của người dùng.

Thứ ba, việc theo dõi và chia sẻ tin giả, tin độc hại cũng giống như một tệ nạn khi sử dụng internet mà nhiều người vô tình coi đó như một cách giải trí và “giết thời gian”. Vậy để không bị ảnh hưởng bởi “tệ nạn” này giống như việc tránh xa những tệ nạn xã hội khác, mọi người nên dành thời gian cho các mục tiêu và công việc khác trong cuộc sống, tránh dành quá nhiều thời lượng để xem và nghe những tin tức tràn lan trên mạng mà đôi khi không liên quan đến bản thân mình. Xác định rõ những thông tin cần thiết và biết cách tìm kiếm, chia sẻ một cách chính xác và hiệu quả mới đem lại giá trị cho bản thân và cộng đồng.

Như vậy, trong cuộc chiến với tin giả trên không gian mạng, sự tự nhận thức và nêu cao trách nhiệm của bản thân là điều tối quan trọng đối với người dùng. Nếu không biết tự bảo vệ mình và những người xung quanh trước tin giả và tin độc hại trên internet thì bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân với những hậu quả và hệ lụy khôn lường.

LÊ TẤT

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông