Trận tập kích sân bay Cát Bi chia lửa với Điện Biên Phủ

18:48 26/04/2014

 

Đánh giá về vai trò của trận tập kích sân bay Cát Bi đối với chiến thắng “Lừng lẫy Năm châu, chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Ở đồng bằng Bắc Bộ, quân và dân ta đã tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện với tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí sáng tạo, xứng đáng là một “mặt trận điển hình đánh vào địch hậu”, có hiệu quả và hiệu suất chiến đấu cao. Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu III và Khu ủy, Bộ Tư lệnh Tả Ngạn đã động viên mọi lực lượng, tập trung sức người, sức của chi viện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ. Những trận đánh “xuất quỷ, nhập thần” xung kích sân bay Gia Lâm, đặc biệt là sân bay Cát Bi, đánh thẳng vào nơi trung tâm quân sự của giặc, đã phá hủy một bộ phận quan trọng không quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường toàn quốc và chiến trường chính Điện Biên Phủ”…

Đầu năm 1954, thực hiện chủ trương phối hợp, chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân Hải Phòng - Kiến An phối hợp các đòn tấn công của bộ đội chủ lực, mở rộng chiến tranh du kích: hàng chục đoàn tàu bị lật đổ, hàng chục đồn bốt bị san bằng, nhiều kho xăng dầu của địch bị đốt cháy… Nhưng có lẽ chiến công vang dội nhất của quân và dân Hải Phòng - Kiến An trong kế hoạch Xuân Hè 1954 là cuộc tập kích sân bay Cát Bi, đốt cháy hàng chục máy bay. Chiến thắng Cát Bi ngày 7-3-1954 đã góp phần làm đảo lộn, phá sản kế hoạch Navarre của thực dân Pháp, chặt đứt một con đường tiếp viện quan trọng của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ đang trong giai đoạn quyết liệt nhất.

Sân bay Cát Bi là sân bay lớn nhất miền Bắc Đông Dương, được thực dân Pháp tái thiết, mở rộng và nâng cấp vào các năm 1952-1953 để trực tiếp phục vụ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để bảo vệ sân bay, giặc Pháp dồn dân, lập vành đai trắng, xây dựng hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, gồm 78 đồn bốt, tháp canh, 6-7 lớp hàng rào dây thép gai xen lẫn bãi mìn đủ loại. Chúng còn bố phòng 13 cụm phòng không bằng vũ khí trọng liên và đặt 5 đồn bốt kiên cố chốt dọc tuyến đường 14 Hải Phòng - Đồ Sơn. Bên cạnh đó, cùng với việc thường xuyên duy trì hoạt động lùng sục, đánh hơi của một đại đội thám báo do viên thiếu tướng Pháp chỉ huy. Vào thời kỳ cao điểm, chúng sử dụng tới 7 tiểu đoàn Âu Phi Lê Dương và nguỵ quân canh phòng bảo vệ sân bay. Hàng ngày, địch tổ chức canh giữ, tuần tiễu rất nghiêm ngặt khắp trong lẫn ngoài sân bay. Cứ 15 phút đội tuần tiễu vòng lại một lần với sự tham gia của đội quân chó săn được huấn luyện tinh thông, phương tiện cơ giới và hệ thống đèn pha chiếu sáng dày đặc.

Trung tướng Mai Năng - nguyên Chủ tịch Hội CCB Hải Phòng, vị tướng đặc công từng 2 lần được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, nhớ lại: Tháng 7-1953, tổ trinh sát Kiến An được giao nhiệm vụ vào xã Hoà Nghĩa xây dựng cơ sở để bí mật tổ chức đưa lực lượng trinh sát vào sân bay nắm tình hình địch. Khó khăn lớn nhất lúc này là, do địch thường xuyên bao vây, càn quét, khủng bố và phục kích trên khắp các ngả đường nên việc ra vào của trinh sát hết sức khó khăn và khó khăn lớn nhất vẫn là tiếp cận, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với cách mạng. Vì vậy anh em trinh sát ban ngày phải nằm hố, chui dưới bụi cây nơi sình lầy, bị muỗi đốt, vắt chích đau buốt, không cơm ăn, nước uống, đói rét cắt da, rồi đêm đến mới mò vào gặp dân, tuyên truyền vận động, xây dựng cơ sở.

Cứ như vậy, sau gần tháng trời bám trụ, các chiến sĩ mới xây dựng được các cở sở trong nhân dân để chuẩn bị cho trận tập kích sân bay. Đến tận bây giờ, trung tướng Mai Năng vẫn còn nhớ như in tên và hình các mẹ cơ sở can đảm ngày ấy như: mẹ Sàn, mẹ Vo, mẹ Tính, mẹ Can, mẹ Tạ, cô Hồng… ở xã Hoà Nghĩa. Nhờ các cơ sở quần chúng cách mạng trung kiên này mà anh em trinh sát mới thực hiện trót lọt khoảng 36 lần để đếm đi đếm lại từng hàng rào, bãi mía, kho tàng, bãi mìn, từng ngọn đèn pha, hoạt động của sở chỉ huy, vị trí đỗ và kích thước của từng loại máy bay; thói quen sinh hoạt của từng toán tuần tra, từng ổ đèn pha và của mỗi tên trực gác…

Chiến sĩ ta phải chuẩn bị gần 8 tháng để đánh sân bay Cát Bi
Chiến sĩ ta phải chuẩn bị gần 8 tháng để đánh sân bay Cát Bi

Tuy vậy, không ít lần các chiến sĩ trinh sát gặp sự cố bất ngờ đến thót tim như: vô tình vướng dây hàng rào làm mìn nổ, có lần gây tiếng động mạnh trong trạm xưởng, bị địch bao vây lùng sục; quên thời gian không ra kịp trước khi trời sáng, đành phải ém quân, nhịn đói chờ đến đêm lại thực thi nhiệm vụ…

Trong hồi ký của mình, đại tá Đỗ Tất Yến - Chỉ huy phó trận tập kích Cát Bi xúc động kể về quá trình luyện tập vất vả của cán bộ, chiến sĩ vinh dự được tham gia trận đánh lịch sử này như: tập chạy bộ gần 30km với trang bị đầy đủ súng đạn, yêu cầu không phát ra tiếng động; tập đánh máy bay trong khi chưa một ai biết hình thù cụ thể, cấu tạo, tính năng từng bộ phận của nó như thế nào; tổ chức đánh sân bay Đồ Sơn để thực nghiệm (trận này ta diệt được 5 máy bay vận tải, đốt cháy 1 kho xăng)… Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng như vậy nên hầu hết các chiến sĩ đều xác định được tư thế, động tác, khối lượng thuốc nổ đánh máy bay đỗ…

Lực lượng trực tiếp tham gia trận tập kích sân bay Cát Bi ngày 7-3-1954 gồm 32 cán bộ, chiến sĩ, do các đồng chí Minh Khánh (Lê Thừa Giao) làm chỉ huy trưởng, Đỗ Tất Yến làm chỉ huy phó. Quân ta chia thành 2 mũi vượt sông trong điều kiện thời tiết giá rét, rồi bí mật bám theo trinh sát mở đường, vượt qua hệ thống hàng rào dây thép gai, bãi mìn dày đặc của địch để tiếp cận với sân bay. Đêm mùng 6 rạng ngày 7-3-1954, sau loạt súng tiêu diệt toán quân địch đi tuần của trinh sát, các chiến sĩ ta đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn, ào lên tấn công.

Bị tập kích bất ngờ, lợi dụng mấy phút đầu địch chưa kịp phản ứng, từng tổ xông lên đánh phá máy bay theo kế hoạch được phân công, lửa cháy rực cả góc trời. Khi cả sân bay Cát Bi đã biến thành biển lửa ngút trời, quân địch mới kịp hoàn hồn và tổ chức phản công. Chúng dùng hoả lực mạnh từ các hướng chống trả rất quyết liệt như: điên cuồng vãi đạn, thả đèn dù, pháo sáng tìm mục tiêu, kéo còi inh ỏi… Nhưng tất cả đã muộn, ngay sau cuộc tập kích chớp nhoáng (khoảng 25-30 phút), đánh nhanh diệt gọn, các chiến sĩ ta đã khẩn trương rút lui khỏi trận địa, tìm về nơi tập kết an toàn trong sự vui mừng và chở che, đùm bọc của nhân dân, để lại cho quân địch bao nỗi kinh hoàng.

Kết quả là bộ đội ta đã phá huỷ và đốt cháy khoảng 59 máy bay các loại, trong đó phần lớn là máy bay chiến đấu và máy bay vận tải của địch, phá huỷ nhiều vũ khí và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm tê liệt hoạt động tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ của quân đội Pháp. Để có được trận tập kích vang dội, các cán bộ, chiến sĩ ta đã phải mất gần 8 tháng trời chuẩn bị, rất công phu với bao khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh (trong quá trình trinh sát, chuẩn bị và chiến đấu đã có16 cán bộ, chiến sĩ bị bắt và hy sinh).

Chiến thắng Cát Bi ngày 7-3-1954 là trận tập kích chiến lớn nhất, tiêu biểu nhất, đánh dấu bước trường thành vượt bậc của lực lượng vũ trang Hải Phòng về trình độ tác chiến. Ngay sau khi nhận được tin trận tập kích sân bay Cát Bi thắng lợi, Bác Hồ đã tặng danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi” cho cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh lịch sử này.


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông