Trăn trở ca khúc cho thiếu nhi

16:01 15/06/2018

Những năm gần đây, sự góp mặt của nhiều tài năng âm nhạc nhí của Hải Phòng trong các sân chơi lớn trên cả nước cho thấy vườn ươm âm nhạc thành phố Hoa phượng đỏ đang trỗi dậy nhiều mầm biếc… Song cũng từ những cuộc thi mới thấy nguồn các khúc dành cho các em nhỏ hiện đang rất hạn hẹp.

Nguồn ca khúc hạn hẹp

Có một điều còn khiến nhiều người trăn trở từ những cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi. Đó là nguồn ca khúc dành cho các em hiện nay vẫn chỉ xoay quanh những bát hát đã có từ rất lâu đời. Đơn cử như ở Hội thi Sơn Ca thành phố, dù rằng giọng hát của các em rất tốt, rất hay nhưng hầu như năm nào các em cũng chỉ chọn được những bài hát đã rất quen thuộc để thi: Đưa cơm cho mẹ đi cày, Hạt gạo làng ta, Màu áo chú bộ đội…hay một số bài hát viết về các tấm gương thiếu nhi Hải Phòng: Gương sáng Phạm Ngọc Đa, Hoa đồng nội… Những ca khúc ấy được viết từ cách đây rất lâu và dù có được làm mới lại trong cách hòa âm phối khí thì vẫn cho thấy sự trùng lặp giữa các tiết mục, phong cách biểu diễn.

Những sân chơi âm nhạc của thiếu nhi luôn cần nhiều sáng tác mới

Ở những sân chơi lớn khác là Giọng hát Việt nhí – The Voice Kids hay Thần tượng âm nhạc nhí – Vietnam Idol Kids, người xem không khỏi thắc mắc, có phải vì các bài hát thiếu nhi Việt Nam không đủ hay, không đủ tầm nên các thí sinh mới phải lựa chọn nhiều bài hát nước ngoài để dự thi như thế?

Trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam, âm nhạc thiếu nhi dù chỉ là một nhánh nhỏ khiêm tốn nhưng lại được coi là loại hình nghệ thuật tác động sớm nhất đến tâm lý và tình cảm của các em. Những ca khúc hay không chỉ mang lại những cảm xúc trong sáng, lành mạnh nơi tâm hồn trẻ thơ mà còn giáo dục cho các em biết yêu gia đình, thầy cô, bè bạn, yêu quê hương, đất nước…

Thực tế hiện nay cho thấy hoạt động âm nhạc cho thiếu nhi nói chung và sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi nói riêng còn nhiều điều đáng nói. Đã có nhiều bài báo, nhiều nhạc sĩ lên tiếng phàn nàn về những chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi hiện nay. Đó là hiện tượng “sân chơi trẻ con, luật chơi người lớn” và thực trạng “vừa thừa, vừa thiếu” trong các sáng tác dành cho thiếu nhi. Nhiều nhạc sĩ đều cho rằng số lượng ca khúc viết cho thiếu nhi trong cả nước hiện nay khá nhiều, nhưng vẫn thiếu những sáng tác có cảm xúc, đi vào lòng người. Có những bài hát có tuổi đời đến 50 năm vẫn được các em thiếu nhi hào hứng hát vang, trong khi nhiều bài hát vừa mới ra đời đã rơi vào quên lãng.

Cần sự quảng bá

Theo nhạc sĩ Sỹ Vịnh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hải Phòng, trước đây, phong trào sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi ở Hải Phòng khá sôi nổi, nhất là vào mỗi dịp hè. Nhưng hiện nay, phong trào đó đã không còn do không còn những đợt phát động như trước.

Ở Hải Phòng, có thể kể đến một số nhạc sĩ có nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi như: Nguyễn Hữu Toàn, Tùng Ngọc, Hùng Văn… “Tự hào chiến sĩ nhỏ Điện Biên”, “Hát dưới cờ Đội”, “Hát mừng 70 năm,  tương lai”, “Bài ca trồng cây”, “Tiếng đàn Balalaika”, “Gọi nghé”… Những tác phẩm âm nhạc đã ăn sâu vào tuổi thơ của thiếu nhi thành phố. Họ là những nhạc sĩ của thế hệ trước và  hầu hết đều đã nghỉ hưu, không còn gắn bó nhiều trong các công việc ông nhạc. Bởi vậy những tác phẩm mới viết ra sẽ không nhiều và đề tài về thiếu nhi thì càng ít đi.

Phải nói rằng, hiện nay đa số các nhạc sĩ dành sở trường và đam mê của mình cho đề tài thiếu nhi đều xuất phát từ công việc có sự gắn bó với các em nhỏ. Còn lại, các nhạc sĩ chỉ viết theo đơn đặt hàng. Trong thế hệ nhạc sĩ trẻ ở Hải Phòng hiện nay có nhạc sĩ Xuân Trí và Duy Khánh dành nhiều tâm huyết cho các ca khúc viết riêng cho lứa tuổi các em. Trong số đó nhiều sáng tác đã được phổ biến rộng rãi từ những cuộc thi âm nhạc có sự tham gia của các thí sinh nhí của Hải Phòng.

Nhạc sĩ Sỹ Vịnh cũng cho biết, khi nhạc sĩ viết bài hát cho thiếu nhi nhưng không có dịp sử dụng thì họ sẽ sáng tác ít đi. Đó là quy luật dễ hiểu của thị trường âm nhạc hiện đại: sáng tác theo nhu cầu. Nhạc sĩ viết ra tác phẩm nhưng tác phẩm đó phải có người sử dụng, được biểu diễn trước khán giả và phổ biến rộng rãi thì mới tiếp tục tạo cơ hội, nguồn cảm hứng và động viên các nhạc sĩ tiếp tục sáng tác. Bởi vậy để phong trào sáng tác ca khúc cho thiếu nhi trở lại sôi động thì rất cần sự phối hợp tích cực của các đơn vị liên quan chứ chỉ riêng sự nỗ lực của mỗi nhạc sĩ hoặc Hội âm nhạc thì không đủ.

Các nhạc sĩ đều cho rằng ngoài nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc tâm huyết với dòng nhạc thiếu nhi thì cần thiết phải có sự quảng bá, giới thiệu. Một tác phẩm đến được với các em thì không chỉ đơn thuần là bản nhạc mà còn phải hòa âm, phối khí rồi tìm ca sĩ thể hiện, đòi hỏi chi phí khá tốn kém. Khi thực hiện quảng bá hiệu quả và tích cực thì sẽ thúc đẩy được các nhạc sĩ tiếp tục sáng tạo và tâm huyết theo đuổi. Phong trào ca hát của thiếu nhi thành phố Cảng ngày càng có sự khởi sắc, vươn mình trong những năm gần đây thì cũng cần thật nhiều những sáng tác mới phù hợp với lứa tuổi của các em, nối tiếp những bài hát đã quá quen thuộc hoặc những bài hát không tạo được điểm nhấn, ca từ khó hiểu, giai điệu khó hát, khó nhớ đang tồn tại.

Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông