Trào lưu ẩm thực sớm nở tối tàn

17:49 21/10/2016

 

 

Quán mì đông nghịt khách, phần lớn là học sinh
Quán mì đông nghịt khách, phần lớn là học sinh

Nền kinh tế hội nhập và mở cửa mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội thưởng thức món ngon. Tuy nhiên, bên cạnh những lựa chọn khôn ngoan thì còn không ít trào lưu ẩm thực gây tổn hại đến sức khỏe, hoặc sớm nở tối tàn.

Từ món mì cay

Dù đã cố gắng chọn khoảng thời gian đầu giờ chiều vì sợ phải “chen lấn, xếp hàng” nhưng chúng tôi vẫn không hết choáng ngợp bởi lượng khách hàng nối nhau nườm nượp ra vào quán mì cay 7 cấp độ nổi tiếng trên phố Tô Hiệu, đa phần là các bạn trẻ học sinh, sinh viên. Càng ngạc nhiên hơn bởi thực đơn của các hàng mì cay hầu như chỉ phục vụ 3 món duy nhất: mì cay bò, mì cay hải sản và mì kim chi mà vẫn hút được lượng khách “khủng” như vậy.

Tô mì được chan thứ nước dùng đỏ ngàu như tương cay, tỏa ra hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Tuy nhiên khi ăn miếng đầu tiên, chúng tôi đã bị cuốn theo cảm giác cay xè cứ đọng mãi nơi đầu môi chót lưỡi, khiến cả vòm họng nóng ran. Càng ăn càng thấy bỏng rát, tê tái, cảm giác như nhai một nắm ớt tươi vậy. Do đã được cảnh báo trước về độ cay nên mỗi người chúng tôi chỉ dám gọi loại cay cấp độ 1 và cấp độ 0,5, dành cho những người ăn cay kém, tuy nhiên vẫn không khỏi “choáng” trước độ cay mà những loại mì này mang lại.

Cận cảnh tô mì cay 7 cấp độ đang “gây bão”
Cận cảnh tô mì cay 7 cấp độ đang “gây bão”

Ngọc Anh, 22 tuổi, sinh viên Trường đại học Hàng Hải chia sẻ kỉ niệm khó quên: Trước nay em khá tự tin bởi khả năng ăn ớt lâu năm của mình, nấu món ăn nào cũng phải cho ớt cay thật nhiều. Đến khi vào quán mì cay cách đây vài hôm, em tự tin gọi tô mì có cấp độ 7 - cấp độ cay cao nhất. Vậy mà không thể ngờ độ cay khiến em choáng váng đầu óc, nước mắt trào ra, ăn được khoảng 1/3 bát là bỏ cuộc…

Trào lưu mì cay được du nhập từ xứ sở Hàn Quốc. Phải nói nhiều năm trở lại đây, quốc gia ở Đông Á này đã làm khá tốt khâu tiếp thị hình ảnh của đất nước họ, làm dấy lên những trào lưu thịnh phim Hàn, bắt chước làm người Hàn, từ đôi mắt, làn môi, mái tóc..; văn hóa Hàn ngập trong bộ quần áo, dáng đi và cả vài câu líu lô của một bộ phận giới trẻ. Và họ coi đó là mốt, là sành điệu. Đến bây giờ văn hóa ẩm thực cũng ùa vào thành một trào lưu, đi đâu cũng thấy các bạn học sinh, sinh viên tíu tít chuyện mì cay, đấu nhau ăn mì trộn siêu cay mà… không được uống nước, cá cược nhau sẽ chinh phục cái sự “cay” ở cấp độ cao hơn như: “mì cay 7 cấp độ”, “mì siêu cay Hàn quốc 12 cấp độ”, “thử thách các loại ớt cay nhất thế giới”. Ngay tại Hải Phòng, chỉ trong chưa đầy một tháng, số lượng hàng quán phục vụ món mì cay mọc lên như nấm trên các tuyến phố Tô Hiệu, Lạch Tray, Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Hoàng Văn Thụ… Hàn Quốc - xứ sở rét mướt băng giá là thế, các món họ ăn cay là điều hiển nhiên. Chứ ở Việt Nam ta, khí hậu nhiệt đới nóng bức là thế, việc gì phải tìm đến món ăn không hợp thời tiết, thổ nhưỡng, thể trạng, cảm xúc của người Việt mình làm gì. Thế nhưng, vì muốn tỏ ra ta đây hiểu biết, sành điệu, không thua kém ai, các bạn trẻ cứ nhào vào như một trào lưu không cưỡng được.

Một đồng nghiệp lớn tuổi ở cơ quan khi nghe tôi kể đi ăn mì cay đã cười phá lên phán rằng: Mấy đứa tôi chả khác gì bọn trẻ ranh nhà anh, đi ăn về suýt xoa, chả thấy ngon nhưng vẫn muốn đi ăn lại bởi đã… trót thách đấu với bạn bè. Anh cho rằng, đã gọi là những thứ trào lưu ngoại nhập lai căng, thực tế đã chứng minh: chúng chỉ rộ lên và trở thành cơn sốt nhưng ngay sau đó tan đi như bong bóng xà-phòng và sớm đi vào quên lãng...

Đến trà chanh chém gió

Khoảng hơn một năm trước thôi, trào lưu thưởng thức “Bia Club” đã từng nổi như cồn, thỏa sức tung hoành trên những hè phố lớn, nhỏ của thành phố Cảng. Hàng loạt “Bia Club” mọc lên với mục tiêu trở thành điểm đến lý tưởng cho dân “nhậu”, vừa phục vụ những loại bia hảo hạng cao cấp, vừa có cơ sở vật chất khá sang trọng, hiện đại. Nhiều “Bia Club” còn có cả DJ góp vui, giúp khách hàng xả stress qua những bản nhạc sôi động, ấn tượng.

Tuy nhiên, hiện nhiều hàng “Bia Club” đang phải rục rịch đóng cửa, sang nhượng vì vắng khách và ế ẩm. Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuấn Tú, chủ quán “Bia Club” trên phố Lê Hồng Phong, cho biết: “Để đầu tư mô hình này, anh đã phải chi phí không ít tiền, vì đây là mô hình khá hiện đại, trang thiết bị chủ yếu là ngoại nhập nên giá thành cao. Đây là lý do khi khách hàng tìm đến “Bia Club” ngày càng ít đi, quán không đủ sức duy trì”.

Rồi thì trào lưu “trà chanh chém gió”, chỉ cần mỗi người 1 cốc trà chanh có giá từ 7.000đ đến 10.000đ là đã có thể tụ tập cùng bạn bè ngồi chém gió cả buổi tối. Một chủ quán trên đường Lương Khánh Thiện cho biết, riêng tiệm trà chanh của chị ngày nào cũng mang lại doanh thu khoảng 3 triệu đồng, hôm nào "ế" cũng được 1 triệu. Tuy vậy, trào lưu “trà chanh chém gió” chỉ sôi sục trong vài tháng ngắn, rồi từ từ giảm dần độ hot. Nguyên nhân chính được không ít bạn trẻ phản ánh là do chạy theo lợi nhuận, cách chế biến trà chanh dần bị biến tấu, từ một món uống có vị thanh ngọt, lạ miệng thành một thứ nước trà lỏng lẻo, nhạt nhẽo, khiến các teen “sởn da gà” và quay sang tẩy chay món uống này.

Cùng với "trà chanh chém gió", phô mai que, khoai tây lốc xoáy cũng từng trở thành món ăn đường phố cực kỳ hấp dẫn giới trẻ. Nhìn những thanh phô mai chiên vàng xếp đầy trên chiếc mâm, hay những thanh khoai tây cắt lát theo hình xoáy ốc với giá bán chỉ 10.000 - 12.000 đồng khiến nhiều người "xiêu lòng", móc hầu bao mua vài que nóng hổi để thưởng thức. Nhưng rồi các trào lưu này cũng chịu chung số phận do đầu năm 2014, nhiều fanpage trên Facebook rộ lên tin phô mai que có thành phần từ... cao su, nguồn gốc nhập từ Trung Quốc. Không ít bạn trẻ cũng bức xúc chia sẻ về những lần đã ăn phải phô mai giả, ngoài là lớp chiên vàng ruộm, trong là cao su nóng khét lẹt!?

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, trào lưu thì thường đến nhanh rồi đi cũng nhanh, bởi nó không phải là nét văn hóa đặc biệt, lâu đời, nhất là sản phẩm ấy không thấm đẫm hồn cốt dân tộc trong đó. Theo vị này, nhiều người cứ thấy lợi nhuận cao, vốn đầu tư thấp, mô hình đơn giản là đổ xô vào làm. Nhưng họ đâu biết rằng, để kinh doanh bền vững phải luôn tạo ra cái mới, độc đáo, có bí quyết riêng, và đặc biệt phải nghiên cứu, phân tích kỹ tâm lý người tiêu dùng liệu nó có mang lại nguồn thu ổn định, lâu dài.

Trở lại cơn sốt mì cay, mặc dù đang lên ngôi, được nhiều người trẻ yêu thích nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm không có lợi cho sức khỏe. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Mai - Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Hải Phòng cho rằng: Việc ăn cay (ớt, tiêu) quá nhiều có thể gây bỏng miệng, lưỡi, thực quản, viêm niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ gây loét dạ dày hoặc làm bùng phát vết loét cũ ở dạ dày, thậm chí khi đi tiêu còn gây cảm giác nóng bỏng ở hậu môn.

Việc chúng ta thường xuyên ăn các món cay nóng, nếu có kèm táo bón càng làm tăng nguy cơ mọc mụn nhọt trên cơ thể, những nơi có niêm mạc như phủ tạng bao gồm ruột, bao tử, hệ hô hấp và vùng bên trong khoang miệng, mũi sẽ bị tổn hại vì ăn cay quá độ. Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, em Trần Anh Khoa - học sinh Trường THCS Hàng Hải - tham gia thách thức ăn mì cay cấp độ 7 tại quán mì cay siêu cấp trên phố Lê Lợi. Kết quả là toàn thân Khoa nóng bừng như lửa đốt, dạ dày đau thắt từng cơn, nôn ói trong nhiều giờ và suýt phải nhập viện…

Thái Bình - Thu Ninh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích