Trẻ dưới 6 tuổi học quá 10 phút sẽ dẫn đến hại não?

02:59 20/12/2015

Không ít phụ huynh đầu tư thời gian, công sức để tự rèn chữ, tập đọc cho con ngay từ lúc trẻ mới 4 - 5 tuổi với mong muốn trẻ sau này sẽ trở thành niềm tự hào của cha mẹ. Tuy nhiên, các nhà giáo dục lại cho rằng, nếu ép trẻ dưới 6 tuổi học quá 10 phút tại nhà hay đến lớp luyện viết chữ, tập đọc sẽ gây tổn hại đến não.
 
Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh, đặc biệt là ở các thành phố đổ xô cho con đi luyện viết chữ đẹp, làm toán trước khi con vào lớp 1. Thậm chí có phụ huynh còn cất công mua sách, vở để tự rèn chữ, tập đọc cho con ngay từ lúc 4 - 5 tuổi. Với họ, con biết đọc, viết từ sớm là niềm tự hào và “mát mặt” mỗi lúc mang con ra “biểu diễn” với người quen. Thế nhưng, việc ép con học quá sớm vừa sai phương pháp học (lệch với nhà trường), vừa khiến trẻ tăng thêm áp lực tâm lý.
 
  Trẻ dưới 6 tuổi cần được vui chơi, thay vì bị ép học quá sức. Ảnh minh họa: Q.Anh
Trẻ dưới 6 tuổi cần được vui chơi, thay vì bị ép học quá sức. Ảnh minh họa: Q.Anh
Theo chuyên viên tham vấn tâm lý, Th.S Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM), trẻ 4 - 5 tuổi là giai đoạn có nhu cầu vui chơi, khám phá thế giới xung quanh… Trẻ trong độ tuổi này chưa đủ trưởng thành để ngồi yên một chỗ quá lâu. Tay trẻ chưa đủ khéo để uốn cây bút viết chữ theo ý muốn. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm nay ngành giáo dục đã đưa ra quy định 6 tuổi mới cho trẻ đi học, nghiêm cấm dạy chữ trước khi vào lớp 1.
 
Cũng theo ThS Phạm Thị Thúy, với trẻ dưới 6 tuổi, học trước sẽ gây hại nhiều mặt như: Trẻ mất cơ hội vui chơi để rèn luyện cơ thể, rèn luyện kỹ năng sống, độ khéo léo của bàn tay, sự tập trung của tư duy... Cha mẹ thường đánh giá thấp các trò chơi, vì vậy đã tước mất cơ hội vui chơi của con mình. Vui chơi là quyền của trẻ em, thông qua hoạt động này, trẻ được phát triển về mọi mặt từ thể chất tới tinh thần.
 
“Học trước còn gây hại cho trẻ về thói quen viết và cách ngồi học. Bàn tay, ngón tay trẻ chưa đủ khéo nên viết chữ xấu, sau này khó luyện cho trẻ viết chữ ngay ngắn hơn những trẻ học viết đúng tuổi. Thể trạng của trẻ khó tập trung vào việc học nên thường nghịch phá, mải chơi hơn học. Trẻ bị gò ép vào khuôn phép quá sớm sẽ căng thẳng, bực bội, những kỹ năng chưa thành thạo cộng với việc tiếp thu bài chưa tốt sẽ khiến trẻ tự ti, sợ học”, Th.S Phạm Thị Thúy đưa ra cảnh báo.
 
Nên cho trẻ “học” dưới 10 phút
 
Thời gian qua, nhiều bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ nhập viện vì có dấu hiệu bất ổn về tâm lý bắt nguồn từ việc bị ép học, ép luyện chữ và làm toán, trong đó có nhiều trẻ dưới 6 tuổi. BS Phạm Ngọc Thanh - Nguyên trưởng Khoa Tâm lý (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết: “Trẻ dưới 6 tuổi chỉ có khả năng tập trung trong vòng 10 phút, do vậy nếu bắt trẻ học từ 30 phút trở lên sẽ ép não làm việc quá sớm, quá nhiều thì sau này não của bé sẽ không phát triển được. Căng thẳng thần kinh lâu ngày sẽ đưa đến rối loạn lo âu, rối loạn hành vi có thể có triệu chứng mất bình tĩnh, ngủ lơ mơ, gặp ác mộng…”.
 
Nhiều năm nghiên cứu và viết sách về giáo dục mầm non, PGS.TS Nguyễn Công Khanh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí (ĐH Sư phạm Hà Nội) chỉ ra rằng: “Trẻ ở giai đoạn này cấu tạo cơ thể chưa hoàn thiện đối với xương khớp tay, xương cột sống, trí não… không phù hợp với việc học. Nếu ép trẻ sẽ khiến trẻ bị cận, cong vẹo cột sống, ảnh hưởng tâm lý… Do đó, giai đoạn dưới 6 tuổi nên dạy trẻ qua trò chơi, bài hát, dạy trẻ yêu mến bạn bè, thầy cô”.
 
Cho rằng giai đoạn trẻ dưới 6 tuổi là một cơ hội để “đánh thức” tài năng của trẻ, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam (IPD) cho biết, giáo dục sớm để phát triển trí thông minh ở trẻ phải bắt đầu từ khi còn là thai nhi, sơ sinh đến 6 tuổi. “Nếu bỏ qua giai đoạn này sẽ khiến trẻ lãng phí mất thời gian quý giá để có thể phát triển nổi trội các loại hình thông minh mà trẻ sẵn có ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, giáo dục sớm là để cho trẻ tiếp cận, theo sở thích chứ không phải là ép buộc trẻ. Nếu sai phương pháp cũng sẽ thất bại, thậm chí gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ”, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ.
 
Tâm lý phụ huynh ngày nay thường muốn con mình biết nhiều, biết sớm để không thua kém bạn bè. Vì thế bắt trẻ học sớm, học nhiều cũng là một cách để phụ huynh đạt được mong muốn này. Hiện tượng nhiều trẻ bị “tra tấn” bởi bị ép luyện chữ đang là một vấn đề đáng báo động. Ép trẻ phải học nhiều, đi luyện chữ quá sớm chỉ gây tác hại cho trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng tâm lý rất lớn.
 
Theo các bác sĩ nhi khoa, với trẻ dưới 6 tuổi, hệ thống cơ xương khớp ở tay chưa phát triển thành thục nên việc luyện viết chữ nhuần nhuyễn theo các ô ly rất khó thực hiện. Việc ép luyện chữ khiến trẻ dễ bị thui chột ý chí trong học tập và có thể bị rối nhiễu tâm lý, nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển giao tiếp, nhân cách. Trẻ thường phát triển theo hai thái cực, hoặc quá hung dữ hoặc lại quá thụ động. Nếu bắt trẻ nhỏ tập trung quá sớm, quá lâu vào việc rèn chữ, trẻ rất dễ bị cận thị do mắt bị ức chế cao độ.
 
Theo Quang Anh (Báo Gia đình & Xã hội)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông